Nghề vất vả nhưng thu nhập thấp
8 hộ dân với hơn 20 nhân khẩu, họ là những người quê ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, vì không có đất làm ruộng nên đã dắt díu nhau lên thành phố với mong ước đổi đời. Không được học hành đến nơi đến chốn, vì thế họ buộc phải làm bất cứ công việc nào mà họ được thuê để kiếm sống qua ngày. Đàn ông, trai trẻ thì phụ hồ, khuân vác, còn phụ nữ, người già, trẻ em thì ở nhà nhặt rau muống thuê. Những tưởng công việc nhặt rau muống đơn giản và nhẹ nhàng, thế nhưng có làm mới biết vất vả đến nhường nào.
3 giờ sáng, một chiếc xe máy chở 50 chục kí rau muống được tập kết tại xóm nghèo, và đó cũng là thời gian bắt đầu làm việc của những người phụ nữ nơi đây. Công việc của họ là nhặt bỏ những phần lá và giữ lại phần thân của rau, mỗi kí rau muống đã bỏ lá sẽ có giá 1000 đồng. Trung bình mỗi ngày mỗi người phụ nữ nơi đây nhặt được khoảng 60 - 100 kí, tương đương với thu nhập từ 60 - 100 ngàn đồng. Phải làm việc liên tục từ lúc 3 giờ sáng cho tới tối mịt và thường xuyên tiếp xúc với nước bẩn, mủ rau khiến đôi bàn tay họ bị nhuộm đen và phồng rộp.
Chị Lý Thị Sà Quếch (dân tộc Khmer - Sóc Trăng) có thâm niên hơn 10 năm trong nghề cho biết: “Chồng mất sớm, phải một mình nuôi con ăn học và lại đau ốm thường xuyên nên tôi mới chọn nghề này. Nhiều người cứ nghĩ chỉ ngồi một chỗ thì không vất vả gì, nhưng chú nhìn đôi bàn tay tôi đấy, phồng rộp, sưng tấy hết cả lên”, vừa nói chị vừa đưa đôi bàn tay chai sạn, nứt nẻ của mình cho tôi xem.
Chị tiếp lời: “Thời gian đầu khi mới bắt đầu làm, tay tôi nổi nhiều bọng nước nhỏ, đầu ngón cái tóe máu thường xuyên. Thế rồi không thuốc thang gì để mãi cũng hết, tay nhìn chai sần thế này nhưng da dầy hơn nên cũng không lo bị ăn mòn nữa”, nghe chị nói một cách vô tư thế mới thấy thương xót thay cho sự lao động cực nhọc của nghề nhặt rau thuê.
Bà Vũ Thị Linh (quê ở Trà Vinh), dù đã ở tuổi 80 nhưng mỗi ngày bà vẫn làm công việc này vì không muốn trở thành gánh nặng cho con cái. “Mỗi ngày tôi nhặt được 50 chục kí, cũng đủ tiền sinh hoạt và có thêm đồng ra đồng vào. Tuy chỉ ngồi một chỗ thế này nhưng đêm về thì cả người nhức mỏi, nhất là hai cánh tay, đó là còn chưa kể việc da tay bị ăn mòn nữa đấy”.
Thương con
Chị Thìn (35 tuổi, quê ở Sóc Trăng) cho biết hai vợ chồng chị đưa nhau lên thành phố làm lụng vất vả, chắt bóp mỗi tháng cũng chỉ đủ tiền gửi về cho ông bà nội nuôi hai đứa con ở quê. “Vợ chồng tôi vì không được học hành nhiều nên đành chịu kiếp đói nghèo, làm thuê làm mướn, nhưng khó nhọc mấy chúng tôi cũng cố gắng cho con đi học để chúng thoát khỏi kiếp nghèo”, vừa nói với tôi chị vừa lau những giọt mồ hôi thấm đẫm trên trán mình.
Không may mắn như gia đình chị Thìn, chị Hương (28 tuổi) cho biết vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không đủ tiền cho con đi học, đứa con trai lớn của chị lên 7 tuổi phải đi bán vé số, còn một đứa lên ba thì còi cọc suốt ngày quấy khóc. “Nhiều khi nghĩ mà thấy thương con, con người ta thì được đi học, con mình thì phải bươn chải kiếm tiền, khổ tâm lắm chú”, chị Hương tâm sự.
Sài Gòn dù có hoa lệ, sặc sỡ đến nhường nào thì ẩn sâu trong đó vẫn là những kiếp người lầm than, bôn ba vất vả. Bên cạnh những dãy nhà cao tầng mọc lên san sát là những khu ổ chuột xập xệ của những người dân lao động nghèo. Nghĩ về những người phụ nữ nhặt rau muống thuê với đôi bàn tay phồng rộp, những đứa trẻ đen nhẻm vì gió bụi mà không một lần được cắp sách đến trường, khiến tôi không khỏi xót xa.