Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Du học

Tự sự của du học sinh Việt sống chết chạy đua với thời gian ở Nhật Bản, không được muộn dù chỉ 1 giây

Theo Báo Đất Việt Theo dõi Saostar trên google news

Tại sao nhiều người hay gọi người Nhật là những cá nhân sống chết bảo vệ thời gian? Vì nếu hẹn 5h, họ chắc chắn sẽ có mặt ở đó trước 4h55. Vì nếu là một nhân viên công sở điểm danh chấm công, họ chắc chắn phải quẹt thẻ sớm hơn 10 phút nếu không muốn hứng chịu cái nhìn kỳ thị từ đồng nghiệp.

2 năm trước, khi còn là nữ sinh trung học, tôi có dịp đón xe bus ra ngoại ô thành phố cùng cô bạn thân, sau buổi nghỉ học thêm đột ngột. Ở phố núi này, 30 phút sẽ có một chuyến xe bus, và thực tế, bus đến hay không sẽ phụ thuộc vào tâm trạng của bác tài.

Đợi gần 1 tiếng chưa thấy chiếc xe nào, cô bạn tôi với kinh nghiệm 7 năm rời huyện quê xuống thành phố học trường chuyên ngán ngẩm: 'Lại bỏ chuyến rồi'.

Dứt lời, một chiếc xe với đủ các loại mùi mưu sinh cũng vừa tới. Trong xe, 2 bó ống nhựa đang được đặt giữa lối đi, 2 bao tải măng vẫn còn nguyên bùn đất, dăm ba sọt su hào, bác tài khuyến mãi thêm cho chục phút đứng đợi khách quen ngoài cổng chợ lớn, cùng với họ là những can rượu cỡ đại.

Chuyến xe chật chội băng qua mọi ổ gà, ổ voi lớn nhỏ, thi thoảng có những cú thắng đột ngột để bắt khách giữa đường, cuối cùng, chúng tôi cũng ra được ngoại ô.

Năm ấy, tôi 18 tuổi, còn ở Việt Nam.

Câu chuyện bắt đầu ở Nhật Bản (Ảnh: Quang Hưng)

2 năm sau trong chuyến đi đầu tiên đến Kyoto - cố đô xinh đẹp và yên bình, tôi cứ thắc mắc mãi, người Nhật đang nghĩ cái gì vậy? Tại sao lại xây điểm chờ xe bus theo hướng người ngồi đợi quay lưng lại với mặt đường, thế biết lúc nào xe đến mà chạy ra cho kịp?

Những điểm đợi xe bus tại Nhật hầu hết thiết kế quay lưng lại với mặt đường

Kết quả nhận được trên Internet không khiến tôi bất ngờ nhiều. Việc quay lưng lại với mặt đường sẽ làm cho hành khách giảm thiểu được khói bụi và tiếng ồn mà các dòng xe gây ra.

Nói không bất ngờ là vì, tôi đã quá quen với việc luôn những phát minh và thiết kế chỉ được tạo ra tại Nhật, để phục vụ mọi người theo cách chu toàn nhất. Như việc nhà vệ sinh công cộng có phòng trang điểm cho phụ nữ; có ghế ngồi giữ cho trẻ nhỏ để mẹ đi vệ sinh; có cả bồn đi vệ sinh cho thú cưng, động vật. Bồn cầu luôn trong trạng thái được làm ấm, tự động phát ra tiếng nhạc róc rách vui tai khi có người đang sử dụng…

Và lý do quan trọng nhất, bạn chẳng việc gì phải ngồi hóng xe bởi những chuyến xe sẽ đến chính xác không muộn 1 phút để chờ bạn bước lên.

Mỗi ngày ở Nhật có hàng chục ngàn chuyến tàu lăn bánh. Phương tiện giao thông công cộng của quốc gia này chỉ chịu đến muộn so với giờ quy định, với các lý do hiếm hoi như có người tự tử nhảy xuống đường ray, hành khách làm rơi đồ xuống đường ray hay các thảm họa từ thiên nhiên (động đất, bão lũ…). Còn hầu hết, những chuyến tàu đều sẽ cập bến đúng chính xác đến từng giây, kể cả tại các thành phố lớn. Thông thường, cứ 3 phút đã lại có một chuyến tàu.

Hơn ai hết, tài xế biết rằng, chỉ 1 chuyến tàu muộn của mình cũng sẽ làm ảnh hưởng đến công việc của hàng ngàn con người khác và của cả những chuyến tàu tiếp theo. Vậy nên, cứ mỗi chuyến tàu bị muộn, cổng soát vé xe sẽ phát hành những tờ giấy chứng minh chuyến tàu bị đình trệ. Hành khách sẽ nhận những tờ giấy này để nộp với mục đích chứng minh lý do đến trễ của mình là bất khả kháng, dù đó chỉ là 5 hay 10 phút.

Cuộc sống bận rộn nhộn nhịp tại Nhật Bản (Ảnh: Lâu Tiên Sinh)

Tại sao nhiều người hay gọi người Nhật là những cá nhân sống chết bảo vệ thời gian? Vì nếu hẹn 5h, họ chắc chắn sẽ có mặt ở đó trước 4h55. Vì nếu là một nhân viên công sở điểm danh chấm công, họ chắc chắn phải dập thẻ sớm hơn 10 phút nếu không muốn hứng chịu cái nhìn kỳ thị từ đồng nghiệp. Vì dù già trẻ hay lớn bé thì ngay từ nhỏ, họ đều đã được dạy rằng, việc đến muộn và bắt người khác phải chờ là một việc làm cực kỳ tồi tệ, sẽ làm ảnh hưởng đến người khác. Điều người Nhật sợ nhất cũng chính là làm ảnh hưởng đến người khác.

