Tết Nguyên đán 2024 - Giáp Thìn đang đến gần, thời điểm này, các tiểu thương đang tất bật với việc chăm sóc, bày bán các loại cây cảnh để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Bên cạnh những loại cây cảnh quen thuộc, năm nay, nhiều tiểu thương còn bày bán các loại cây cảnh được tạo hình con rồng cực bắt mắt. Không chỉ hấp dẫn khách hàng mà những loại cây cảnh thế này còn có giá trị cao, đem lại mức thu nhập lớn cho các tiểu thương.
Trong số này phải kể đến hai cây quất hình rồng của anh Nguyễn Đức Anh (33 tuổi, nghệ nhân trồng cây cảnh ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Chia sẻ với VTC News, anh Đức Anh cho biết, để có được cặp quất tán đẹp, uốn lượn hình con rồng, nghệ nhân phải mất 2-3 năm chăm sóc và tạo hình. "Cặp cây có chiều cao 2m, chiều dài 3,5m. Khi di chuyển cây, để không ảnh hưởng đến rễ và quả, tôi phải dùng xe cẩu vận chuyển rất nhẹ nhàng", anh nói.
Hiện tại, cặp quất rồng đang được anh Đức Anh bán với giá 250 triệu đồng. "Khi đưa cây xuống phố, rất nhiều người đến chiêm ngưỡng, tỏ vẻ ngạc nhiên trước sự độc đáo của nó, cũng đã có rất nhiều khách đến hỏi mua nhưng chưa được giá bán mong muốn nên tôi chưa bán", anh Đức Anh cho biết.
Tại Bến Tre, gia đình ông Trần Văn Ninh, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách cũng đang dồn tâm huyết cho việc sản xuất 25 cặp (50 chậu) quất cảnh tạo dáng hình rồng để cung cấp cho thị trường vụ hoa Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Chia sẻ với TTXVN, ông Trần Văn Ninh cho hay, việc tạo ra sản phẩm quất cảnh hình rồng trồng trong chậu rất công phu, trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi nhà vườn phải có đôi tay khéo léo, tỉ mỉ mới có sản phẩm chất lượng phục vụ khách hàng vào dịp Tết. Vì vậy, mỗi ngày, trung bình một người làm được một cặp quất cảnh tạo dáng hình rồng loại nhỏ; còn loại lớn thì phải 3 người mới làm được 1 con mỗi ngày.
Theo nhà vườn huyện Chợ Lách, giá quất cảnh hình rồng được bán cho thương lái trung bình từ 2 - 4 triệu đồng/cặp, tùy loại.
Theo ông Ninh, để có được chậu quất cảnh hình rồng, ngay từ tháng 5 (âm lịch), ông mua nhánh quất cảnh về chiết, nuôi dưỡng cho đến tháng 10 mới dồn thành một chậu. Sau đó, đến 25 tháng 11 mới kết lại thành sản phẩm quất cảnh hình rồng để đưa đi tiêu thụ.
Cái khó nhất của việc sản xuất quất cảnh hình rồng là công đoạn kết các cây lại với nhau để tạo hình dáng giống con rồng như thật, đòi hỏi nhà vườn phải có hoa tay mới làm được, không phải ai cũng có thể làm, ông Trần Văn Ninh chia sẻ.