Một chàng trai cụt tay làm sao có thể gõ phím, ăn cơm?
Một chàng trai bỏ học năm lớp 9 làm sao có thể trở thành sinh viên năm 2 của trường Đại học Công nghệ HUTECH TP.HCM?
...
Những điều lạ kì đó đã được làm nên bởi Nguyễn Ngọc Nhứt (SN 1998). Sau biến cố mất đi đôi tay từ tai nạn điện, cậu bạn đã bế tắc, tuyệt vọng, từng nghĩ mình là gánh nặng cho gia đình và cả xã hội. Nhưng sau cùng, Nhứt chọn cách đứng lên và không ngừng tiến về phía trước.
"Tôi đã mất đôi tay..."
Lúc nói ra câu này với chính mình, cả bầu trời như sụp đổ dưới chân Nhứt. Vốn sinh ra trong một gia đình khó khăn, Nhứt bỏ học để đi làm phụ giúp gia đình từ rất sớm. 16 tuổi, Nhứt đã theo nghề làm cửa sắt. Trong một lần ngồi làm công trình ở trên cao, Nhứt vô tình vướng vào đường điện trung thế và bị giật ngã xuống mái nhà.
Cậu tức tốc được các đồng nghiệp đưa vào bệnh viện. Mơ màn trong những cơn đau, Nhứt nghe bác sĩ bảo: "Đã muộn, không cứu được tay nữa". Mất đi tay trái, Nhứt đau đớn vô vàn. Lần đầu tiên, cậu thấy bố khóc, giọt nước mắt cứ lã chã rơi trên gương mặt khắc khổ của ông.
Do hoại tử quá nhiều, vài ngày sau, cậu phải đón nhận thêm hung tin không thể giữ được tay phải. Những ngày điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, Nhứt không dám nhìn vào cơ thể mình, cậu bị những cơn đau và nỗi tuyệt vọng nhấn chìm.
Mình còn có thể làm gì tiếp theo khi mất đi đôi tay?
Mình sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình?
Cuộc đời phía trước của mình sẽ như thế nào?
...
Những câu hỏi đó cứ vây lấy Nhứt, khiến cậu trở nên khép mình hơn. Sau khi trở về nhà, chàng trai sinh năm 1998 được người chị ở Hàn Quốc mở lời: "Hay là sang đây chữa bệnh, chị sẽ tìm cách lắp tay giả cho em". Vậy là Nhứt lại khăn gói đi.
Hy vọng đã dập tắt ngay sau đó, bởi lẽ, đôi tay giả không thể giúp Nhứt sinh hoạt được. Cậu nuốt nước mắt vào trong, tiếp tục sống trong vô định.
"Ở Hàn Quốc, ai cũng bận rộn đi làm. Mình nhớ có lần mình ở nhà một mình, rất đói bụng mà không thể tự mình lấy thức ăn. Rồi mình thấy một tô cơm trắng trên bàn và cố gắng để tìm cách xúc cơm. Một bên tay mình múc, một bên giữ tô cơm cho khỏi đổ. Đó là những thìa cơm đầu tiên mà mình tự múc ăn sau biến cố kinh hoàng năm nào", Nhứt nói.
Kể từ đó, Nhứt học sống bằng phần tay còn lại của mình. Cậu dùng những đốt xương còn sót lại để gõ phím, tự mình nấu ăn... Niềm khao khát sống lại một lần nữa trỗi dậy.
"Bằng cách này hay cách khác, chúng ta đều sẽ có cách đối mắt với nghịch cảnh và vượt qua bi kịch bản thân mình", Nhứt nhủ thầm
Trở lại trường học
Đó là quyết định của Nhứt, khi cậu bạn bước vào tuổi 20. "Mình được vài người thân lẫn bạn bè động viên, an ủi sau biến cố. Ngay khoảnh khắc đó, mình quyết định quay lại trường học, bởi đây chính là con đường bền vững và mở ra cho mình nhiều hướng đi mới.
Ban đầu, mình nhắn tin cho tất cả các giáo viên cấp 2. Cảm giác của một thằng con trai 20 tuổi mới bắt đầu học lại lớp 10 thật sự rất mặc cảm và tủi thân. Nhưng sau cùng, mình chọn cách gạt bỏ cảm xúc đó, lao vào tìm những kiến thức bị đánh rơi. Mình dò dẫm từng công thức Toán, đọc lại các văn bản Ngữ Văn... Cuối cùng, mình tìm được một Trung tâm Giáo dục thường xuyên để theo học", Nhứt nói.
Nhứt hoàn thành chương trình cấp 3 trong sự nỗ lực bền bỉ. Cuối cùng, cậu quyết định thi Đại học và đỗ vào trường HUTECH. Ngày nhận kết quả trên tay, Nhứt vừa mừng, vừa lo.
Thông báo trúng tuyển đó chính là món quà dành cho những tháng ngày cố gắng của Nhứt. Cậu vui mừng vì thấy sự nỗ lực của mình cũng đã được đền đáp xứng đáng.
Bên cạnh đó, Nhứt đã lo lắng vô cùng khi chọn cách lên TP.HCM nhập học thay vì Cần Thơ. Điều này đồng nghĩa cậu đã chọn một cuộc sống tự lập, sống xa gia đình.
"Mình nghĩ, việc không ở gần mẹ cha, tự lo cho sinh hoạt của mình là cách để mình trưởng thành hơn",cậu bạn tâm sự. Vậy là chàng trai cụt tay đó đã một mình đến TP.HCM nhập học, tự tìm trọ, tự nấu ăn...
Nhìn lại khoảng thời gian đã qua, Nhứt vẫn luôn thầm cảm ơn bản thân mình đã không bỏ cuộc. "Mình gọi bản thân là "Cụt yêu đời", để nhắc nhớ về niềm vui sống được khơi dậy mỗi ngày", Nhứt nói rồi mỉm cười.