Những đứa trẻ từ nhỏ đã lớn lên trong sự tuân thủ nghiêm túc nội quy của trường lớp và dạy dỗ khắt khe của gia đình (Ảnh: Phúc Jindo)

Tôi nhớ, trong một tiết học có bài nghiên cứu của một chuyên gia về việc trễ nải của các nước. Trong đó, có đoạn lấy ví dụ về Tây Ban Nha, thi thoảng, bản tin thời sự nước này sẽ bị phát muộn hơn khoảng 2-3 phút. Cô giáo tôi đã không thể tin nổi và không dưới 5 lần thốt lên 'tại sao điều ấy có thể xảy ra?'.

Một lần khác, cậu bạn cùng lớp tôi đến muộn chỉ 1 phút. Lập tức, điểm chuyên cần hôm đó bị trừ đi một nửa, cho dù cậu ấy ra sức thanh minh rằng do thang máy quá đông.

Tôi cũng nhớ như in buổi phỏng vấn công việc làm thêm đầu tiên của mình, do không biết đường nên tôi đã đến muộn 5 phút. Anh quản lý cửa hàng đã nghiêm khắc nói rằng: 'Dù muộn 1 phút cũng phải gọi điện thông báo vì chúng tôi lo bạn gặp phải chuyện gì'.

Những nhân viên lái tàu cần mẫn tỉ mỉ là hình ảnh đại diện cho phong cách làm việc Nhật Bản (Ảnh: Thai Nhat)

Tại đất nước Nhật Bản, khi đã nói 1 giờ thì chính là 1 giờ, khi đã nói là 1 giây thì chính là 1 giây.

Ngày 24/5/2005, tai nạn tàu hoả thảm khốc tại tỉnh Hyogo đã cướp đi sinh mạng gần 100 người, giả thiết được đưa ra là người lái tài do áp lực bị trễ vài phút từ ga xuất phát, đã tăng tốc và không làm chủ được tốc độ.

Cũng tại một trường tiểu học nọ, một cậu bé đã bị cánh cửa của trường kẹp chết khi cố len qua khe cửa đang dần đóng lại, vừa lúc người bảo vệ đang nhấn nút đóng cửa đúng thời điểm tiếng chuông trường điểm.

Cũng đâu đó tại góc thành phố kia, có một chuyện tình suýt nữa thì chớm nở nhưng bị dập tắt, bởi cô bé du học sinh trong buổi hẹn đầu tiên nhỡ đến muộn vài phút vì không kịp tàu.

Anh bạn Nhật kia nói thấm thía rằng: 'Lỡ mai kia em đến những vùng nông thôn học đại học, nếu trễ một chuyến tàu thì em sẽ phải tốn 1 tiếng để đón chuyến tàu tiếp theo; nếu hôm đấy anh đợi em thì chắc anh nên mang đồ cắm trại luôn rồi. Bạn anh từng đến quê em thực tập, cũng có kể với anh rằng, các buổi họp sẽ bắt đầu muộn hơn 30 phút hay 1 tiếng. Thế tại sao không lấy thời gian đúng ngay từ đầu nhỉ?'.

Câu nói hóm hỉnh nhưng đã không thể gây cười cho cô gái có đầy lòng tự tôn dân tộc.

Sau này, khi được nuôi dưỡng, được trưởng thành trong môi trường đầy nguyên tắc như vậy, tôi chợt thấy mình bỗng trở thành phiên bản kỳ lạ so với bản thân vào năm 18 tuổi. Tôi dù đang nói chuyện điện thoại nhưng vẫn không ngừng cúi gập người khi cảm ơn đầu dây bên kia. Tôi có thể chạy thừa sống thiếu chết trên sân ga, qua nhiều ngã tư đèn xanh chỉ quyết để không để ai phải đợi mình, dù chỉ 1 giây.

Nhưng tôi vẫn vui vẻ chấp nhận ngồi đợi cuộc họp bắt đầu, đợi người hẹn mình đến muộn khi trở về nước, đợi cô bạn thân vẫn ngồi trang điểm ở nhà và quát tháo rằng 'từ từ đừng giục tớ, đang phóng xe máy trên đường'.

Và thi thoảng, trên những chuyến tàu ấm áp có máy sưởi đặt dưới chân, tôi vẫn nhớ mùi hương của những chuyến xe bus đầy hương đồng gió nội và tiếng bác tài mắng phụ xe, tiếng các bà các cô xôn xao bình luận phim Hàn Quốc. Thứ làm nên cái hồn của mỗi quốc gia là tập quán, cho dù đẹp xấu đúng sai cũng là nơi ta đã trưởng thành.

Nước Nhật trong những ngày hoa anh đào bừng nở ảnh (Ảnh: Bill Nguyễn)

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Báo Đất Việt

Được quan tâm

Tin mới nhất
Di Động Việt: Hình thức mua hàng trả chậm không mới