Như đã đưa tin, Cục Cảnh sát Hình sự (C02), Bộ Công an thông tin, vừa đấu tranh, xử lý hoạt động môi giới mại dâm liên quan đến giới showbiz do Lê Hoàng Long (31 tuổi, quê ở TP. Hải Phòng), đang trú tại TPHCM tổ chức, điều hành.
Mới đây, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, khẳng định Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021 Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên và Hoa hậu các dân tộc Việt Nam Nông Thuý Hằng không liên quan đến hai cô gái T. T và T.H trong đường dây mua bán dâm showbiz với giá lên tới 15.000 USD/lượt.
Sau khi bị đồn đoán, Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên đã chính thức đề nghị luật sư tham gia bảo vệ hình ảnh, danh dự, uy tín, nhân phẩm cho mình.
Trao đổi với chúng tôi, Ts.Ls. Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội, cho biết theo quy định của pháp luật hiện nay, đối với những người bị xử lý hình sự, hành vi nguy hiểm cho xã hội, có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vì lợi ích chung của cộng đồng thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể công khai danh tính, thông tin, hình ảnh của bị can, bị cáo vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Đối với những người vi phạm hành chính trong lĩnh vực mại dâm như hành vi mua dâm, bán dâm, pháp luật hiện hành chưa quy định cho phép công khai danh tính của những người này.
Luật phòng chống mại dâm và Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội cũng không có quy định về việc cho phép cơ quan chức năng thực hiện thủ tục công khai danh tính người mua dâm và người bán dâm nên không đủ căn cứ pháp lý để cơ quan điều tra hoặc các cơ quan tiến hành tố tụng khác công khai danh tính của người mua dâm, người bán dâm.
“Theo quy định của pháp luật, mọi người đều có quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ của mình đối với các vấn đề xã hội.
Tuy nhiên pháp luật cũng bảo vệ danh dự nhân phẩm uy tín của mọi công dân. Việc bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội là quyền tự do ngôn luận nhưng không được xâm phạm đến quyền được bảo vệ về danh dự nhân phẩm của người khác”, Luật sư Cường nhấn mạnh.
Theo luật sư, người đưa thông tin sai sự thật này có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu hậu quả chưa nghiêm trọng thể căn cứ vào quy định tại Điều 101 của Nghị định số 15 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, người đưa thông tin sai sự thật có thể bị phạt từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng, nếu thông tin liên quan đến bí mật đời tư cá nhân thì có thể bị phạt đến 30.000.000 đồng.
Trường hợp hành vi ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm uy tín của người khác khiến cho nạn nhân suy sụp, ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe và có đơn tố cáo thì người đưa tin sai sự thật có thể bị xử lý hình sự về tội vu khống theo Điều 156 BLHS hoặc tội làm nhục người khác theo quy định tại điều 155 bộ luật hình sự.
Người thực hiện hành vi vu khống, tùy từng trường hợp thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến đến 7 năm.
Với hành vi làm nhục người khác mà đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể đối mặt với hình phạt: "Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm". Mức phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Mời đọc giả xem thêm: Khoa Pug Đi Đo Chiều Cao Với 100 Người Mỹ Sau Khi Kéo Chân!