Ngay sau khi những hình ảnh về các tác phẩm của Họa sĩ đương đại Cy Twombly xuất hiện trên mạng xã hội lập tức khiến các phụ huynh dành sự quan tâm, chú ý. Rất nhiều ngơ ngác vì không hiểu tác giả vẽ gì, ý nghĩa tác phẩm là gì mà lại có giá trị "khủng" như vậy?
Cũng từ những tác phẩm này, các phụ huynh đã liên tưởng tới con cái, những đứa trẻ thường cầm bút vẽ linh tinh lên tường, làm bố mẹ phải vất vả sơn lại mỗi dịp tết Nguyên Đán. Những bức vẽ nguệch ngoạc ra sách vở của anh chị lớn đã khổ, nhưng còn khổ hơn nữa, khi trẻ lôi những giấy tờ quan trọng ra vẽ, thậm chí bằng tốt nghiệp hay giấy khai sinh bìa hộ khẩu cũng bị bôi bẩn.
Mới đây, bàn luận về sự kiện gây chú ý này, Bác sĩ Trần Văn Phúc, khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Xanh Pôn) đã đưa ra những phân tích, quan điểm cực rõ ràng và cụ thể, nhanh chóng nhận được rất nhiều sự quan tâm và đồng tình của dư luận.
Nhìn tranh của Cy nhiều người tiếc cho con mình
Tôi phì cười khi đọc những comment vợ hỏi chồng tết vừa rồi đã lỡ sơn chỗ tường con mới vẽ chưa? Rồi chồng hỏi lại vợ có phải thời vận của con đã tới? Không ít người tưởng tượng khi vận may đến thì cản không nổi.
Và những ai đã lỡ xoá tranh con vẽ, lỡ thiêu đốt hàng trăm bức, thì sẽ tiếc hùi hụi, bởi đứa con nhỏ nắm giữ trong tay số tiền lớn nhiều tỉ tỉ đô la mà cha mẹ không hề biết.
Vậy thực hư tranh của Cy là như thế nào?
Xuyên suốt bài viết này tôi lấy ví dụ bức vẽ có tên Untitled, tức là không có tiêu đề, nhưng được Cy mở ngoặc là Bacchus, tác phẩm được hoàn thành vào năm 2005, tôi chọn làm ảnh minh hoạ và cũng để bình luận xuyên suốt cho bài viết này.
Cy Twombly là ai?
Twombly sinh ra ở Virginia, Hoa Kỳ vào năm 1928. Được cha mẹ ủng hộ theo học nghệ thuật từ khi còn nhỏ, đến năm 12 tuổi Twombly học vẽ hoạ sĩ Tây Ban Nha nổi tiếng Pierre. Lớn lên ông theo học Đại học Tufts, Đại học Washington và Lee, Liên đoàn Nghệ thuật Sinh viên New York. Năm 1957 ông chuyển đến Ý sinh sống, cưới vợ, mở xưởng vẽ tranh tại thành phố Rome. Ông mất ngày mùng 5 tháng 7 năm 2011, tại Rome, vì căn bệnh ung thư.
Cy là biệt danh do bố ông đặt (đọc là SAI).
Cy Twombly là một trong số những hoạ sĩ quan trọng bậc nhất trong nghệ thuật đương đại của thế kỉ 20. Những tác phẩm của ông thoạt nhìn giống như các bức vẽ graffiti trên tường. Nhưng trong thực tế, ông là một hoạ sĩ học hành có bài bản, trí tuệ vô cùng uyên bác, tranh của ông lơ lửng giữa chữ và hình ảnh.
Tôi thấy những đứa trẻ trong con người nghệ thuật của Cy!
Như tôi đã nói ở trên, với các bậc cha mẹ có con nhỏ ai cũng gặp phải những rắc rối, ngoại trừ trần nhà là nơi bọn trẻ không với tới được thì những bức tường hay bất cứ đâu trong ngôi nhà cũng không thoát khỏi việc lũ trẻ viết và vẽ những “tác phẩm đích thực” theo trí tưởng tượng của chúng.
Twombly cũng vậy, ông chủ trương thoát khỏi xiềng xích mang tên “kĩ năng hội họa”, để tự do thể hiện bản thân như một đứa trẻ.
Cy tự mô tả về những tác phẩm của mình như thế này: “Đường nét vẽ của tôi giống như trẻ con, nhưng không phải trẻ con, rất khó để nguỵ trang, muốn vẽ được như thế phải tự mình chiếu vào đường nét của đứa trẻ. Và để làm được vậy, người nghệ sĩ phải thực sự nhạy cảm.”
