Giác quan đặc biệt: Cảm nhận và ghi nhớ một người qua giọng nói của họ
Trần Nguyễn Ngọc Trâm (năm 2, khoa Lịch sử, ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn TP.HCM) mắc bệnh thoái hóa điểm vàng mắt bẩm sinh. Căn bệnh khiến điểm vàng mắt của cô bị tổn thương, tế bào thần kinh mắt gần như chết hoàn toàn. Chính vì thế, Trâm không thể nhìn thấy ánh sáng, trong giao tiếp, cô buộc phải cảm nhận và ghi nhớ người đối diện thông qua giọng nói.
“Nói chuyện với bạn, mình không biết mặt mũi cậu như thế nào đâu, chỉ cảm nhận được qua giọng nói thôi”, Trâm mở đầu câu chuyện khi gặp tôi.
Tuy không thể nhìn thấy mọi thứ nhưng Trâm lại có một điểm rất đặc biệt, đó là chỉ cần tiếp xúc với người lạ 2 lần, nếu gặp lại lần thứ 3, chắc chắn cô bạn sẽ nhận ra người đó là ai và nhớ lại chi tiết câu chuyện đã từng nói với họ. Không ghi nhớ mọi thứ bằng hình ảnh, nữ sinh chọn lọc nó qua âm thanh. Cô nhớ mọi thứ bằng tiếng động mà nó phát ra và phân biệt tất cả mọi người chỉ qua giọng nói.
Điều kỳ diệu hơn nữa là Trâm đã học lên bậc ĐH bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa. Cô không cần dùng đến chữ nổi hay một biện pháp hỗ trợ đặc biệt dành cho người khuyết tật. Trái lại, Trâm có thể viết chữ trên giấy trắng ngay hàng thẳng lối như các bạn bình thường, thậm chí, chữ nghĩa rất rõ ràng, trình bày sạch đẹp, cẩn thận. Để làm được điều này, Trâm trang bị cho bản thân một chiếc kính dày cộm chuyên biệt, sau đó, Trâm sử dụng phần thị lực ngoài rìa mắt, cúi sát xuống sách vở và ghi chép.
Quá khứ từng đội sổ ở lớp và cú ngược dòng ngoạn mục
Chuyện đỗ ĐH đến giờ vẫn là một kỳ tích đối với Trâm và cả người thân trong gia đình cô. Nhớ lại tuổi thơ, Trâm cho biết, ngày cô đến tuổi đi học mẫu giáo, vì thương con nên ba mẹ vẫn đưa Trâm đến lớp để chơi đùa cùng các bạn cho vui. Vậy mà cứ như thế, từ lớp này qua lớp khác, Trâm cứ đi cùng các bạn như một học sinh bình thường chứ không phải chỉ là một người dự thính cho vui và đỡ buồn.
Ngày Trâm vào lớp 1 cũng là lúc Trâm cảm nhận được sự tách biệt giữa bản thân và các bạn cùng trang lứa. Trâm ít nói đi, luôn mặc cảm vì đôi mắt khiếm khuyết của mình. Biết được tình cảnh của Trâm, một bác sĩ đã đề nghị với ba mẹ Trâm nên cô đến trường khiếm thị chuyên biệt - nơi có những người bạn cùng chung hoàn cảnh - để giúp nữ sinh vơi đi phần nào nỗi mặc cảm.
Thế nhưng, vì thương con mình nhỏ tuổi, nếu đi học ở trường khiếm thị nghĩa là phải sống xa ba mẹ, không biết Trâm có tự chăm sóc bản thân được hay không nên ba mẹ Trâm đã quyết định tiếp tục cho Trâm đến trường học như các bạn bình thường khác.
“Khi đó vì thấy mình ham học, ba mẹ muốn động viên, khích lệ nên cho mình đi học, kiểu đi học cho vui chứ ba mẹ cũng không đặt nặng vấn đề thành tích”, Trâm chia sẻ.
Đối với nhiều bạn học sinh bình thường, chuyện lên lớp, làm bài tập đều đặn đôi khi đã là điều gì đó thực sự vất vả, khó khăn. Vậy mà với Trâm, tất cả chỉ như một trở ngại nho nhỏ trong cuộc sống. Yêu thích và đam mê với việc học nên dần dần, những khó khăn cũng tạm qua đi.
“Nhưng thực sự là mọi thứ không dễ dàng. Suốt những năm lớp 1, 2, 3… Trâm đều không có thành tích học tập tốt, thậm chí, chữ viết của mình liên tục bị leo hàng. So với bạn bè, Trâm không có gì nổi bật, điều này khiến mình càng trở nên mặc cảm, lầm lì, ít nói cười hơn”, cô bạn kể lại.
Trải qua 3 năm khó khăn, Trâm tự nhủ bản thân phải cố gắng hơn nữa. Chỉ sau một kỳ nghỉ hè, bước lên lớp 4 nữ sinh đã làm nên một cú lộn ngược dòng ngoạn mục. Cô bạn dường như khiến thầy cô cũng như bạn bè bất ngờ về học lực của mình. Không chỉ viết chữ đẹp, ngay hàng thẳng lối, thời điểm đó, Trâm còn có thể bắt kịp tiến độ học hành như các bạn của mình.
