Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Màu cuộc sống

Chàng trai Sài Gòn hơn 10 năm cưu mang bệnh nhân nhiễm HIV: 'Nhiều lúc không còn tiền, tôi đành vay bạn bè để cứu người'

Không nhận được sự đồng cảm như những căn bệnh khác, rất nhiều bệnh nhân có H phải chịu sự ghẻ lạnh, kỳ thị của cộng đồng và thậm chí là ruồng bỏ từ chính gia đình. Thấu hiểu được nỗi khắc khổ này, hơn 10 năm nay, anh Phong vẫn miệt mài tâm huyết giúp đỡ hàng ngàn bệnh nhân như họ.

Sống trong hoàn cảnh gia đình không mấy trọn vẹn, anh Nguyễn Anh Phong (sinh năm 1979) hiểu cuộc sống con người nếu thiếu tình thương sẽ như thế nào. Chính vì lẽ đó, ngay từ thời còn là sinh viên, anh Phong đã thường xuyên tham gia vào các hoạt động thiện nguyện với mong muốn lan tỏa tình yêu thương đến nhiều người.

Qua những lần nấu ăn, phát cơm miễn phí tại bệnh viện, anh Phong nhận thấy có một nhóm bệnh nhân rất cần được cảm thông, hỗ trợ nhưng họ phải chịu sự dè bỉu từ cộng đồng, bị bỏ rơi từ chính gia đình. Điều này khiến anh nung nấu khao khát phải làm gì đó để giúp đỡ những bệnh nhân có HIV.

Anh Nguyễn Anh Phong (sinh năm 1979), người đã dành hơn 10 năm giúp đỡ các bệnh nhân HIV vô điều kiện.

“Trước khi nhắm mắt, bạn anh nắm tay anh và nói: Cố gắng giúp đỡ những người nhiễm HIV, và thế là anh làm!”

Nỗi khát khao thôi thúc anh Phong phải làm gì đó để giúp đỡ những bệnh nhân “H” xuất phát từ sự ra đi của một người bạn. Sau khi phát hiện bị nhiễm HIV bị xã hội kỳ thị, gia đình đuổi ra khỏi nhà khiến tinh thần và sức khỏe ngày càng kiệt quệ, bạn anh mất không lâu sau đó. Anh Phong chia sẻ: “Bạn anh dùng quyền từ chối điều trị giai đoạn cuối để nhường cơ hội cho những người khác và muốn mất ở “nhà” mình, thiệt ra là một góc của gầm cầu. Điều khiến anh đau lòng nhất là ngay cả khi báo cho gia đình bạn đó đã mất cũng chẳng ai mảy may quan tâm, không một ai đến dự tang lễ.

Mọi thủ tục về phía chính quyền đến việc đơn giản nhất là xin đồ khâm liệm cũng chưa bao giờ khó khăn đến thế vì định kiến “HIV là u nhọt của xã hội”, tất cả một mình anh Phong chạy đôn chạy đáo lo liệu. “Trước khi nhắm mắt, bạn anh có nắm tay anh và nói hãy cố gắng giúp đỡ những người nhiễm HIV như đã giúp bạn ấy. Anh coi lời nhắn nhủ ấy như một lời căn dặn và thật sự khát khao được gắn bó với công việc này“, anh Phong tâm sự.

Anh Phong thường xuyên hỗ trợ tư vấn tâm lý cho những bệnh nhân HIV

Bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết, từ nỗi sợ quá lớn và luôn muốn né tránh khi nhắc đến HIV đã tạo nên một sự kỳ thị không hề nhỏ trong xã hội. Vẫn rất nhiều định kiến cho rằng những người có “H” là chơi bời trác táng, hư hỏng, tự làm thì tự chịu. Cùng với đó là nỗi sợ bị lây nhiễm khiến họ luôn muốn xa lánh, họ đâu kịp nghĩ đến những thân phận không may mắc phải đáng thương và cần được đồng cảm đến nhường nào.