Cái khó nhất của người nghệ sĩ, đó là tác phẩm phải chạm được vào dây thần kinh nào đó của công chúng. Hoặc lay động, hoặc ấm áp, hoặc buồn bã, hoặc sợ hãi, hoặc hi vọng, hoặc thất vọng, hoặc cảm nhận được sức mạnh cuộc sống. Tức là phải tạo ra được tia lửa, nó đủ đốt cháy cảm xúc, phải đập mạnh vào giác quan người thưởng thức.
Như hoạ sĩ thiên tài Pablo Picasso đã từng nói: "Tôi mất bốn năm để vẽ như Raphael, nhưng mất cả đời để vẽ như một đứa trẻ - It took me four years to paint like Raphael, but a lifetime to paint like a child". Sự nghiệp của Cy Twombly, với những bức tranh khổ siêu lớn, mà bố cục, đường nét, màu sắc tự nhiên như một đứa trẻ lên ba; quả là không phải dạng vừa.
Cy đã làm xuất sắc điều đó
Tôi xem một Facebooker mỗi caption chỉ vài chục tương tác, nhưng khi đăng tranh của Cy lên với dòng giới thiệu ngắn ngủi, vậy mà mấy tiếng sau có 2,2k chia sẻ và 1,5k bình luận; hầu hết đều là những người có con nhỏ, chừng đó đủ chứng minh Cy đã thành công trong việc chạm được vào dây thần kinh của những công chúng khó tính nhất.
75 triệu đô la cho bức Untitled…
Có người phải thốt lên rằng: “cho không còn bị đấm chứ nói gì đến 75 triệu đô la!” Đó chính là thành công của Cy, thành công khi có những người phải bỏ ra số tiền siêu khủng để sở hữu bức tranh, nhưng có người lại cảm thấy giận dữ khi nhìn vào nó, thậm chí muốn đấm cả tác giả.
Rất nhiều comments nói rằng “con tôi còn vẽ đẹp hơn!’
Và những bằng chứng được các bậc phụ huynh đưa ra, nhiều người chia sẻ ‘tranh’ con họ vẽ, đó là những ảnh chụp tường nhà loang lổ, những tờ giấy A4 vẽ đủ hình thù rất ngây thơ đáng yêu.
Nhưng các bạn hãy bình tĩnh, tranh của Cy hoàn toàn khác, đó là những đứa trẻ trong con người hoạ sĩ, chứ không phải là trẻ con vẽ những bức tranh đơn giản.
Untitled có kích thước = 468 x 317cm
Hãy nhìn kĩ vào con số, tức là tranh của Cy có kích thước, một bức tranh khổng lồ; nó hoàn toàn khác với việc cầm một cây bút màu nguệch ngoạc lên tờ giấy A4, hay vẽ lung tung lên tường nhà tuỳ thích.
Khi vẽ bức tranh này, Cy đã phải chôn một cái cột thật chắc, ông cố định cây cọ khổng lồ lên cột, bằng cách nào đó nhúng được vào sơn đỏ, rồi vẽ những hình xoắn ốc lên xuống rất ổn định giống như một nét vẽ duy nhất. Tôi vẫn chưa hiểu tại sao Cy làm được điều này.
Rõ ràng việc cầm bút di chuyển trên tờ giấy nhỏ hay trên tường nhỏ nó khác hoàn toàn với cầm cây cọ di chuyển trên màn vải khổng lồ 468 x 317cm. Đó không còn là di chuyển của cổ tay và ngón tay đơn thuần. Mà là chuyển động của cánh tay, vai, lưng, eo, chân, toàn cơ thể phải chuyển động với sự phân bổ lực cũng nhưng động học di chuyển phải cực kì khoa học, cực kì tinh tế, cực kì chuẩn xác, cực kì ổn định.
Rất khó để có hoạ sĩ làm được điều này
Đó là đặc điểm xuyên suốt trong tranh của Cy Twombly, luôn đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, chính xác, cẩn thận, khoa học trong từng đường nét.
Người hoạ sĩ vừa phải có sức khoẻ tốt, có trí tuệ tuyệt vời, có nền tảng kiến thức khoa học cơ bản vững vàng; bởi nếu chỉ cảm tính đơn thuần sẽ không thể tạo nên được bức tranh Untitled với đường nét vẽ kinh ngạc như vậy.
Hãy ghi nhớ Untitled là bức tranh khổng lồ!
