Tuổi thơ bị chế giễu vì không giống những cậu con trai khác
“Khi đứng trước gương, tôi luôn khao khát giá như tôi có được phép màu biến cơ thể này thành một cơ thể khác như mong ước, có được vòng một đẹp như những cô gái ngoài kia… Tôi đã cố gắng lao vào học tập, làm việc để kiếm đủ số tiền thực hiện ca phẫu thuật chuyển giới đó. Dù có thể mất tới 10 năm, 20 năm hay 60 năm đi chăng nữa, tôi vẫn sẽ làm mọi cách để thực hiện ước mơ của mình. Được sống một ngày làm con gái, dù có phải chết trên bàn mổ tôi vẫn quyết định thực hiện ca phẫu thuật, bởi khao khát được sống đúng với con người thật của mình còn to lớn hơn cả nỗi sợ chết”.
Đó là lời chia sẻ hết sức chân thành của La Lam, nữ sinh viên 22 tuổi vừa tốt nghiệp Đại học Sân khấu điện ảnh khi bắt đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi về cuộc đời của một người chuyển giới nữ.
Cái tên La Lam vốn không phải là tên cha sinh mẹ đẻ dành cho cô, mà Lò Đức Thọ mới là thân phận đầu tiên của người con gái ấy. Thẳng thắn thừa nhận mình không hề thích cái tên nam tính kia một chút nào, nhưng khi nhắc đến tuổi thơ gắn liền với Lò Đức Thọ, La Lam vẫn rất vui vẻ, tự hào.
“Hồi tôi 5 hay 6 tuổi, nhà tôi rất nghèo, quần áo không có mà mặc. Rồi bố tôi đi làm thuê, được người ta cho những bộ đồ cũ, bố mang về cho chúng tôi dùng. Dở khóc dở cười ở chỗ, những bộ quần áo bố đem về toàn là quần áo của con gái. Đấy là lần đầu tiên tôi được mặc váy và cũng là lần đầu tiên tôi biết mình vui như thế nào khi được khoác lên người những thứ nữ tính như vậy”.
Đến khi đi học, Lò Đức Thọ không còn được mặc váy nữa, nhưng thay vào đó, cậu bé lại rất giỏi những trò mà các bạn nữ thích như chơi nhảy dây, chơi đồ hàng. Lúc đó, Thọ lờ mờ nhận biết những nét nữ tính tiềm ẩn trong con người mình nhưng cậu cũng chẳng quan tâm, miễn là Thọ vẫn được làm những thứ mình thích là được.
Thế nhưng, đến khi bước vào cấp 2, sự phân biệt đối xử theo giới tính ngày càng rõ rệt hơn. Các bạn học thấy được sự khác biệt giữa cậu bé Lò Đức Thọ với những bạn nam khác trong trường nên đã trêu chọc, chế giễu Thọ là “bê đê.” Những tiếng cười chế nhạo ấy đeo bám Lò Đức Thọ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác cho đến tận khi cậu lên cấp 3.
Nếu như ở cấp 2, Thọ chỉ phải nghe mọi người bàn tán và chế ngạo mình, thì ở cấp 3, sự kỳ thị mà bạn học dành cho Lò Đức Thọ ngày một tăng lên. “Tôi bị tháo hơi xe đạp, bị ném sỏi vào người, bị bóng đập vào đầu khi học thể dục… Tôi có khóc chứ, tôi chỉ là một đứa trẻ mười mấy tuổi đầu thôi mà, nhưng tôi luôn cố gắng không khóc trước mặt các bạn. Tôi không muốn họ nhìn thấy phần yếu đuối của mình.”
Hành trình tìm kiếm và khẳng định bản thân
La Lam nói rằng khi học cấp 3, cô chỉ thấy tương lai mù mịt phía trước. “Tôi nghĩ nhiều về giới tính của mình, nhưng càng nghĩ tôi càng không thấy lối thoát ở đâu. Mỗi đêm khi học bài xong, tôi đều trèo lên mái nhà và ngồi khóc một mình”.