Hơn ai hết, bệnh nhân nhiễm H sống nhờ vào tinh thần, được chăm sóc, yêu thương và điều trị ARV kịp thời, sức khỏe của họ sẽ ổn định đáng kể, biết đâu sẽ có cơ hội khác. Anh không dám chắc bạn anh sẽ sống được khi được gia đình đồng cảm, nhưng chắc chắn sẽ không phải trong cô độc mà ra đi sớm đến vậy“, anh Phong trăn trở.

Mới đây, anh Phong đã mở ra một đường dây nóng để hỗ trợ kịp thời nhất những tình huống cấp bách.

Cứ thế, hơn 10 năm qua, ngoài thời gian làm việc, anh Phong dành tất cả tâm huyết miệt mài giúp đỡ, hỗ trợ những bệnh nhân “H”. Tìm kiếm, kêu gọi quỹ từ các nơi, làm công tác tư vấn tình thần cho những người đang suy sụp. Từ đầu năm 2018 các tổ chức quốc tế bắt đầu cắt giảm tài trợ, người bị phơi nhiễm HIV/AIDS phải tự chi trả cho quá trình điều trị thông qua bảo hiểm y tế, anh Phong luôn trăn trở phải hỗ trợ được thẻ BHYT để bệnh nhân được điều trị ARV xuyên suốt cũng như đứng ra giúp làm giấy tờ pháp lý để đủ điều kiện.

Đồng thời, anh Phong thường xuyên nhận lời nói chuyện, tư vấn ở các trường đại học, các tổ chức, công ty với mong muốn giúp xã hội hiểu rõ về HIV, từ đó biết cách phòng tránh và có cái nhìn đồng cảm hơn với cộng đồng có “H”.

“Nhiều lúc anh không còn đủ tiền, đành phải vay mượn bạn bè để cứu người nhiễm H trước đã”

Phòng khám Nhà Mình là nơi chất chứa tình yêu thương, sự cảm thông, đồng hành cũng bệnh nhân HIV.

Nhận thấy bệnh nhân HIV cần nhiều hơn những gì mình đang làm, hơn 1 năm trở lại đây, anh Phong quyết định nghỉ việc để tập trung toàn tâm toàn lực giúp đỡ cộng đồng có “H”. Tháng 6/2017, Nhà Mình - phòng khám hỗ trợ điều trị và tư vấn cho bệnh nhân nhiễm và phơi nhiễm HIV ra đời. Nhà Mình là tâm huyết bấy lâu của anh Phong nhằm giúp những người không có khả năng chi trả kinh phí điều trị và những người cần được chia sẻ, đồng cảm.

Căn nhà nhỏ nằm ở đường Ba Đình (phường 10, Q.8) được anh tận dụng làm phòng khám, đồng hành cùng anh là các bác sĩ đã về hưu nguyện góp một phần công sức để giúp đỡ cộng đồng HIV. Nguồn lực để duy trì và phát triển phòng khám được trích từ doanh thu công ty nhỏ của anh và quỹ được anh kêu gọi từ khắp nơi.

Một góc phòng điều trị, khám bệnh của phòng khám Nhà Mình

10 năm đồng hành, chứng kiến biết bao số phận khắc khổ, anh Phong vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc và yêu đời, niềm yêu đời được lan tỏa ngay từ trong chính những câu chuyện, những mảnh đời đầy bất hạnh mà anh gặp hàng ngày.

10 rưỡi đêm, nghe tiếng gõ cửa, anh chạy ra thì thấy 2 bạn nam quần áo lấm lem, mắt đỏ hoe bên cạnh là một chiếc xe máy. Hai bạn từ Gia Lai đi xe máy hơn 600 cây số để tìm gặp anh. Anh hỏi sao hai em không đi xe khách mà đi xe máy đường xa cực quá vậy?

- Bạn em bị say xe khách dữ lắm anh ơi, em thà chịu cực tí chạy xe máy mà bạn em đỡ mệt còn hơn nằm trên giường xe khách chạy em xót lắm.