Quan điểm tranh khổng lồ, uy lực, tỉ mỉ và chính xác Twombly chịu ảnh hưởng từ Mark Rothko, tác giả của những bức tranh ba dải màu khổng lồ nổi tiếng, bức rẻ nhất 75 triệu đô la, bức đắt nhất 186 triệu đô la.
Rothko từng viết: "Tôi vẽ những bức tranh rất lớn vì muốn nó gần gũi với con người. Vẽ một bức tranh nhỏ là đặt bản thân ra ngoài trải nghiệm. Với bức lớn hơn, bạn như ở trong đó".
Tranh của Twombly còn lớn hơn của Rothko nhiều
Tác phẩm Untitled của Twombly có chiều rộng 468cm và chiều cao 317cm, bất cứ ai đứng trước bức tranh này, cũng sẽ có cảm giác bị nó nuốt chửng; dùng cọ để chinh phục được kích thước như vậy, đó là một sự kì vĩ của người hoạ sĩ.
Tác phẩm nghệ thuật đương đại nhìn sơ qua thấy rất đơn giản
Đơn giản, nhưng sẽ không bao giờ hiểu được nó, nếu chúng ta không chịu nhìn từ nhiều góc độ lớn hơn.
Cũng như vậy, tranh của Cy nếu nhìn từ những đứa trẻ trong gia đình thì nhà ai cũng có vô khối bức tương tự, hay đến cửa hàng văn phòng phẩm có nhiều bút màu thì sẽ nhìn thấy ngay tác phẩm như thế này; và khi đó chúng ta không thể hiểu nổi tại sao bức Untitled lại có giá 75 triệu đô la.
Tôi đã từng đối mặt với tác phẩm của Twombly trong một cuộc triển lãm nghệ thuật đương đại ở Rome. Tranh của ông gây nên cho tôi sự sửng sốt. hưng để hiểu được nó quá khó. Tôi hỏi một nhà phê bình hội hoạ. Và câu trả lời tôi nhận được là, thưởng thức tranh của Twombly cũng giống như đọc tiểu thuyết Ulysses, một tác phẩm văn học kinh điển với sự ẩn dụ về sử thi Odysseus, thủ pháp dòng ý thức và nội dung được nén chặt bằng những sự kiện miên man trôi theo suy tưởng của các nhân vật.
Đây chính là chìa khoá để xem tranh Twombly
Như vậy, điều cơ bản đầu tiên để tôi hiểu được tranh của Twombly, là phải tìm hiểu về con đường nghệ thuật mà ông đã trải qua.
Chiến tranh WW2 nổ ra, những người theo chủ nghĩa siêu thực châu Âu đã đến Hoa Kỳ, vừa là để trốn tránh Đức Quốc xã, vừa là tìm kiếm sự nghiệp cho bản thân. Vào thời điểm đó, các hoạ sĩ Trường New York đã định hình trường phái “Tranh hành động – Action painting”.
Năm 1950 Twombly chuyển từ Virginia đến New York để học hội hoạ. Tại đây ông gặp Rauschenberg, hai người cùng chung quan điểm nghệ thuật lịch sử lãng mạn. Rauschenberg khuyến khích Twombly theo học Đại học Black Moutain danh tiếng.
Twombly bắt đầu ảnh hưởng Franz Kline và Robert Motherwell, hai bậc thầy của chủ nghĩa trừu tượng. Những bức vẽ đầu tiên, Twombly thể hiện rất rõ bóng tối và ánh sáng qua hai màu đen trắng, sơn màu phủ dày, nét vẽ giống thư pháp, độ tương phản rõ ràng, đó là phong cách trừu tượng điển hình của Kline.
Trong tác phẩm Untitled cũng vậy, đặc biệt Cy phủ màu sơn rất dày, các lớp thấm vào nhau, thay vì phong cách vẽ màu chồng lên màu thông thường. Mặc dù Untitled là bức chân dung mang đầy đủ phong cách của Twombly, nhưng vẫn còn đó những hương vị của Kline và Motherwell.
Hoa Kỳ thập niên 1940-50, chủ nghĩa nhân văn được coi là giá trị của tự do, nó được các nghệ sĩ ca ngợi và theo đuổi. Nhưng các triết gia thời đó vẫn cho rằng, chủ nghĩa nhân văn phải được xây dựng bởi một hệ thống tư tưởng cụ thể trong lịch sử, nó không phải là thứ mà nghệ sĩ thoải mái sáng tạo muốn làm gì thì làm.