Rồi có một lần tuyệt vọng đến mức cô gái trẻ còn tìm đến cái chết bằng thuốc trừ sâu nhưng may mắn là người nhà đã kịp thời phát hiện. Cứ thế La Lam sống dằn vặt, tự ti trong hình hài của một người con trai, nhưng lại mang tâm tư của một người con gái suốt 20 năm trời.
Thế nhưng, cũng trong chính những tháng ngày bế tắc ấy đã giúp La Lam tìm thấy được sở thích, đam mê của mình. La Lam rất thích viết, đặc biệt là kịch bản nên cô gái đã mạnh dạn thi vào chuyên ngành biên kịch điện ảnh của ĐH Sân khấu điện ảnh và trúng tuyển. Ngày La Lam nhập học, cô tự nhủ mình sẽ bù đắp lại tất cả những nỗi vất vả, âu lo của bố mẹ để có tiền cho La Lam đi học.
“Nhà tôi nghèo mà, anh chị tôi cũng chỉ học hết cấp 3 là dừng. Ngày tôi xuống Hà Nội thi đại học, bố mẹ còn chẳng thể xoay nổi mấy triệu cho tôi cầm đi. Nhưng tôi quyết tâm phải đi học bằng được. Quê tôi là một vùng thung lũng, vây xung quanh là những ngọn núi cao. Tôi thấy mình như con chim bị nhốt trong lồng, tôi khao khát được sải cánh bay ra khỏi miền đất này. Chỉ có học đại học mới giúp tôi thực hiện ước mơ đó”.
Rồi La Lam cũng bắt đầu một cuộc sống mới nơi phố thị phồn hoa. Cô gái được tự do sống với giới tính thật của mình, cũng trải qua những mối tình thời sinh viên nhưng rồi tất cả đều đứt quãng không có chút tương lai nào. Những vết thương từ chuyện tình cảm cứ xếp chồng lên nhau nhưng La Lam chưa bao giờ muốn bỏ cuộc.
Cô gái bắt đầu nuôi tóc dài, mặc quần áo con gái và được nhiều người ủng hộ hơn. Cái tên La Lam cũng là do cô tự đặt trong thời gian này. Ý nghĩ muốn chuyển giới xuất hiện lần đầu tiên khi La Lam mặc lên người bộ váy cưới lộng lẫy tham gia một chương trình biểu diễn thời trang. “Tôi khát khao được nằm lên bàn phẫu thuật chuyển giới, tôi muốn được là chính mình”, La Lam chia sẻ.
“Tôi có lo lắng chứ. Bố mẹ có đồng ý không, tiền đâu mà thực hiện phẫu thuật, đi xin việc thì người ta có chấp nhận một người chuyển giới như tôi không? Nhiều lắm những câu hỏi mà tôi không tìm được câu trả lời.” La Lam cũng chia sẻ, đã có quãng thời gian cô rất căm ghét cơ thể đàn ông của mình. “Mỗi lần nhìn vào gương là tôi lại thấy ghét chính mình, đó không phải là hình hài của tôi, tôi cần phải thay đổi nó.” Thế là La Lam lao vào kiếm tiền sau mỗi giờ học trên lớp. Nhưng ông trời chẳng cho ai đạt được mục đích của mình một cách dễ dàng cả. Một người đàn ông không ra đàn ông, đàn bà không ra đàn bà như La Lam chẳng được nơi nào chấp nhận, họ hoặc là im lặng không quan tâm hoặc là chê cười, chế giễu.
Cũng có vài người bảo La Lam làm những công việc không sạch sẽ để dễ kiếm tiền hơn nhưng La Lam luôn từ chối vì cô không muốn phụ lòng bố mẹ đã cố gắng cho cô được ăn học đàng hoàng, và cũng chính lương tâm La Lam không cho phép cô tự làm vẩn đục chính mình. “Tôi biết nhiều bạn chuyển giới không học hành đến nơi đến chốn nên phải làm những công việc ít được tôn trọng trong xã hội, vì vậy tôi không muốn mình đi vào vết xe đổ đó”.
