Liên quan đến vụ việc máy bay của Vietnam Airlines (VNA) hạ cánh nhầm xuống đường băng chưa được khai thác tại sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), mới đây Cục hàng không Việt Nam cho biết, theo kết luận sơ bộ của tổ điều tra, nguyên nhân chính của sự cố là do tổ lái xác định nhầm đường CHC số 2 (đang trong quá trình thi công, chưa đưa vào khai thác) là đường lăn và là đường khai thác.
Bên cạnh đó, tổ lái cũng chưa tìm hiểu kỹ về sơ đồ sân bay và không thực hiện tốt phương thức hạ cánh bằng mắt (không tham chiếu đến đèn dẫn đường PAPI khi thực hiện phương thức hạ cánh bằng mắt).
Cựu phi công Nguyễn Thành Trung, nguyên Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, máy bay đáp nhầm đường băng là sự cố rất nguy hiểm, uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay. Sau vụ việc, Cục Hàng không Việt Nam đưa ra kết luận ban đầu đây là sự cố được xác định là nghiêm trọng mức B, tức chỉ đứng sau sự cố tai nạn (mức A).
“Rất may sự cố máy bay hạ cánh nhầm đường băng lần này không gây thiệt hại về người. Nếu như trên đường băng đang sửa có vật dụng, máy móc, thiết bị thì sẽ gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, máy bay khi hạ cánh xuống sẽ đâm vào các vật dụng này gây ra cháy nổ. Hành khách trên chuyến bay sẽ gặp nguy hiểm tới tính mạng”, ông Trung chia sẻ.
Ông Trung cho hay, đối với các đường băng chưa đưa vào khai thác thường có rất nhiều vật dụng, máy móc và chỉ cần một viên đá nhỏ ở trên đường băng bắn vào động cơ máy bay cũng có thể gây ra cháy nổ. Vì vậy, sự cố lần này là bài học lớn đối với ngành hàng không của Việt Nam và thế giới.
“Cách đây gần 20 năm về trước, tại Đài Loan cũng từng xảy ra sự việc máy bay cất cánh nhầm đường băng đang sửa chữa trong đêm, gây ra hậu quả khủng khiếp khiến hơn 200 người chết. Hay cách đây khoảng 5 năm, cũng tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh), máy bay cũng đáp nhầm đường băng và rất may vụ việc không gây thiệt hại về người”, ông Trung nói.
Cựu phi công Nguyễn Thành Trung cho biết thêm, trong trường hợp phi công đang điều khiển máy bay hạ cánh, nếu nhận thấy nhầm đường băng hoặc phát hiện chướng ngại vật hoàn toàn có thể đẩy ga bay lên hạ cánh lại. Việc hạ cánh lần 2 là chuyện bình thường trong ngành hàng không.
Bởi vậy, theo ông Trung, trong vụ việc này, ngoài việc xác định lỗi của phi công, tổ bay, cơ quan chức năng cũng phải xem xét đến lỗi của cơ quan không lưu, đài chỉ huy. Đây là cơ quan chỉ huy cho máy bay hạ cánh, phải theo dõi máy bay xuống đúng đường băng hay không. Nếu hạ lệch đường băng phải cảnh báo, ngăn chặn và hướng dẫn máy bay hạ cánh lần 2.
Ngoài ra, cũng cần xem đến lỗi của nhà chức trách sân bay Cam Ranh bởi vì sửa sân bay nhưng không có biển cảnh báo, không có đánh dấu gì để cho phi công biết đường đó không được phép hạ cánh.
Trước đó, vào lúc 14h53 ngày 29/4/2018, máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) số hiệu VN7344 có hành trình từ TP. Hồ Chí Minh đi sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa). Tuy nhiên, sau đó máy bay đã hạ cánh xuống đường CHC số 2 chưa đưa vào khai thác tại Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Cam Ranh. Rất may sự cố không gây thiệt hại về người.