Đó là lí do để năm 1952, Twombly quyết định lên đường đi tìm chủ nghĩa nhân văn, xây dựng cho mình một nền tảng triết học về tự do trong sáng tạo. Twombly đi khắp thế giới, ông tìm đến nền văn minh phương Tây, nơi có những bí mật lịch sử bị chôn vùi bởi những triết gia cổ đại, khai quật nó lên để xây dựng cho mình một hệ thống tư tưởng cụ thể.
Cùng với Rauschenberg, Twombly thực hiện cuộc hành trình Địa Trung Hải, họ đến Bắc Phi, Tiểu Á, Afghanistan, Yemen, Hy Lạp, Ai Cập, Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha, Pháp, cùng nhiều quốc gia châu Âu khác. Trong hành trình đó, Twombly không chỉ hoàn thiện quan điểm triết học, mà ông còn gặt hái được vô số những câu chuyện tuyệt vời và những tác phẩm nghệ thuật kinh điển trong chủ nghĩa cổ điển và các kiệt tác nghệ thuật thời kì phục hưng.
Twombly dành tình yêu điên cuồng với chủ nghĩa nhân văn, với những lí tưởng của chủ nghĩa cổ điển tồn tại ở các quốc gia phương Tây. Nếu như New York tượng trưng cho một thế giới mới mẻ đầy sức sống, thì Rome là trung tâm của nghệ thuật cổ điển, là cái rốn của chủ nghĩa nhân văn. Ý là nơi Twombly tìm thấy ngôn ngữ nghệ thuật của mình trong một khung cảnh đầy rẫy những mảnh vỡ lịch sử và văn hoá.
Năm 1957, Twombly chính thức rời New York, ông chuyển đến Rome, lấy vợ, mua một căn biệt và một khu vườn rộng, thành lập xưởng vẽ, bắt đầu theo đuổi con đường nghệ thuật lãng mạn với thần thoại cổ điển châu Âu và nền tảng triết học là chủ nghĩa nhân văn của thế giới phương Tây.
Khác với đa số các hoạ sĩ chúng ta thường thấy, Cy hoàn toàn từ bỏ bất cứ hình ảnh quen thuộc nào mà người bình thường nhìn vào hiểu được ngay. Ông không chấp nhận sao chép cắt dán thế giới tự nhiên hay hình ảnh từ cuộc sống vào bức tranh của mình; nghệ thuật của Twombly giống như một khái niệm, một bài thơ trữ tình được viết bằng ngôn ngữ hư không, một bản nhạc được tích hợp trong màu sắc.
Ví dụ bức vẽ “Leda và thiên nga” dựa trên câu chuyện thần thoại Hy Lạp nổi tiếng. Trong tác phẩm của Twombly, chúng ta không hề thấy nàng Leda xinh đẹp, cũng chẳng thấy bóng dáng thiên nga trong bức tranh này. Với những đường nét lộn xộn và bố cục lan man đặc trưng của mình, Cy cuốn người xem vào một mớ hỗn độn của những bụi cây rối rắm và những chiếc lông vũ không giải thích được, đây là một trong số những bức vẽ thành công nhất. Cy vẽ tổng cộng 6 bức về Leda và thiên nga đều với giá trên 70 triệu đô la mỗi bức.
Trong bức tranh có tên “Leda và thiên nga ở Rome”, Cy không vẽ hình ảnh mĩ nữ xinh đẹp và dâm đãng quấn lấy thân thể thiên nga, thay vào đó, ông trộn các phương tiện hội hoạ khác nhau, tạo nên một loại hành vi hội hoạ bạo lực, thiên nga bị xé nát vụn thành từng đường nét, sau đó sử dụng một số màu sắc va chạm để hướng mắt chúng ta vào một vòng xoáy.
Các vết xước mạnh và các đường nét ngoằn ngoèo bay ra tứ phía, một bộ phận sinh dục mờ nhạt và một trái tim màu đỏ xuất hiện trong bức graffiti, nó tái hiện cảnh Zeus biến thành thiên nga hãm hiếp Leda, bức tranh đầy đam mê, hỗn loạn và bùng nổ.
Tranh của Twombly luôn có rất nhiều khoảng trống
Khác với Rothko hay các hoạ sĩ khác là màu được phủ kín, thì tranh của Twombly để trống rất nhiều, như bức vẽ Untitled ngoài những đường xoắn ốc sơn đỏ, thì phần nền trống quá nhiều, điều đó làm cho vết sơn có cảm giác như rất mỏng. Nếu chỉ nhìn Untitled trên màn hình điện thoại, ai cũng nghĩ đó là những nét nguệch ngoạc vụng về của con trẻ một hai tuôi.
