Theo hãng tin Tân Hoa Xã, Trung Quốc mới đây đã mở cửa cho công chúng thử nghiệm cây cầu thủy tinh được mệnh danh là “cao nhất và dài nhất” trên thế giới. Cây cầu đặc biệt này tại Công viên quốc gia Trương Gia Giới, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) do nhóm kiến trúc sư của công ty Haim Dotan thiết kế. Trước đó, theo dự kiến, cây cầu ngoạn mục này sẽ được hoàn thành vào tháng 1/2017. Tuy nhiên, công chúng đã được chiêm ngưỡng và trải nghiệm cảm giác bước trên cây cầu này sớm hơn dự định.
Với chiều dài 430 mét, rộng 6m và có chức năng kết nối hai ngọn núi ở công viên Trương Gia Giới, cây cầu trong suốt này được đầu tư ước khoảng 22,5 triệu nhân dân tệ (gần 75 tỷ VND) để hoàn thành.
Từ trên cầu, nếu bản lĩnh đủ mạnh, chỉ cần cúi đầu là du khách có thể nhìn xuyên qua lớp kính từ độ cao 300m để nhìn xuống cảnh vật ngoạn mục bên dưới.
Toàn cảnh du khách tham quan cây cầu được quay lại trong 1 clip đã cho thấy sự phấn khích, ấn tượng mạnh mẽ và các cảm xúc đan xen của mọi người. Nhiều người không tránh khỏi sợ hãi khi cảm giác mình đang đứng trên một tấm kính mỏng manh, dễ vỡ thông thường. Chưa kể, du khách sẽ trải nghiệm qua ấn tượng giống như đang đứng giữa lưng trừng trời cao, với cảm giác chênh vênh khi bên dưới là vực sâu hun hút!
Tuy nhiên, cây cầu này được thiết kế khá an toàn, được tạo thành từ 90 tấm kính ghép lại, mỗi tấm bao gồm 3 lớp chắc chắn và đã từng vượt qua thử nghiệm dùng búa tạ giáng xuống mà không hề suy suyển.
Clip cũng cho thấy trong 1 phân cảnh là hình ảnh một chiếc SUV đi ngang qua cây cầu.
Tuy nhiên, để đảm bảo tối đa sự an toàn thì người ta đã quy định giới hạn mỗi ngày chỉ đón nhận khoảng 800 khách qua cây cầu này.
Được biết, công trình cầu kính ngoạn mục của chính quyền Trung Quốc không nằm ngoài mục đích thu hút khách du lịch khắp nơi đến đây. Trước đó, Trương Gia Giới vốn là một thiên đường du lịch đầy hấp dẫn ở phía Tây Bắc tỉnh Hồ Nam, và được mệnh danh là “Pandora trên Trái Đất”. Cùng với sự mở cửa của cây cầu trong suốt này, nơi đây càng thêm thu hút mạnh mẽ, số lượng người du lịch và đăng ký trải nghiệm cây cầu kính không ngừng gia tăng, bất chấp nỗi sợ hãi và sốc mà họ có thể phải đối mặt.
Kiến trúc sư Keith Brownlie phân tích trên BBC về lý do tại sao cây cầu dù đáng sợ này vẫn có sức hấp dẫn người xem cho rằng, “có sự liên quan giữa nỗi sợ hãi chi phối cảm xúc con người và sự hiểu biết hợp lý về độ an toàn”, và “ mối quan hệ này sẽ giúp mỗi người bước qua được ranh giới của những cảm xúc đối lập, tiến đến khuynh hướng mong được thử thách tâm lý của chính mình…”.