Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Cận cảnh phế phẩm 'cà phê pin con Ó' được trộn vào hạt tiêu

An Nhiên (Tổng Hợp) Theo dõi Saostar trên google news

Bà Loan thừa nhận sử dụng vỏ cà phê, sỏi đá 2-3 mm và than pin trộn lại với nhau để tạo ra "sản phẩm hỗn hợp" bán kiếm lời. Toàn bộ sản phẩm trên đã được lực lượng chức năng thu giữ.

Chiều 26/4 vừa qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức họp báo chính thức thông báo kết quả điều tra vụ việc “cà phê pin con Ó” gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Các mẫu vật được đưa đến buổi họp báo. Ảnh: Trùng Dương.

Báo Vietnamnet dẫn lời của Thượng tá Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng tham mưu, người phát ngôn Công an tỉnh thông tin về vụ việc: Ngày 15/4, Công an tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT kiểm tra hành chính và phát hiện tại cơ sở thu mua nông sản do bà Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975, chủ cơ sở, ở thôn 3, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) đang có hành vi pha trộn hỗn hợp gồm vỏ cà phê, sỏi, đá nhỏ kích thước từ 0,5-3mm, bột pin và nước (gọi tắt là hỗn hợp), sau đó sấy khô và đóng bao.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ được 21,265 tấn hỗn hợp đã sấy khô, đóng bao. Ngoài ra còn phát hiện và thu giữ 3,998 tấn đá sỏi kích thước từ 0,5-3mm, 300kg vỏ cà phê, 40 lít dung dịch màu đen, 1 cối trộn bê tông, 192 kg lõi pin, 35kg vỏ pin được đập dập.

Vỏ cà phê thu giữ tại cơ sở bà Loan. Ảnh Trùng Dương.

Mẫu đá sỏi bị thu giữ. Ảnh: Trùng Dương.

Mẫu bột pin. Ảnh: Trùng Dương.

Ngay sau đó, Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và Công an tỉnh Bình Phước đã vào cuộc điều tra, xác minh.

Đến ngày 23/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, giữ người trong trường hợp khẩn cấp 5 đối tượng: Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975), Nguyễn Xuân Bảo (SN 1985), Phan Thị Dung (SN 1962), Lê Thị Hồng Thơ (SN 1979) và Trần Ngưỡng (SN 1976).

Hỗn hợp sau khi ngâm pin tại cơ sở bà Loan. Ảnh: Trùng Dương.

VnExpress đưa tin, bà Loan khai sử dụng vỏ cà phê, sỏi đá 2-3 mm và than pin trộn lại tạo ra hỗn hợp để kiếm lời. Loan và Bảo bán 3 tấn hỗn hợp cho Thơ và Ngưỡng với giá 9.000 VNĐ/kg; Thơ và Tuấn bán lại cho Dung (giám đốc công ty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung, ở ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, Bình Phước) với giá 12.000 VNĐ/kg.

Sau đó, Dung đã cho sử dụng một phần trộn vào hồ tiêu, đóng vào 360 bao để vào kho (tổng khối lượng là 9 tấn). Dung khai nhận là để làm tăng trọng lượng hồ tiêu. Phần hỗn hợp còn lại, nghe tin bị phát hiện nên Dung đã cho pha trộn với vôi, phân lân và phân heo, rồi mang ra giấu ở vườn cao su để tiêu hủy nguồn chứng cứ.

Mẫu hồ tiêu được đấu trộn hỗn hợp mua của cơ sở bà Loan. Ảnh: Trùng Dương.

Theo Thượng tá Phạm Thanh Bình 3 tấn hỗn hợp đã mua, bà Dung chưa chế biến ra bất cứ sản phẩm hồ tiêu nào bán ra thị trường. CQĐT sẽ sớm khởi tố 5 bị can tội Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước đó, lực lượng chức năng kiểm tra xưởng nông sản của bà Loan tại thôn 3, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp và bắt quả tang nơi đây đang pha trộn bột lõi pin vào cà phê phế thải. Ngành chức năng thu giữ tại cơ sở này hơn 21 tấn phế phẩm cà phê đã nhuộm đen, đóng trong bao bì, 35 kg pin bị đập dẹp, 192 kg lõi, nắp, vỏ pin, 40 lít dung dịch.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết An Nhiên (Tổng Hợp)

Được quan tâm

Tin mới nhất
iPhone 18 có thể sử dụng chip A20 do Intel sản xuất
Di Động Việt: Hình thức mua hàng trả chậm không mới