Nếu ai từng đến Hội An, hẳn sẽ thích thú với kem ống, một trong những món quà vặt rất nổi tiếng xứ Quảng Nam. Người Hội An mỗi khi đi trên phố cổ, nghe tiếng leng keng của xe kem quen thuộc, đều muốn dừng chân, mua dăm ba que nhỏ ăn chơi cho vui miệng.
Ở Hội An, món kem này cũng trải qua nhiều bước thăng trầm. Nó từng biến mất vào năm 2008 - 2009 nhưng rồi cuối năm 2014 lại bất ngờ lại hồi sinh. Sau khi “tìm đường” ra Hà Nội, kem ống được gắn thêm chữ “Hội An” để nhắc thực khách về nơi đã sinh ra nó.
Que kem rẻ bèo, giá chỉ 5.000 đồng có gì hấp dẫn người Thủ đô?
Cách đây khoảng 1 năm, kem ống Hội An bất ngờ xuất hiện ở Hà Nội. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, nó đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của mọi người. Loại kem này dễ ăn, màu sắc bắt mắt, giá rẻ và đặc biệt khi mua, thực khách sẽ được tận mắt chứng kiến quy trình chế biến ngay tại chỗ.
Một cái thùng màu hồng, bên trong rộng đủ chứa 100 que kem. Mỗi que kem được đựng trong một ống sắt dài nhọn. Người ta rót kem đã pha chế ở dạng lỏng vào các ống sắt rồi lắc, xoay tròn và đậy nắp. Chỉ khoảng 10 phút sau bỏ ra, người bán thu được những que kem đã đông chặt, mềm mại và tươi mát.
Tôi cứ ngẩn ngơ nhìn theo, không hiểu làm thế nào mà cái thùng màu hồng xinh yêu kia lại có phép màu kỳ diệu đến thế. Hóa ra bên trong nó chứa toàn đá. Người ta bỏ những khay đá to, lạnh toát xuống dưới đáy rồi cho một bọc muối, khuấy đều lên. Kế đến, người bán đổ nước kem chế biến sẵn vào các ống sắt rồi cứ thể, bỏ lên trên chiếc thùng đá màu hồng, lắc, xoay tròn rồi đạy nắp, ít phút sau, nước lỏng đã đông lại thành kem.
Vì chế biến thủ công nên kem ống rất dễ chảy. Ăn kem phải ăn vội và mỗi khi cầm kem, thực khách phải xoay ngọn kem xuống phía dưới, tránh để giọt nước chảy tràn, vấy bẩn tay và quần áo.
Kem ống có tận 7 vị, tha hồ cho khách lựa chọn. Nào thì dâu, sữa dừa, socola, bac hà rồi có cả vị sầu riêng rất đặc trưng của miền Trung và Nam bộ. Thức quà từ xa này ăn có vị ngọt nhẹ, hơi chua dịu và đặc biệt, có chút mặn mòi của muối biển, không thể lẫn lộn đi đâu được. Giá cây kem ống lại quá rẻ, chỉ bằng một ly trà đá nên ai nấy đều tò mò, muốn một lần thử nếm trong lúc đôi chân đang thư thả dạo phố.
Nói là kem giá rẻ nhưng ăn một cây thì chẳng bõ bèn gì. Các cô gái mê ăn vặt, mỗi lần mua kem ống phải ăn 2-3 cây mới đã. Bởi thế, xe kem ống cả trăm chiếc, chỉ bán loáng một lúc là hết vèo, nhiều thực khách muốn mua lại phải đứng đợi. 10 phút nữa, một mẻ kem mới lại ra lò.
Những xe kem nhỏ chở theo sự cần mẫn và nụ cười mến khách
Không khó để tìm thấy một xe kem ống Hội An ở các con đường trong phố cổ Hà Nội. Mới đầu, xe kem còn ít do một vài người Hà Nội, lặn lội vào Hội An học hỏi và mang ra xứ Bắc. Bây giờ, kem ống có nhiều hơn, chắc là bởi người ta rỉ tai hoặc truyền tay nhau cách làm. Cứ thế, kem ống dần dần biến thành một đặc sản phổ biến ở Thủ đô.
Quá nửa đời người làm đủ các nghề, khi đã bước sang tuổi ngoài 60, ông Nguyễn Trọng Khắc lại trở về với xe kem ống, nghề gia truyền từ người cha gốc Hội An. Ngày nào, ông cũng một mình đẩy xe kem từ nhà (sau Nhà Hát Lớn) đến bờ Hồ bán. Dù tấm lưng ướt đẫm mồ hôi, ông vẫn cười rất tươi mỗi khi đưa que kem nhỏ cho khách và không quên nhắc các bạn trẻ bỏ que gỗ xiên kem vào túi đựng rác ông treo ngay sườn xe.
“Mỗi ngày đi bán kem, thi thoảng gặp mấy bạn nhỏ hay hỏi: “ông ơi, ông có kem chưa ạ, cho cháu cây chanh leo, cây bạc hà”, ông lại thấy vui lắm. Cảm giác như cây kem đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống của các cháu, ăn sâu vào ký ức tuổi thơ. Tất cả làm ông nhớ đến ký ức ngày xưa còn nhỏ của mình ở Hội An”.
Ông Khắc là người đầu tiên đưa kem về phố cổ. Bây giờ, cậu con của ông cũng bỏ nghề cũ buôn hoa quả, theo cha làm kem ống. Tính ra, gia đình ông đã có tới 3 đời làm những cây kem giá rẻ. Anh Hùng (con trai ông) tâm sự, vẫn là công thức làm kem từ đời cha ông truyền lại nhưng khi đến tay anh, nó được thay đổi khá nhiều. Bởi thế, cây kem ống ở Hà Nội ăn vẫn có chút khác biệt so với ở Hội An xa xôi.
“Nhưng nó hợp khẩu vị nên người ta rất thích. Ở Hà Nội này, anh dám chắc chẳng ai làm kem ống ngon như gia đình anh”.
Có người bảo rằng, bán kem ống lãi nhiều lắm nhưng mấy ai biết đứng trên đường suốt cả tối, vất vả như thế nào. Trông qua xe kem chỉ đơn giản vậy thôi nhưng ngày nào, người bán kem cũng phải dậy sớm để chuẩn bị nguyên liệu. “5 - 6h sáng là phải dậy, sau đó lựa hoa quả, chọn những chai siro ngon rồi nấu kem, đợi nó nguội hẳn thì đóng vào các chai lavi nhỏ. Kế đến thì bỏ những chai kem lỏng vào thùng đá cho mát lạnh rồi chuẩn bị xe kéo, đem kem đi bán”, ông Khắc kể.
Làm kem vỉa hè nhưng ông Khắc và con trai đều là những người kỹ tính. Chai lavi đựng kem, họ chỉ dùng một lần rồi bỏ đi. Ngày hôm sau, nguyên liệu, dụng cụ làm kem lại được thay mới.
Ông Khắc nhớ nhất lần có một nhóm khách Tây, ăn liền lúc mỗi người 12 cây kem, vừa ăn vừa gật gù tấm tắc: “Good, good (ngon, ngon)!”. Ông bảo người nước ngoài ăn kem ống mà thấy ngon, tức là thấy Hà Nội thú vị. Thế nên ông tin rằng, nghề bán kem của ông, cũng là một cách nhỏ làm tăng thêm vẻ hấp dẫn cho mảnh đất Thủ đô.