Từ lâu, ngõ hẻm là một phần không thể thiếu trong nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nội. Nơi đây là “nốt trầm” an nhiên giữa thành phố vốn ồn ào, náo nhiệt.
Chính vì được coi là “góc hoài niệm” của người Hà Nội, cho nên nhiều ngõ phố từ lâu không được sửa sang, khiến chúng ẩm mốc, bám đầy rêu xanh. Bên cạnh đó, những tờ giấy quảng cáo dán chi chít cũng là một trong những nguyên nhân gây mất mỹ quan đô thị.
Để làm mới không gian sinh sống, cụ ông Cao Trí Thịnh (94 tuổi, ngõ Ao Dài, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã tự bỏ tiền túi ra mua sơn và màu, cần mẫn vẽ các bức tranh cổ động lên con ngõ này.
Cụ Thịnh làm việc này đã gần 20 năm nay. Cụ cho biết thích vẽ tranh từ nhỏ nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên phải tạm gác lại đam mê, theo học ngành ngoại thương. Sau khi nghỉ hưu, cụ dành toàn bộ thời gian và tâm huyết để theo đuổi sở thích của mình.
Khi đi qua những bức tường cũ kỹ, rêu phong và ẩm mốc của con ngõ nhà mình, cụ Thịnh đã nảy ra ý định làm mới chúng. Không chỉ dọn dẹp, quét vôi, cụ còn mua sơn và màu để vẽ lên chúng những bức tranh cổ động đầy màu sắc.
“Nhận thấy những bức tường trong con ngõ đơn điệu và cũ kỹ nên tôi vẽ thử cho sinh động, qua đó cũng được dịp thể hiện năng khiếu của mình. Những bức tranh của tôi hầu như ai cũng thích thú nên tôi tiếp tục phát huy”, cụ ông 94 tuổi chia sẻ.
Từ cổng ngõ Ao Dài đến các con hẻm đều là những bức tranh tuyệt đẹp. Vì là một Đảng viên nên tranh tường của cụ tập trung tái hiện cảnh ấm cúng gia đình, tình làng nghĩa xóm, cảnh người dân nô nức lao động, cảnh đạo hiếu hay những khẩu hiệu, lời căn dặn của Bác Hồ.
Bên cạnh đó việc vẽ tường còn giúp mọi người ý thức được rằng phải giữ gìn vệ sinh nơi mình sinh sống, không viết bậy, dán bậy lên tường gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến sự lành mạnh của môi trường sống.
“Tôi luôn vẽ những điều tốt đẹp, qua đó để mọi người nhắc nhở nhau sống tốt hơn. Tôi biến những khẩu hiệu khô khan thành những bức tranh tường giản dị nhưng dễ truyền tải thông điệp“, cụ Thịnh bộc bạch.
Một số người ở ngõ Ao Dài cho rằng, cụ vẽ tranh tường bất kể nắng mưa. Cụ vẽ miệt mài như vẽ cuộc đời mình vậy. Nhiều hôm trời nắng chang chang nhưng cụ lại mang đồ nghề của mình ra để… “múa cọ”. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi” nhưng cụ vẫn muốn hiến công sức của mình, làm đẹp ngõ phố.
“Còn sức tôi còn làm, miễn sao được mọi người hoan nghênh. Tôi yêu vẽ lắm! Tôi cũng yêu con phố của mình nữa“. Có lẽ đó là lý do khiến cụ không muốn xa nơi này, dù con gái của cụ - chị Hồng đã nhiều lần ngỏ ý mời cụ về sống cùng.
“Tôi sống ở đây quen rồi, không thể xa nó được. Nơi đây là tâm huyết mấy mươi năm của tôi. Tôi đang ở gần cuối quãng thời gian tươi đẹp của cuộc đời, cái khoảng thời gian vô lo vô nghĩ về tất cả mọi thứ“, vị “họa sĩ” sinh năm 1923 tâm sự.
Việc làm của cụ Thịnh khiến nhiều người thích thú và ủng hộ. Một số người còn nhờ cụ vẽ giúp cánh cổng nhà mình sao cho thật đẹp và độc đáo. “Cụ vẽ đẹp lắm! Đôi khi cụ tỉ mỉ đến mức vẽ một cái cây mà thay đổi đến cả chục lọ màu. Từ lúc cụ vẽ những bức tranh này không còn tình trạng dán tờ rơi quảng cáo, viết chữ bậy lên tường nữa. Ai cũng mừng”.
Bên cạnh những bức tranh tường của cụ Thịnh, ngõ nhỏ này còn có sự “góp vui” của công trình Vườn hoa Thanh niên do Đoàn Thanh niên phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm) thực hiện. “Những điều đó đã tạo nên bức tranh phố phường đầy màu sắc, người dân cũng thêm yêu nơi này hơn” - một người dân chia sẻ.