Chiếc xe lăn thoăn thoắt từ chỗ này sang chỗ khác, chị Xậm nhanh nhẹn lấy sách cho học viên, rồi lại tranh thủ quay lại vị trí để vẽ tranh sơn dầu, kiếm thêm thu nhập. Công việc bận rộn, nhưng luôn đem đến cho chị niềm vui sống. Với người phụ nữ bé nhỏ ấy, để bước đến ngày hôm nay là cả một hành trình dài và đầy gian khó.
Gian nan con đường đến trường
Chị Huỳnh Thị Xậm, sinh năm 1978, tại tỉnh Hậu Giang. Hiện tại, chị đang làm thủ thư tại Trung tâm dạy nghề người khuyết tật và trẻ mồ côi TP HCM (Hóc Môn). Sau gần 10 năm gắn bó với chỗ làm hiện tại, chị Xậm vẫn thường ngồi suy ngẫm lại khoảng thời gian đã qua và điều kỳ diệu đã đưa chị đến ngày hôm nay.
“Ngày đó nếu tôi phó mặc số phận cho ông trời quyết định, yên phận với kiếp tật nguyền mà từ bỏ ước mơ đến trường, thì chắc giờ đây tôi đã trở thành một con người khác” - Chị Xậm bồi hồi nhớ lại.
Từ lúc sinh ra chị đã không có được một cơ thể trọn vẹn như những anh chị em của mình. Tay, chân bị co quắp lại không hoạt động được nên mọi sinh hoạt đều trở nên khó khăn. Hằng ngày, chị đều phải nhờ đến sự hỗ trợ của cha mẹ để có thể đi lại, ăn uống…
Nhìn mọi người đến lớp học, chị cũng ao ước được đến trường nghe thầy cô giảng bài, học con chữ. Thế nhưng ai sẽ là người đưa đón chị đi học mỗi ngày? Rồi chị sẽ viết ra sao? Học như thế nào? Những câu hỏi bủa vây khiến ước mơ đến trường của chị vụt tắt. “Cha tôi nói: gia đình mình nghèo, cha mẹ phải lo đi kiếm tiền nuôi các con, đâu có thời gian mà đưa đón con đến trường, với lại con tật nguyền thế này, học hành cũng không được gì đâu! Thôi ở nhà đi con!” - Chị xúc động nhớ lại.
Cho đến năm 12 tuổi, gia đình gặp biến cố, cha của chị qua đời, để lại bảy mẹ con chật vật với cuộc sống mưu sinh. Khát khao được đi học để thay đổi số phận lại một lần nữa trỗi dậy. Chị tha thiết xin mẹ đến trường.
Tuy nhiên, thầy cô đều ái ngại, không ai muốn nhận chị vào học. Năn nỉ mãi mới có một thầy thương tình, chịu nhận. Thế là cô gái 12 tuổi bắt đầu bài học đầu tiên của mình cùng với các em lớp mẫu giáo.
“Người ta nói nhiều lắm, cười chê có, mỉa mai có, nhưng tôi cố gắng không quan tâm. Tôi đến lớp là để học, và điều duy nhất tôi quan tâm là con chữ” - Chị Xậm chia sẻ.
Thời gian đó gia đình chị vẫn còn rất khó khăn, cả nhà chỉ có một chiếc ghe để mưu sinh, nên ngày nào mẹ lấy ghe đi chở hàng, là chị phải nghỉ học. Đi học vất vả hơn bạn bè, nhưng chị vẫn không chán nản bỏ cuộc.
Một ngày nọ, chị nảy ra ý định tập viết bằng chân. chị kể: “Tôi tự hỏi: Tại sao mình có thể dùng chân để cầm muỗng ăn cơm, cầm chổi để quét sân… mà không thể dùng chân để viết chữ. Vậy là tôi kẹp cây bút vào hai ngón chân, bắt đầu nghệch ngoạc trên giấy. Bỗng thầy giáo đi trông thấy, thầy đã ngạc nhiên và khuyến khích tôi tập viết”.
Bước sang trang mới của cuộc đời
Luyện tập từ những thứ đơn giản nhất, chị Xậm cố gắng vẽ hình vuông, hình tròn, rồi dần dần chị viết được chữ cái và hoàn thành hết chương trình phổ thông trung học.
Trời không phụ lòng người, sau khi tốt lớp 12 chị Xậm được giới thiệu vào học nghề tại trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật tại huyện Hóc Môn (TP HCM). Bằng sự siêng năng, cần cù vốn có, chỉ trong vòng một tháng chị đã có thể vẽ được một bức tranh hoàn thiện.
Một năm sau chị theo học lớp vi tính và được trung tâm quyết định giữ chị lại làm việc để làm gương cho những học viên có cùng hoàn cảnh khác.
Hiện nay chị là quản lý thư viện của trung tâm, sau nhiều năm gắn bó với công việc chị tâm sự: “Những ngày đầu còn khó khăn trong việc sắp xếp các cuốn sách, nhưng giờ thì tôi thành thạo rồi, nhớ được thứ tự các đầu sách để mỗi khi ai cần lấy quyển nào là tôi có thể tìm được ngay”.
Đồng thời chị cũng đang phụ giúp các anh chị trong trung tâm phổ cập giáo dục cho các em khuyết tật. “Nhìn các em tôi nhớ đến hình ảnh của mình ngày xưa, cũng khát khao được nhìn thấy con chữ, ước ao một ngày được thay đổi số phận, nên tôi thương tụi nhỏ lắm!” - Chị Xậm tươi cười chia sẻ.
Cuộc đời là do chính chúng ta tạo nên. Tốt hay xấu phụ thuộc vào ý chí, nghị lực của mỗi người. Nhìn nụ cười rạng rỡ của chị Xậm, chúng tôi tin chị đang vẽ bức tranh cuộc đời mình bằng những gam màu rực rỡ nhất, mà chị có thể.