Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Bí quyết để đạt điểm cao môn Toán trong kỳ thi THPT quốc gia 2018

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kỳ thi THPT quốc gia 2018 chính thức khởi động, là một giáo viên nhiều năm kinh nghiệm ôn thi cho học sinh, thầy Nguyễn Bá Tuấn – Giảng viên ĐH Công nghiệp Hà Nội đã “mách nước” giúp thí sinh giành điểm cao môn Toán.

PV: Thưa thầy, theo thầy giai đoạn nước rút này thí sinh cần ôn tập những trọng tâm nào để có được kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới?

Thầy Nguyễn Bá Tuấn: Đối với thí sinh có mục tiêu 5-7 điểm thì từ giờ đến hết tháng 5 các em cần hệ thống lại và ôn kĩ kiến thức lớp 11 và 12. Cần rà soát lại toàn bộ các kiến thức, đặc biệt là công thức đã được đề cập trong sách giáo khoa.

Thêm một điều nữa thí sinh cần nắm chắc các định nghĩa và tính chất vì đối với hình thức thi trắc nghiệm sẽ có loại bài kiểm tra việc học sinh nắm vững lí thuyết hay không. Có nhiều em vì quên kiến thức 11 nên sợ và cảm thấy các chuyên đề của lớp 11 khó học vào. Các em cần lưu ý là mỗi chuyên đề đều có thể có câu nhận biết, thông hiểu và chỉ cần các em nắm được định nghĩa SGK của chúng là đã có thể làm được và làm rất nhanh rồi.

Đối với học sinh có mục tiêu 9-10 điểm giai đoạn từ giờ đến hết tháng 5 các em cần ôn mạnh theo chuyên đề và làm các bài tập ở mức độ vận dụng và vận dụng cao. Trong thời gian này các em có thể làm 2 đề / 1 tuần cho mỗi môn nhưng làm hết sức nghiêm túc và tạo không gian như thi thật.

Bắt đầu sang tháng 6 các em nên đẩy mạnh việc làm đề nhiều hơn khi đã hệ thống xong kiến thức toàn bộ các chuyên đề. Lúc đó các em cần thực hiện mọi quá trình làm đề cũng như tô đáp án… một cách thành thạo và tối ưu nhất. Quá trình làm đề ở tháng 6 cũng là quá trình các em vận dụng khối lượng kiến thức đã ôn một cách thành thạo để biến nó thành phản xạ khi làm đề.

Thầy Nguyễn Bá Tuấn - Giảng viên ĐH Công nghiệp Hà Nội.

PV: Thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố đề thi minh họa, từ đề thi minh họa này, thầy có lời khuyên gì với thí sinh, đặc biệt nhiều thí sinh lo lắng khi lượng kiến thức năm nay có cả chương trình lớp 11?

Thầy Nguyễn Bá Tuấn: Năm nay khối lượng kiến thức cũng như độ khó tăng hơn so với năm ngoái. Nhưng đề dễ là dễ chung và khó là khó chung. Thời điểm hiện nay có rất nhiều thí sinh bị nản, cảm thấy mệt mỏi do áp lực thi cử cũng như tình trạng đề của các sở giáo dục và các trường chuyên có khá nhiều câu hỏi lạ và khó.

Tình trạng chung hiện nay là học sinh rất hoang mang về các đề thi thử. Thầy có lời khuyên cho các em là hãy rà soát lại toàn bộ các chuyên đề và nắm chắc lại những dạng bài mình đã học để chắc chắn rằng mình đã nhuần nhuyễn nó.

Khi đã vững các dạng cơ bản và điển hình ở mỗi chuyên đề thì mới bắt đầu đi làm với những câu hỏi lạ và khó. Thí sinh cũng nên đặt cho mình mục tiêu điểm số với mỗi môn và lưu ý rằng để tăng từ 5 lên 7 đối với một môn nào đó thì dễ hơn nhiều so với việc tăng từ 8-9 và khi xét tuyển thì sẽ xét tổng điểm các môn (trừ một số môn nhân hệ số 2).

Các em cũng lưu ý thêm ở mỗi chuyên đề thường có các vấn đề thực tế, các em hãy thuộc công thức mà SGK đã đề cập và cố gắng ôn kĩ nội dung ứng với công thức đó trước, những dạng biến thể một cách quá xa các em chưa nên ưu tiên ôn tập.

PV: Khi làm bài thi, thí sinh cần chú ý những điều gì thưa thầy?