Với những bức vẽ chì, cảm giác như dấu vế chì màu vụng dại để lại, những vết ấy lang thang một cách uể oải trên khung vẽ. Twombly cũng luôn viết chữ rất xấu trên tác phẩm.
Nhìn thoáng qua những nét vẽ hay chữ viết như thế, trên quan điểm hội hoạ và thư pháp, thực sự xấu hổ cho người hoạ sĩ. Nhưng tất cả đều có ý đồ và tính toán cẩn thận, nó liên kết với một câu chuyện thần thoại cổ điển, thể hiện những chi tiết rất tinh tế và tỉ mỉ.
Untitled còn được Cy mở ngoặc là Bacchus
Bacchus là thần rượu trong thần thoại Hy Lạp, trong số 12 vị thần trên đỉnh Olympia thì Bacchus là vị thần có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của người Hy Lạp cổ đại.
Những vết sơn xoắn ốc giống như những chùm dây nho, nó mang lại sức mạnh và niềm vui sảng khoái, nhưng cũng rất cuồng loạn giống như vòng lửa. Toàn bộ câu chuyện của thần Bacchus được kể lại thật hấp dẫn.
Hình dạng tròn trong tác phẩm này là một chủ đề mà Twombly đã nhiều lần khám phá trong nghệ thuật, chẳng hạn như các bức tranh "Bảng đen" chỉ duy nhất sáu dãy vòng tròn nhưu phấn vẽ trên nền bảng đen, nhưng lại khắc hoạ được toàn bộ thành phố New York của Hoa Kỳ.
Nếu nhìn thoáng qua, thì những vòng lửa xoắn dây nho giống như hoạ sĩ dùng ngón tay quết vào sơn đỏ để vẽ, những giọt đọng nhỏ trên khung tranh tựa giọt máu và giọt rượu ai cũng nghĩ đó là móng tay vạch lên. Nhưng tất cả đều là cọ. Quá khó để tạo được hình ảnh như vậy, bức tranh không thể sao chép lại, nó chỉ có duy nhất, điều đó càng tăng thêm giá trị.
Roland Bach khi xem Untitled đã phải thốt lên rằng: “Twombly đang vẽ trên vải bằng ngón tay và móng tay nhúng trực tiếp vào sơn. Và những gì hoạ sĩ lưu lại trên vải, cũng được hoạ sĩ lựa chọn cẩn thận, như thể anh đang tạo ra một cảm giác run rẩy, rắc những hạt mưa từ đêm qua, những con ong say rượu rơi trúng trái tim hoa mẫu đơn”.
Đúng vậy: tranh của Cy ẩn chứa những câu thơ
Nhiều nhà phê bình nghệ thuật đã giải mã tính chất thơ trong tác phẩm của Twombly, có thể nói, tất cả bức vẽ, thơ đã tuôn trào không ngừng nghỉ. Twombly chịu ảnh hưởng sâu sắc những vần thơ của Olsen, ảnh hưởng đến mức ám ảnh, nó thể hiện rất rõ trong ngôn ngữ hội hoạ.
Twombly là hoạ sĩ vẽ nguệch ngoạc
Cy nói: “Mỗi nét vẽ đều chứa đựng câu chuyện lịch sử riêng mà tôi không cần phải giải thích”. Đúng vậy, người nghệ sĩ được biết đến với những bức vẽ graffiti khổng lồ, ông gầy như im lặng về công việc của mình suốt một thế kỉ, tranh của ông thì quá “ồn ào” nhưng ông lại ẩn sau nó như một ẩn sĩ.
Dù nét vẽ ngây ngô, nguệch ngoạc, lộn xộn, nhưng tranh của Twombly bất cứ nét nào cũng được vẽ rất cẩn thận, khả năng kể chuyện tuyệt vời đầy chất thơ nhạc, tất cả những điều đó mang lại sự sang trọng cho tác phẩm.
“Phong cách nguệch ngoạc” của Twombly, có nguyên do từ ông có thời gian làm sĩ quan giải mã trong quân đội, một công việc đòi hỏi phải tốc kí rất nhanh các bức điện tín, nên trong tác phẩm của ông đều hiện rõ những kĩ thuật giải mã bậc thầy.
Bằng tố chất của chuyên gia mật mã, Twombly xuyên qua thời gian, xuyên qua không gian, xuyên qua kí ức, đồng thời đưa con mắt khám phá kể lại câu chuyển của những tác phẩm văn học cổ điển; đó là lí do để Twombly trở thành hoạ sĩ uyên bác nhất.