Dạo phố phường Sài Gòn trên chiếc xe đạp thể thao đầy năng động, bác Paul Blizard trông không giống một người đã bước qua tuổi 69, bác giống một chàng thanh niên trẻ khỏe trong dáng một người đàn ông râu bạc phơ.
Lớp học không mất phí, chỉ được nhận quà
Sáng hôm nay trời nắng ấm, thời tiết thích hợp để bác làm một vòng đạp xe thật xa, thật lớn. Khi cơ thể được khoác lên một lớp sinh lực tràn trề, bác Paul bắt đầu thong thả đạp xe chầm chậm hướng về một mái ấm tình thương trên địa bàn Quận 10. Tại đây, bác ghé thăm những cô con gái nuôi của mình.
Đến Việt Nam lần đầu vào năm 2012, bác Paul đã nhanh chóng xác định được đây sẽ là quê hương thứ hai của mình. Suốt 7 năm nay, ông lão với bộ râu bạc luôn canh cánh về hoàn cảnh của những đứa trẻ mồ côi, ông tìm đến và giúp đỡ từng đứa bé một.
Mỗi cô bé ở mái ấm này đến từ mỗi nơi khác nhau trên khắp miền Nam, hoàn cảnh của mỗi đứa trẻ cũng đa dạng như quê nhà của chúng vậy. Mái tóc đen xõa dài phủ lấy gương mặt khắc khổ dẫu tuổi đời còn chưa quá 15, các em như muốn giấu đi xuất thân của mình sau những nụ cười rạng rỡ.
Khi bác Paul ghé đến, bác mang theo cơ số nào là quà, từ những nhu yếu phẩm cần thiết cho đến quà bánh hay đồ chơi đầy màu sắc. Những cô bé chạy ùa ra cổng và ôm lấy bác như những đứa trẻ sà vào lòng Ông già Noel trong những câu chuyện thần tiên.
Ngoài đóng vai ông lão tốt bụng, “chàng thanh niên nhiều tuổi” này còn sắm vai là một giáo viên khi đứng lớp miễn phí để giúp các em học được ngôn ngữ mà ông đang nói. Tiết học trôi qua thật nhanh và thoải mái khi các em vừa được vui chơi qua những cú pha trò ngộ nghĩnh, vừa được ăn quà bánh được bác Paul mang đến.
Ông bà già tuyết và những túi quà đầy
Định cư ở Việt Nam cùng ông còn có người vợ của mình là bà Pat. “Bà già Noel” cùng chồng về Việt Nam để chữa bệnh. Bác Paul thường xuyên chở vợ đến mái ấm để gặp các em, nhằm giúp bà thoải mái về tinh thần hơn.
Vào cuối tuần khi các em ở mái ấm không phải đến trường, vợ chồng bác Paul đến trung tâm tình thương dẫn các em đi siêu thị ăn uống và mua sắm tự chọn. Đến trưa quay về mái ấm, em nào cũng vui vẻ khoe với cô giáo chủ nhiệm những bộ quần áo mới vừa được ông già Noel tặng cho.
“Ông Paul trong một lần tình cờ gặp các em của mái ấm đang sinh hoạt chung ở bãi đất trống gần đây, đã tìm đến tôi hỏi thăm và ngỏ ý tài trợ vật chất cho các hoạt động của mái ấm. Tính đến nay đã được gần 2 năm, ông Paul mỗi tuần ghé qua một hoặc hai lần, ông đem xà bông, quần áo, bánh kẹo đến rồi dạy các em học tiếng Anh.
Các em ở mái ấm được đi học văn hóa ở trường như bao đứa trẻ khác, các em chỉ về đây sau giờ học để ăn uống, sinh hoạt buổi tối cùng nhau. Các tiết học của ông Paul không thay thế được tiết Anh văn trên trường, nhưng ông giúp các em vui vẻ và học hỏi thêm được về văn hóa của người Mỹ”, cô Thu là một trong những giáo viên chủ nhiệm ở mái ấm, cho biết.
Vào dịp Giáng Sinh, bác Paul tìm đến các khu dân cư nghèo trên địa bàn thành phố để tặng quà cho trẻ em sống ở đây. Ông không cần phải hóa trang cầu kì, ông chỉ cần khoác lên người bộ quần áo vải đỏ đặc trưng và ông đã trở thành Ông già Noel thực thụ trong mắt những đứa trẻ.
Đi đến đâu, những cô cậu bé cũng xin phép được sờ vào bộ râu độc đáo của bác Paul được nuôi gần 5 năm nay. Trong mắt những đứa trẻ nghèo có thể không biết đến hình tượng Ông già Noel trong những câu chuyện cổ tích đầy màu sắc, nhưng bác Paul đã là quá đủ cho chúng.
Từ ông già tuyết hóa thân ông bụt đất Việt
Không chỉ đem lại niềm vui cho những đứa trẻ, bác Paul cũng hóa thân thành ông bụt trong những câu chuyện dân gian để đem lại phép màu cho những bà mẹ đơn thân. Tham gia dự án Jenny với chị Stephanie người Việt Nam, bác Paul đã giúp đỡ 14 ca sinh thành công.
Những bà mẹ đơn thân không thực sợ viết đơn tìm sự trợ giúp, mà phần lớn chính bác Paul cùng chị Stephanie đi đến bệnh viện và tìm gặp các trường hợp single mom cần giúp đỡ, hầu hết họ đều là những người phụ nữ trẻ tuổi gặp khó khăn trong cuộc sống.
“Tôi không ủng hộ nhưng cũng không phản đối việc phá thai, cơ thể của họ là do họ tự quyết định. Nhưng những bà mẹ trong Dự án Jenny của tôi đã chọn giữ lại đứa trẻ vì đó là con của mình dù hoàn cảnh sống không mấy dư dả, chúng tôi tìm đến từng trường hợp để hỗ trợ viện phí và chi phí cơ bản cho đứa bé khi nó chào đời”, chị Stephanie chia sẻ về dự án.
Khi đứa trẻ thứ 14 của dự án cất tiếng khóc đầu tiên lúc lọt lòng, bác Paul cùng vợ đã nhanh chóng có mặt tại bệnh viện để chúc lành cho người mẹ cùng đứa bé, ông cũng không quên mang theo quà cùng một khoản chi phí nhỏ giúp người mẹ trẻ nhanh chóng xuất viện và chăm sóc tốt cho đứa con.
Khí hậu Sài Gòn quanh năm nóng ẩm, khác xa với thành phố Louisville nơi ông sinh ra, nhưng tại cái nơi hừng hực chất nhiệt đới này, ông lại tìm thấy những niềm vui tuổi già giúp sưởi ấm trái tim ông cùng người vợ của mình. Khi đã gọi Việt Nam là nhà, ông luôn muốn ngôi nhà này là một tổ ấm.