SLNA từng được ví như “cái nôi” đào tạo cầu thủ cho bóng đá Việt Nam. Nhưng câu chuyện này đang trở thành quá khứ bởi “lò” SLNA có dấu hiệu sa sút và chững lại trong mấy năm qua. Ngược lại, CLB HAGL của bầu Đức đang trở thành nơi đào tạo cầu thủ trẻ số 1 ở Việt Nam.
Cụ thể, CLB HAGL đang trở thành đội bóng thừa quân nhiều nhất ở V.League. Bầu Đức đã rải quân đi khắp nơi để nhiều cầu thủ chất lượng đến Bình Phước, Bình Định, Viettel, Hải Phòng, Long An, CLB TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Công an Nhân dân, Phố Hiến, Cần Thơ, Thanh Hóa…
Ví dụ cụ thể, Công an Nhân dân đã mượn đến 9 người gồm Thanh Bình, Hoàng Nam, Thanh Sơn, Du Học, A Sân, Rmah Sươ, Duy Kiên, Tiến Đạt và Minh Quyền. Bình Dương đang có Đông Triều theo dạng cho mượn. CLB TPHCM mượn Công Phượng, Đức Lương và Văn Sơn. Bà Rịa Vũng Tàu mượn Nguyễn Nguyên, Minh Bình. Thanh Hóa mượn Thành Long…
Đáng nói, bầu Đức đã cho nhiều đội mượn quân nhưng Học viện HAGL vẫn đang có nhiều cầu thủ trẻ chất lượng khác. Và Học viện HAGL bao gồm cả đội I đang có đến khoảng 200 con người. Bầu Đức chắc chắn tốn rất nhiều tiền, công sức nhưng thành quản là những lứa kế cận sẽ còn tiếp tục được trình làng người hâm mộ bóng đá Việt Nam trong thời gian tới.
Hơn cả chục đội bóng đã và đang mượn quân của CLB HAGL, đó thực sự là một câu chuyện đáng suy ngẫm khi bầu Đức từng một thời tốn rất nhiều tiền bạc để mua những ngôi sao về đội I. Mọi thứ thay đổi từ chính tư duy làm bóng đá của ông chủ CLB HAGL khi cho ra đời Học viện bóng đá HAGL - Arsenal - JMG.
Học viện HAGL đào tạo cầu thủ rất bài bản. Họ có lứa cầu thủ đỗ Học viện và lứa năng khiếu, tức bầu Đức làm theo kiểu “lọt sàng xuống nia”, cầu thủ rớt Học viện nếu có tài năng vẫn có cơ hội trở thành cầu thủ chuyên nghiệp khi được đào tạo ở lớp năng khiếu. Minh Vương là ví dụ thiết thực, anh trưởng thành từ lớp năng khiếu sau khi rớt đầu vào Học viện.
Câu chuyện của CLB HAGL chắc chắn sẽ nhận được những ý kiến khác nhau. Một số người sẽ cho rằng đào tạo nhiều làm gì khi chưa có những cầu thủ giỏi kế cận lứa Công Phượng. Nhưng đó chỉ là cách nhìn bề nổi, còn bản chất nằm ở tương lai, bởi chuyện “mài ngọc thô” là một quá trình đầy gian nan và vô cùng nghĩa cho tất cả nền bóng đá trên thế giới. Bóng đá Việt Nam cũng nằm trong hành trình này.
Bóng đá Việt Nam từ lâu bị đánh giá là xây nhà từ nóc, với sân chơi V.League có số đội đông hơn hạng Nhất và hạng Nhì… Tức phần chân đế nhỏ hơn phần đỉnh, một cách xây dựng thiếu khoa học. Những CLB cũng thiếu hệ thống đào tạo trẻ bài bản. Ví dụ ngay đến CLB Hà Nội, Đà Nẵng cũng phải mượn quân của PVF. Hà Nội FC trong nhiều năm qua vẫn cậy nhờ lò đào tạo Gia Lâm thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Những Quang Hải, Đình Trọng, Hùng Dũng, Đức Huy… cũng ra đời từ chính lò Gia Lâm, sau đó đem cho CLB Hà Nội.
Lúc này, đội bóng Thủ đô đang bắt đầu thay đổi cách làm. Họ nhận ra rằng “lò” Gia Lâm sẽ không còn là điểm tựa lớn khi xuất hiện những trung tâm lớn như Viettel, PVF. CLB Hà Nội đang tính đến chuyện xây dựng hệ thống đào tạo trẻ bài bản nhưng quá trình này chắc chắn cần nhiều thời gian.
Chuyện không có nhiều nơi đào tạo cầu thủ bài bản như HAGL, Viettel, PVF, hay “lò” Gia Lâm khiến cho bóng đá Việt Nam không có sự ổn định và phát triển theo lộ trình. Đúng hơn, nếu may mắn các lò có được lứa cầu thủ chất lượng thì bóng đá Việt Nam thành công, ngược lại rơi vào cảnh bết bát. Điển hình sau lứa Công Phượng, Quang Hải thì các đội trẻ đang thi đấu kém cỏi ở sân chơi khu vực, từ U18 đến U19 liên tục rớt từ vòng bảng ở thời HLV Hoàng Anh Tuấn. Nỗi lo hiện hữu là SEA Games 31 được tổ chức ở sân nhà nhưng chưa thấy được những cầu thủ tiềm năng.
Thế mới thấy rằng, Học viện bóng đá HAGL của bầu Đức đang có một vai trò cực kỳ quan trọng với bóng đá Việt Nam trong việc tiên phong đào tạo trẻ. Bầu Đức rải quân đi khắp nơi, qua đó trở thành bệ phóng giúp nhiều đội bóng tham gia cuộc chơi từ hạng Nhì đến hạng Nhất và V.League. Hành trình này có thể chưa giúp cho CLB HAGL thành công nhưng tạo ra ý nghĩa rất lớn lao khi bóng đá Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều. Điển hình là giai đoạn rực rỡ của bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo, hay V.League hồi sinh kể từ ngày lứa Công Phượng trình làng…
Bất kỳ ai cũng khát khao về thành tích khi làm bóng đá, hay mong muốn thấy ĐTQG thành công. Nhưng làm sao để đi tới thành công thì nhất định không thể thiếu những người thầm lặng trong hành trình “mài ngọc thô”, bởi họ đang bỏ ra nhiều tiền bạc và công sức để xây chân đế cho bóng đá Việt Nam.
Cần nhắc, sự khác biệt lớn từ những người làm bóng đá bài bản, đào tạo cầu thủ trẻ sẽ hiếm có chuyện nghỉ ngang như một số ông chủ đến với bóng đá Việt Nam. Vì họ có trách nhiệm với tương lai của rất nhiều cầu thủ trẻ. Ngược lại, một số người đổ tiền đầu tư đội bóng chơi ở V.League rồi sớm chia tay. Kết quả thì họ để lại là một đội bóng nhanh chóng đổi đời, sau đó “chết chìm” vì hết tiền. Những Ninh Bình, Xuân Thành Sài Gòn… là bài học nhãn tiền.
Và VFF phải cảm ơn bầu Đức khi thay đổi tư duy làm bóng đá. Ông chủ CLB HAGL từ bỏ chuyện mua những ngôi sao lớn để bắt đầu hành trình dài trong việc đào tạo trẻ. Nếu dùng tiền bạc để mua ngôi sao thì CLB HAGL có thể giành thêm nhiều danh hiệu, nhưng bóng đá Việt Nam tiếp tục rơi vào cảnh như HLV Alfred Riedl từng nói thẳng là “xây nhà từ nóc”.