Cuối cùng số phận cũng phải mỉm cười với bông hoa Thái
Trong một lần tham gia vào group dành cho những người có nhu cầu phẫu thuật chuyển giới, La Lam đã đăng bức ảnh có phần nhạy cảm của mình: một cô gái tóc dài, da trắng rất xinh xắn nhưng đặc điểm nữ tính nhất, thể hiện rằng “tôi là một phụ nữ” lại không xuất hiện trên cơ thể La Lam. Bộ ngực phẳng lỳ của La Lam đã trở thành chủ đề bàn tán của rất nhiều người trong suốt thời gian dài sau đó. Nhiều người gọi đó là bức ảnh “cô gái 2 lưng”.
“Tôi đăng bức ảnh ấy không phải vì muốn câu like hay tìm kiếm sự nổi tiếng, tôi chỉ muốn mọi người thấu hiểu và đồng cảm với thiếu sót trên cơ thể tôi. Những ngày 20/10, 8/3 tôi chẳng nhận được lời chúc nào vì người ta nói tôi có gì của phụ nữ đâu mà đòi được chúc”.
Hình ảnh của La Lam bị lan truyền ra rất nhiều các fanpage và group lớn nhỏ. Hàng nghìn bình luận chế giễu, nhạo báng cơ thể chưa hoàn chỉnh của La Lam. Cư dân mạng dùng những từ ngữ kém văn minh nhất để nói về cô. Ở giữa tâm bão, nhưng La Lam vẫn lạc quan nói rằng mình thật may mắn vì bên cạnh cô vẫn có những người bạn thấu hiểu, đồng cảm với những gì La Lam đã và đang trải qua.
Cuối cùng, số phận cũng chịu mỉm cười với La Lam khi một thẩm mỹ viện có tiếng đã tài trợ toàn bộ chi phí phẫu thuật nâng cấp ngực cho cô, biến ước mơ được thức dậy trong hình hài một người con gái của La Lam thành sự thật.
“Sau khi hết thuốc mê, tôi tỉnh dậy thấy mẹ đang ngồi bên cạnh. Tôi hỏi mẹ “Con phẫu thuật xong rồi hả mẹ?” Thế rồi tôi đưa tay sờ lên bộ ngực mới của mình, nó đã thay đổi! Chưa bao giờ tôi thấy hạnh phúc như thế, đó là cảm giác mà tôi đã mong chờ từ lâu lắm rồi”.
Được biết, trước khi phẫu thuật, La Lam không có bất kỳ sự can thiệp y tế nào như sử dụng hormone nên quá trình làm ngực của cô khó khăn cũng như đau đớn hơn người khác rất nhiều, nhưng cũng chính vì thế mà La Lam càng trân trọng và biết ơn những gì mình đang có hơn.
Vậy là sau những đêm dài triền miên mất ngủ vì lo lắng rồi cuộc đời mình sẽ đi đâu về đâu và những nỗ lực gấp 5 gấp 10 người khác để có thể tìm kiếm được một công việc nuôi sống bản thân, cuối cùng La Lam cũng đủ khả năng để biến ước mơ thầm kín bấy lâu trở thành sự thật.
Hiện tại công việc chính của cô là tổ chức sự kiện và làm MC cho một chương trình về LGBT. Năm 2016, La Lam đã đạt giải Hoa khôi chuyển giới Việt Nam, giải Ngôi sao Tài năng trong cuộc thi Ngôi sao Chuyển giới 2016 và giải Người đẹp Thân thiện trong cuộc thi Hoa khôi Thanh lịch Việt Nam 2016.
“Tôi thấy tự tin hơn rất nhiều với diện mạo mới của mình. Nếu nói rằng tôi có hối hận về quyết định này không thì câu trả lời sẽ không. Tôi chỉ hối hận vì mình dám sống đúng với con người thật của mình muộn quá, tôi đã bỏ lỡ nhiều điều tốt đẹp vì cứ chần chừ không đủ quyết tâm. Qua câu chuyện của mình, tôi muốn nhắn gửi đến tất cả các bạn trẻ, dị tính, song tính, đồng tính hay chuyển giới như tôi, hãy mạnh mẽ lên.
Ai cũng có nỗi sợ, nhưng chỉ cần bạn đủ dũng cảm vượt qua được nó thì bạn mới có thể bỏ qua những rào cản từ mọi người xung quanh. Chẳng ai biết được ngày mai sẽ ra sao nên cứ sống hết mình cho hôm nay bạn nhé”.