Từ năm lớp 4 đến hết lớp 12, học kì nào Trâm cũng được nhận giấy khen với danh hiệu học sinh Khá. Miệt mài học hành, cuối cùng cô gái bé nhỏ cũng đậu liền 2 trường Đại học, gồm Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM và Đại học sư phạm Đà Nẵng với số điểm 22. Tuy nhiên, cô bạn đã quyết định chọn học ngành Lịch sử tại Trường ĐH KHCXH&NV TP.HCM.
Ngày nhận thông báo đậu Đại học, Trâm và gia đình dường như vỡ òa. Chẳng một ai có thể tin, một cô bé khiếm thị mắt bẩm sinh lại làm nên được “kì tích” như thế. Thậm chí, bản thân Trâm còn thấy bất ngờ bởi chính mình.
Tưởng chừng như giấc mơ Đại học bị dang dở
Sau ngày nhận tin báo đậu Đại học, niềm hạnh phúc vỡ òa chưa được bao lâu thì cả bầu trời sụp đổ dưới chân Trâm. Mẹ và bà nội của Trâm đột ngột đổ bệnh, một mình ba của Trâm phải chạy đôn đáo vay mượn để đưa mẹ và bà nội vào Sài Gòn chữa trị. Lúc ấy, mẹ Trâm bị giun chui vào ống mật nên phải phẫu thuật gấp, còn bà nội thì bị căn bệnh ung thư phổi hành hạ.
Gia đình Trâm quê ở Quảng Nam và đông con (3 anh chị em) nhưng ba mẹ quanh năm suốt tháng chỉ biết gắn bó với đồng ruộng. Bệnh tật cùng lúc ập tới với người thân giống như tai họa. Kinh tế suy kiệt khiến ước vọng học ĐH của cô bạn gần như phải bỏ dở ngang chừng. Nghĩ tới đó, Trâm và thương mẹ, bà nội và cũng tự thương cho chính mình. Có những đêm nằm suy nghĩ, Trâm gần như suy sụp, cứ nghĩ đến chi phí chữa bệnh cho mẹ và nội mà lòng cô lại lo lắng như lửa đốt.
Ngày nhập học cận kề, Trâm vẫn đang phải đấu tranh tư tưởng bởi gia đình không đồng ý để Trâm vào Sài Gòn một mình bởi không có ai chăm sóc cho Trâm. Hơn nữa, chi phí học tập, sinh hoạt tại Sài Gòn cũng là một vấn đề lớn khiến gia đình Trâm băn khoăn.
“Lúc đó mình buồn lắm nhưng tình cờ, em gái mình xem chương trình “Cà phê sáng” của VTV3 và biết được thông tin KTX Cỏ May miễn phí toàn bộ từ học phí đến nơi ăn, chốn ở cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nên mình đã nhờ em gái làm hồ sơ đăng ký giúp mình”.
Khi ngồi trò chuyện với ba, nữ sinh bất ngờ nhận thấy ba cô tỏ ra vô cùng thấu hiểu ước mơ của con gái. “Ba nói: “Với người ta 22 điểm thi ĐH cũng là bình thường thôi nhưng với con, ba biết nó là biết bao mồ hôi, nước mắt nên ba không nỡ để con phải nghỉ học, dang dở giấc mơ”.
Cô Nguyễn Thị Huệ, quản lí KTX Cỏ May, nơi Trâm đang học tập và sinh sống, cô chia sẻ: “Ngay từ những ngày đầu tiếp nhận trường hợp của Trâm, KTX đã hết sức tạo điều kiện để Trâm có điều kiện tốt nhất. Vừa qua, ban quản lí KTX chúng tôi đã đưa Trâm bệnh viện mắt Xanh Pôn thăm khám và chữa trị. Tuy nhiên, các bác sĩ ở bệnh viện cho biết, trường hợp của Trâm là bẩm sinh, do đó, không có cách nào có thể chữa trị”.
Khó khăn chất chồng khó khăn
Những ngày đầu đi học, ba là người sát sao Trâm cho đến khi Trâm ổn định chỗ ở, chỗ sinh hoạt. Sau đó, ba Trâm trở về quê để tiếp tục công việc và tiện chăm sóc cho mẹ và bà nội Trâm. Với Trâm, những tháng ngày sau khi ba trở về quê, Trâm mới cảm thấy lo sợ và tủi thân vô cùng.