Thầy Nguyễn Bá Tuấn: Trước khi bước vào kì thi các em cần lưu ý những điều sau:

Thứ nhất: Việc chuẩn bị dụng cụ để làm bài thi sao cho tối ưu đóng vai trò rất quan trọng. Không những nó giúp quá trình làm bài thuận lợi mà còn giúp các em không bị những cản trở về tâm lí khi thiếu dụng cụ. Cụ thể:

Các em nên có hai máy tính cầm tay khi đi thi, nó không những đề phòng việc hư hỏng mà còn trong quá trình tính toán học sinh có thể bấm một tổ hợp phím nào đó khiến cho máy chạy lâu (phải chờ), khi đó mình sẽ dùng máy còn lại để làm. Các em cần chuẩn bị cho mình bút chì loại tối ưu nhất (tô nhanh nhất), đầy đủ thước kẻ, compa…có nhiều bạn khi thi trắc nghiệm thường bỏ qua các vật dụng này.

Thứ 2: Đến thời điểm gần thi các em nên tập cho mình thói quen ăn ngủ cho hợp với giờ thi. Có nhiều bạn thức khuya và buổi sáng sẽ uể oải … như vậy khi thi vào buổi sáng sẽ trái giờ sinh học các em đang thực hiện lâu nay. Nó sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến sự tỉnh táo của các em.

Khi vào phòng thi và thực hiện làm bài các em cần lưu ý:

Khi làm bài thi các em làm từ trên xuống (theo như công bố của bộ thì mức độ câu từ dễ đến khó sẽ sắp xếp từ trên xuống). Làm ngay và tô những câu mình chốt nhanh được đáp án (rất nhiều bạn sau khi làm xong mới bắt đầu tô sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng tô nhầm đáp án). Khi làm đề ở nhà các em nên tập thói quen này sao cho thành thục.

Khi đọc đề mặc dù rất khẩn trương nhưng lại không được ẩu tránh tình trạng đọc nhầm đề hoặc đọc không kĩ sẽ hiểu sai đề. Lúc đó các em vừa mất một cơ hội có điểm mà lại mất thời gian cho nó.

Đọc một đề để hiểu câu hỏi nó giao động 5-15s. Đã đọc đề các em cần nắm câu hỏi và có thể đưa ra một số nhận định mà mình dùng để loại đáp án hoặc một lưu ý nào đó, các em nên viết nó ra để sau quay lại có thể dùng nó để chốt đáp án mặc dù có thể mình không giải chính xác được đáp án. Ở lượt 1 này các em nên dừng lại suy nghĩ cho mỗi câu không quá 30s (các em nên tập thành thói quen chứ lúc thi mà cứ canh xem hết 30s chưa thì nguy hiểm). Một số bạn chỉ có mục tiêu 5-7 điểm vẫn nên đọc hết đề để đưa ra một số nhận định (có thể là dạng bài mình đã gặp hoặc công thức mình đã thuộc..), khi đọc câu hỏi mà cảm thấy không thể làm được chúng ta sang câu khác luôn.

Sau khi làm xong được những câu mà chúng ta chốt nhanh, các em bước sang lượt 2 với những câu có hướng suy nghĩ nhưng chưa thể ra ngay được kết quả. Cần sử dụng những lưu ý ở lượt 1 để làm. Nếu sau một vài bước tính toán mà chưa ra được các em chuyển qua câu khác. Không nên bị cuốn vào một câu mà không dành thời gian cho những câu còn lại.

Lượt 3 còn lại những câu mà các em chưa làm được. Lúc này là quãng thời gian rất quyết định. Nó thể hiện ý chí của các em. Chỉ có sự kiên định, quyết tâm, không bỏ cuộc thì mới giúp các em chiến thắng. Hãy tập trung hết sức, phân tích câu hỏi theo nhiều hướng, nhớ lại các công thức và phương pháp đã học về chuyên đề đó. Sự thăng hoa sẽ xuất hiện và các em có thể làm được những câu mà bình thường có thể các em không nghĩ ra. Một lưu ý nữa đó là khi làm toán trắc nghiệm sự ước lượng đấp án, có khi không giải ra trực tiếp nhưng một sự khoanh vùng đáp án là rất quan trọng.

Các em nên nháp một cách khoa học, nháp câu nào xong ta nên gạch ngang để ngăn chia các câu. Đến lúc nhìn lại sẽ dễ dàng và có thể hiểu mình đang làm đến đâu của câu đó rồi. Vậy nên khi nháp cũng không nên viết đến mức mình không dò lại được.

Còn 5 phút cuối các em nên soát lại xem còn những câu nào chưa chốt và có phương án để chốt và tô đáp án trước khi hết giờ. Khi tô cố gắng tô nhanh và đầy ô tròn.

Phải luôn tự tin và tránh tình trạng quá hồi hộp, nên có kế hoạch để các em ít phải ra ngoài nhất khi đang trong phòng thi. Muốn có một quy trình xử lí và làm đề thành thục các em nên tập ngay từ bây giờ và tự rút ra những kinh nghiệm cho mình.

Chúc tất cả các em có một kì ôn thi hiệu quả và có một quả thật cao trong kì thi sắp tới.

Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Infonet

Được quan tâm

Tin mới nhất