Sự nguy hiểm của Linh miêu
Là người đang trực tiếp nuôi dưỡng 3 linh miêu hoang dã “có một không hai” ở Việt Nam, Kim Vỹ (26 tuổi), chủ một chuỗi cửa hàng chăm sóc thú cưng ở Biên Hòa cho biết quá trình thuần hóa linh miêu không hề dễ dàng.
Theo Kim Vỹ, linh miêu vốn là loài thú hoang dã bí ẩn, sống khép kín và quyến rũ. Đây là một trong những động vật ăn thịt, đặc biệt rất khó tìm được một chú linh miêu vào ban ngày, vì linh miêu vốn là loài hoạt động săn mồi vào ban đêm.
Linh miêu vốn là loài thú mạnh mẽ, với đôi chân dài và khỏe, bàn chân có móng vuốt thu vào được. Nhờ có bốn chân dài, linh miêu có thể nhảy rất xa và leo núi giỏi. Tuy nhiên chúng không thể chạy trong thời gian dài và mất sức nhanh.
Thực tế, linh miêu có thể chạy với vận tốc 80km/h và hạ gục một người trưởng thành trong chớp mắt. Ngoài khả năng chạy và nhảy cao siêu hạng, loài mèo này còn có thể bơi dưới nước để bắt cá và trèo lên cây để bắt chim.
Nhưng rất ít con người từng bị linh miêu tấn công vì loài vật này né tránh con người chứ không tấn công. Tuy nhiên, nếu có người cố gắng tiếp cận, nó sẽ phản kháng bằng cách tấn công.
“Nếu nói về mức độ nguy hiểm, trong họ nhà mèo thì không đến nỗi. Tuy nhiên, lực tấn công của nó khá nguy hiểm bởi Linh miêu chọn cách né tránh con người. Nêis bạn xâm phạm vào lãnh thổ của nó, nó buộc phải tấn công lại”, Kim Vỹ cho biết.
Thời gian thuần phục kéo dài
Để thuần phục một con linh miêu không phải là vấn đề đơn giản.
“Đối với những con linh miêu dưới 3 - 4 tháng tuổi chỉ cần chưa đến 1 tuần, thậm chí có nhiều bé chỉ cần khoảng 24 - 48 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, với những linh miêu có tuổi trên 6 tháng, việc thuần phục được hay không phụ thuộc vào thời gian và sự kiên nhẫn”, Vỹ chia sẻ
Với kinh nghiệm của mình, Vỹ cho biết có 4 dòng linh miêu nguy hiểm nhất cho con người, gồm Lynx canadensis (linh miêu Canada), Lynx lynx (linh miêu Á-Âu), Lynx pardinus (linh miêu Iberia) và Lynx rufus (linh miêu đuôi cộc).
Theo Vỹ, 4 dòng này nguy hiểm vì tính khí độc tôn. Trong khu vực lãnh thổ rộng khoảng vài trăm km của mình, chúng giống như chúa tể.
“Vậy nên khi thuần phục, mình không phải ở vai trò chủ của nó mà phải là người đồng hành. Linh miêu có trí nhớ rất dai, nếu bạn đánh nó một lần nó sẽ nhớ cả đời”, Vỹ chia sẻ.
Dù biết nguy hiểm, nhưng trong bộ thú cưng đắt đỏ của mình, Vỹ hiện đang sở hữu 1 con linh miêu Á - Âu.
“Tôi mang bé linh miêu Á Âu đang nuôi về lúc mới 9 tháng rưỡi tuổi, đến nay bé đã gần 12 tháng tuổi. Thú thật, đến bây giờ tôi vẫn chưa thể ôm bé nhưng chơi đùa, vuốt ve trong lúc bé ăn đều có thể làm được vì bé đã bắt đầu nghe quen tiếng nói của tôi.
Để hoàn toàn thuần phục được bé vẫn cần sự kiên nhẫn theo thời gian, có thể là nhiều tháng, có khi cả năm bởi thời gian phát triển tâm sinh lý của một bé linh kéo dài 1,5 - 2 tuổi.
Sau này, tâm lý của bé sẽ ổn định hơn mới có thể thoải mái trong việc bộc lộ điểm của nó”, Vỹ kể lại.
Linh miêu nên ăn gì?
Tuy nhiên, dù đã thuần chủng hoàn toàn thì linh miêu vẫn còn nhiều đặc tính hoang dã như không ăn được thịt chín mà ăn thịt sống, vẫn gầm gừ khi thấy người lạ.
“Vì chúng chỉ ăn thịt sống nên tôi mua thịt sống, tươi là được. Thịt này có thể là thịt chim cút, thỏ, gà, bò…
Khi nuôi động vật hoang dã, chúng tôi phải rửa sạch thịt không còn máu. Như thịt gà chẳng hạn, chúng tôi sẽ chọn ức gà có xương sụn, chim cút hay các loại thịt đều rửa sạch máu mới cho ăn.
Vì khi để thịt còn máu, bạn đã tác động lên việc hình thành thói quen ngửi mùi máu, nó có thể tấn công mình bất cứ lúc nào. Chẳng hạn khi bạn bị một vết thương chảy máu, nó sẽ tấn công bạn ngay vì mặc định đó là thức ăn”, Vỹ cho biết.
Chính vì việc cho ăn không đúng có thể tác động xấu đến đặc tính săn mồi đã sẵn có trong mỗi con linh miêu, Vỹ thường không cho những chú linh miêu quý hiếm của mình ăn thịt lợn và chuối bởi dễ làm tăng lượng men trong cơ thể linh miêu lên cao.
Cách phòng tránh bệnh cho linh miêu
Theo Kim Vỹ, khi linh miêu sống chung với người, bệnh của động vật nuôi trong nhà vẫn có thể lây lan sang loài vật này. Chính vì vậy, quy tắc đầu tiên của chủ nuôi là dù nuôi động vật nhà hay động vật hoang dã đều phải chích ngừa. Đặc biệt khi tính dại của động vật hoang dã cao hơn vật nhà.
Tuy nhiên, điểm mạnh của linh miêu là khó bị bệnh vì nó có thể trạng thích nghi với môi trường cực kì cao.
“Tôi đang nuôi một bé linh miêu châu Phi, nó sống ở môi trường đó với nhiệt độ rất nóng, nhưng khi ở máy lanh bé vẫn chịu được và kể cả khi trời đổ tuyết như ở Nga, bé vẫn không sao”, Kim Vỹ cho biết.
Theo Vỹ, bộ lông của linh miêu chính là chiếc máy sẽ tự điều hòa cơ thể của nó để phù hợp với môi trường bên ngoài. Trong khi đó, động vật nhà sẽ có hiện tượng không chịu được nhiệt độ thay đổi đột ngột.
“Linh miêu và mèo chơi đùa y như nhau vậy. Mèo có tình cảm nhưng nó không thể hiện ra như chó là quấn quýt con người. Nhưng nếu nó thực sự xem trọng mình, nó có thể dụi vào người bạn hoặc cụng đầu, và linh miêu cũng vậy. Nó sẽ cụng đầu, cọ chân bạn và chơi như mèo nhà, thích banh, thích những thứ di chuyển nhanh và thú bông, mặc dù là các bé xé thú bông nhanh lắm”, Kim Vỹ nói.