“Khi còn ở nhà, mình cũng đã chuẩn bị tinh thần đối mặt với sự khó khăn khi đi học xa, thế nhưng có chuẩn bị nhiều đến mức nào thì mình cũng không thể hình dung được những khó khăn trước mắt mình lại nhiều đến thế. Những ngày đầu, mình khóc suốt, phần vì nhớ nhà, phần vì lo lắng, thế nhưng, cái gì qua cũng qua, đến bây giờ mình đã tự làm được mọi thứ”, Trâm rưng rưng kể
Lên Đại học, Trâm bắt đầu tiếp xúc với phương pháp học giảng bài qua Slide trên máy chiếu, trong khi đó, mắt Trâm không thể nhìn thấy gì, chính vì thế đây cũng là một trở ngại khá lớn với Trâm.
Tuy nhiên, không chùn bước trước khó khăn, cô bạn luôn tranh thủ giờ ra chơi hoặc cuối giờ để trao đổi thêm với giảng viên. Thậm chí, Trâm còn mượn vở các bạn để về nhà chép lại.
Trong kỳ thi mới đây, Trâm đã đạt số điểm tổng kết học kì là 7.8, một điểm số mà các bạn sinh viên bình thường cũng phải “tròn mắt” nể phục.
Mỗi ngày khi đi học, Trâm đều phải nhờ đến sự hỗ trợ của các bạn cùng phòng KTX, hoặc các anh chị lớn tuổi hơn giúp Trâm bắt xe buýt đến trường, sau đó, khi tan học, cô bạn lại nhờ các bạn bắt xe buýt để trở về KTX.
Với Trâm, vì đôi mắt của mình mà Trâm đã gặp không ít sự việc “dở khóc dở cười”. Nhớ lại một trong những kỉ niệm đáng nhớ những ngày đầu mới đến giảng đường, Trâm cho biết, trong một lần Trâm đi học nhưng hôm đó mọi người trong phòng KTX đều bận, do đó, Trâm phải tự dò đường đi một mình. Ra đến trạm xe buýt, Trâm nhờ 1 bạn sinh viên bắt giùm Trâm xe buýt số 19 để đến trường.
Tuy nhiên, bạn nữ kia hình như đã nghe nhầm và gọi nhầm xe buýt cho Trâm. Sau khi lên xe buýt, Trâm nhờ chú tài xế đến điểm trường thì nhắc và cho Trâm xuống. Lúc này, chú tài xế mới bảo rằng đây không phải là xe buýt số 19, xe này cũng không đi qua trạm xe buýt chỗ trường Trâm học. Khá là hoảng hốt nhưng ngay sau đó, Trâm đã được chú tài xế tốt bụng dắt đi bắt 1 xe buýt đúng tuyến, đúng trạm. Đến bây giờ, Trâm vẫn chưa biết, hôm ấy, bạn nữ kia bắt nhầm tuyến xe buýt số bao nhiêu cho Trâm?
Niềm đam mê với môn lịch sử
Ngày học phổ thông, Trâm được biết đến là gương mặt tiêu biểu nhiều năm liền tại các cuộc thi học sinh giỏi môn lịch sử của trường, huyện, tỉnh tổ chức.
“Ban đầu, mình cũng không biết được bản thân mình thích môn lịch sử. Tuy nhiên khi đến năm lớp 8, giáo viên môn lịch sử thấy mình tiếp thu bài nhanh nên được cô chú ý nhiều hơn. Sau đó, cô đăng ký cho mình đi thi môn Lịch sử, khi mới nghe cô thông báo, mình khá phân vân. Tuy nhiên, được sự động viên của cô và người bạn thân, năm đó, mình đã đạt giải 3 môn lịch sử cấp Huyện. Đến năm lớp 9 mình đạt giải khuyến khích cấp Tỉnh, sang năm năm 11, thành tích khá hơn một chút khi mình giành giải nhất cấp Tỉnh, còn năm cuối cấp, năm lớp 12, mình chỉ đạt giải 3 cấp tỉnh mà thôi”, Trâm chia sẻ.
Hiện tại, Trâm đang học song song lớp Cử nhân tài năng và lớp chính quy chuyên ngành Lịch sử tại trường ĐH KHXHNV. Học song song 2 hệ, khối lượng kiến thức gấp đôi nhưng Trâm vẫn luôn hoàn thành tốt việc học của mình.
Minh chứng cụ thể nhất đó là việc liên tục giành được những điểm số ấn tượng cùng những học bổng giá trị dành cho sinh viên có thành tích xuất sắc. Ngoài ra, mới đây, Trâm còn tham gia một dự án của Trung tâm khuyết tật và phát triển DRD, Trâm may mắn được nhận một phần học bổng giúp Trâm trang trải thêm trong cuộc sống.
Có lẽ, nhiều người trong chúng ta được sinh ra lành lặn, đầy đủ chân tay đã là hạnh phúc và may mắn mà tạo hóa ban tặng. Điều này là hoàn toàn chính xác, bởi nếu khiếm khuyết một phần cơ thể nào đó, nghĩa là bạn phải nỗ lực rất nhiều mới có được cuộc sống bình thường.
Trâm là một cô gái như thế, dù không mắn khi mắc bệnh bẩm sinh về mặt nhưng tinh thần vượt khó, vươn lên trong cuộc sống và học tập của cô bạn phải khiến bao người nể phục.