Cả hai bạn đều nhiễm “H”, cả hai cùng điều trị, cùng vượt qua số phận. Và dù tình trạng đã khá nặng khi bệnh đã bắt đầu xuất hiện khá nhiều, nhưng trong ánh mắt ấy, anh thấy chất chứa niềm hạnh phúc và tình yêu thương vô bờ bến. Anh thấy họ vẫn yêu nhau lắm đấy chứ“.

Anh Phong luôn tìm thấy niềm vui từ chính công việc tưởng chừng sẽ đem đến nhiều năng lượng tiêu cực này.

Nghe đến những câu chuyện như thế, mọi người thường nghĩ ngay “tại tụi nó cùng bị cả rồi nên mới vậy“, nhưng 10 năm tiếp xúc với hàng ngàn cặp đôi trái dấu, anh khẳng định khi người ta yêu nhau chân thành, họ sẽ không bỏ rơi đối phương.

Hầu hết trường hợp khi biết mình dương tính với HIV sẽ đưa người yêu đến xét nghiệm. Và anh thấy, hơn cả, những bạn có kết quả âm tính luôn là người lo sợ người yêu mình sẽ mất. Ngược lại với việc bỏ rơi, họ tìm đến anh và cuống quýt hỏi cách để người yêu mình có thể sống lâu nhất, điều trị ra sao?… Rõ ràng, tình yêu đích thực họ sẽ cùng nắm tay nhau vượt qua tất cả“, anh Phong tâm sự.

Một công tác viên trẻ ngưỡng mộ việc làm vì cộng đồng của anh Phong nên đã đăng ký hỗ trợ ở phòng khám.

Nỗ lực gây quỹ, tìm kiếm nguồn hỗ trợ dù gặp nhiều khó khăn, anh Phong vẫn âm thầm cứu biết bao số phận. Rất nhiều ca sơ ý dẫm phải kim tiêm, không may tiếp xúc với dịch bệnh nhưng ngay lúc đó không đủ tiền để tiêm thuốc phơi nhiễm hay những ca cần cấp cứu gấp nhưng không đủ tiền nhập viện đã được anh Phong kịp thời cứu giúp.

Anh chia sẻ: “Có khi nửa đêm nghe có ca cấp cứu cần hỗ trợ, lúc đó anh cũng không đủ tiền đành phải chạy vạy mượn bạn bè, cứu người trước đã. Chủ trương của anh là 'lấy giàu hỗ trợ nghèo', cứu người ta trước, nào họ khỏe lại làm được tiền sẽ đến trả góp dần để duy trì quỹ cho những người sau”. Cứ thế, người có “H” được anh phong giúp đỡ quay trở lại cùng anh giúp đỡ cộng đồng ngày một nhiều, tình yêu thương lan tỏa ngày một rộng hơn.

Một trong những chương trình anh Phong đang thực hiện nhằm mang lại niềm vui tinh thần cho các trẻ em nhiễm “H”.

“Giải băng đỏ”, “Góp một bàn tay”, “Hạt gạo chia đôi”,… là những chương trình anh Phong tổ chức được diễn ra định kỳ hằng năm nhằm một phần giúp bệnh nhân HIV có điều kiện điều trị và tinh thần lạc quan nhất để chống chọi và chiến đấu với “căn bệnh thế kỷ HIV”.

10 năm đồng hành cùng bệnh nhân “H”, anh Phong chẳng mảy may quan tâm đến cuộc sống của bản thân. Điều anh vẫn luôn đau đáu chính là tìm cách để cộng đồng có cái nhìn đồng cảm hơn đối với cộng đồng có “H”, để mong một cuộc sống tốt đẹp nhất đến với họ.

Vì, trong đời, ai cũng có quyền được sống!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Phạm

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hit maker tết gọi tên 'Bùi Công Nam'
Giá vàng hôm nay (6/1): Gây bất ngờ