Quyền sức khoẻ là quyền được sử dụng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ một cách bình đẳng, không bị phân biệt đối xử. Hiện nay, cộng đồng LGBT đặc biệt là người chuyển giới đang vấp phải định kiến không hề nhỏ từ xã hội. Do đó, chuyện gặp khó khăn khi tiếp cận những dịch vụ y tế là điều khó tránh khỏi đối với họ.
Cụ thể quyền sức khoẻ đối với LGBT hay MSM (nam giới có nhu cầu tình dục với nam giới) liên quan trực tiếp đến căn bệnh thế kỉ HIV và những bệnh qua đường tình dục. Mặc khác, những người chuyển giới đều cần hỗ trợ dịch vụ y tế rất nhiều sau quá trình phẫu thuật chuyển đổi giới tính như tiếp nhận hormone sinh dục, chăm sóc vết thương … Vì vậy quyền sức khoẻ cần được chú trọng đối với người đồng tính. Tuy nhiên, sau những cuộc đấu tranh kêu gọi bình đẳng về xã hội nhân sự, quyền sức khoẻ vẫn bị lu mờ.
Theo báo cáo của Hội nghị Quốc tế về AIDS (International AIDS Conference) tại Melbourne 2014, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra HIV đang trở thành bệnh lây nhiễm trong cộng đồng LGBT ngày càng cao. Đặc biệt, hai tổ chức làm về quyền sức khỏe cho cộng đồng MSM tại Việt Nam là CARMAH và FHI360 cũng đưa ra các khuyến cáo đáng lo ngại về tỉ lệ các ca lây nhiễm HIV mới đang có xu hướng trẻ hóa. Có phải chúng ta đã ‘bỏ rơi’ quyền sức khỏe của người LGBT trong con đường đấu tranh cho quyền bình đẳng trong những năm vừa qua? Liệu chăng chúng ta đã quá tập trung vào quyền về mặt luật pháp mà vô tình quên mất quyền sức khỏe của họ?
Quyền sức khoẻ và quyền bình đẳng dân sự là hai cán cần được giữ đồng đều nhau. Nếu chỉ tập trung vào quyền sức khỏe mà xem nhẹ quyền bình đẳng dân sự, cộng đồng bị kỳ thị, thì các nỗ lực giảm thiểu lây nhiễm HIV/STIs (các bệnh lây lan qua đường tình dục) cũng như hướng đến cuộc sống khỏe mạnh cũng sẽ không có kết quả. Hoặc nếu quá tập trung vào quyền bình đẳng dân sự mà không coi trọng quyền sức khỏe thì cộng đồng LGBT cũng sẽ thiếu đi kỹ năng bảo vệ bản thân, kỹ năng có cuộc sống tình dục an toàn, tránh các nguy cơ lây nhiễm ngoài ý muốn, thậm chí gặp rủi ro và khó tiếp xúc những dịch vụ y tế một cách đúng nghĩa. Đẩy mạnh song hành cả quyền sức khoẻ và quyền bình đẳng dân sự sẽ góp phần đem đến một cộng đồng LGBT một cuộc sống tích cực hơn, có kỹ năng bảo vệ bản thân cũng như sẽ được xã hội ngày một công nhận.
Làm thế nào để dung hoà cả hai quyền để tạo ra một cộng đồng bình đẳng và khoẻ mạnh?
Hiện nay, nhiều tổ chức xã hội đã kết hợp các hoạt động với nhau nhằm thúc đẩy cả hai quyền trên để phát triển rộng rãi. Sự kết hợp cùng giới truyền thông đang ngày càng giúp hai cán cân nặng dần đều như nhau. Những ý kiến, phát hiện mới về y học liên quan đến cộng đồng LGBT ngày một được cập nhật trong các buổi tuyên truyền với mong muốn xã hội cởi mở hơn với màu cờ lục sắc. Điển hình là tại Hội nghị Quốc tế về AIDS 2014, có rất nhiều phiên thảo luận, các buổi tham luận đề cập đến vấn đề quyền con người và việc chống lại sự kỳ thị, định kiến.
Tại Việt Nam, khi người chuyển giới được nhìn nhận vào năm 2017 qua các nghị định của chính quyền, các hoạt động hỗ trợ y tế cũng dần được xây dựng nhiều hơn. Đặc biệt, những cá nhân MSM cũng đang được hỗ trợ xét nghiệm bệnh lây nhiễm qua đường tình dục đảm bảo thông tin cá nhân và nhanh chóng. Để xây dựng cộng đồng lục sắc ngày một tốt đẹp hơn, sự kết hợp hoạt động và vai trò của các tổ chức xã hội là rất quan trọng trong quá trình định hình kế hoạch cho bước tiến tiếp theo, xây dựng một cán cân phát triển về cả sức khoẻ và bình đẳng.