Lưu ý: Đây là chủ đề đang gây nhiều tranh cãi trên các phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến Hoa hậu Hương Giang, nhưng mục đích của bài viết này không phải là bênh vực hay đồng ý với sự lựa chọn, phát ngôn của Hương Giang. Mong các độc giả có thể phân biệt được giữa việc giải thích/đẩy lùi hành vi toxic và bênh vực một cá nhân.
Câu chuyện Deadname
"Deadname", theo định nghĩa, là một từ chỉ tên khai sinh của một người chuyển giới trong trường hợp họ đã thay tên đổi họ và muốn được gọi bằng tên mới. Việc đổi tên này không nhất thiết phải diễn ra về mặt pháp lí thì mới được công nhận, mà chỉ cần là về cách mà họ nhìn nhận bản thân. Nôm na, ta có thể hiểu đây là tên cúng cơm, tên khai sinh, nhưng điểm khác ở đây là người chuyển giới thường không muốn được gọi bằng cái tên này. Dịch sát từng chữ, từ này sẽ là "Tên chết", đương nhiên không phải “tên người chết”, mà nghĩa là “cái tên này coi như đã chết, đừng sử dụng nó nữa”.
"Deadnaming" là động từ của "deadname", thuật ngữ chỉ việc một người ngoài dùng deadname của một người chuyển giới để gọi họ thay vì cái tên mà họ đã chọn mà không có sự đồng thuận từ họ. Thông thường việc này là do nhầm lẫn và cần thời gian làm quen, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp mà deadnaming là một thứ vũ khí người ta sử dụng để móc mỉa và tỏ thái độ phản đối một người chuyển giới.
Nếu không quen với những từ này, có lẽ các bạn sẽ thắc mắc: "Ủa, có cái tên thôi mà, nghiêm trọng thế làm chi?"
Lí do đơn giản là vì tên chính là thứ để định hình giá trị của con người trong xã hội và với chính bản thân họ. Deadnaming cũng khó chịu như lúc người ta nghe nhầm và gọi nhầm tên của bạn dù bạn đã nhắc rất nhiều lần vậy, thậm chí còn khó chịu hơn rất nhiều khi hành vi ấy là do cố tình.
Với cộng đồng chuyển giới nói chung, deadname thường gắn với một hành trình rất khó khăn và những kỉ niệm không mấy vui vẻ, cho nên họ không muốn nhắc lại nó, hoặc họ muốn được chấp nhận với thân phận thật của mình bởi những người xung quanh.
Vừa rồi trên một show truyền hình có sự góp mặt của Hương Giang và Lâm Khánh Chi, Hương Giang - không biết vô tình hay cố ý, đã có hành vi gọi deadname của chị Khánh Chi mà không có dấu hiệu sửa lại hay nhận ra mình đã làm sai.
Sẵn đã có một làn sóng lớn những người không có mấy thiện cảm với mình, khán giả ở khắp nơi bắt đầu tỏ thái độ bất bình với động thái này của Hương Giang khi chị cũng là một người chuyển giới và có tiếng nói kèm theo độ nhận diện lớn nhưng lại phạm phải phép lịch sự khá cơ bản như vậy.
Tất nhiên chuyện sẽ chẳng có gì để nói nếu chỉ dừng lại ở đó. Hương Giang sai, nhưng điều tệ hơn là một loạt người bắt đầu thực hiện chính hành vi deadnaming này với Hương Giang, và việc này đang dần trở thành một trào lưu có mặt trên khắp các page, các group anti Hương Giang.
Hai cái sai cộng lại sẽ không thành một cái đúng
Hương Giang đã phạm phải sai lầm nhưng không có nghĩa là bất kì ai được quyền deadnaming một người chuyển giới.
Có thể bạn nghĩ đây là vấn đề trả thù, ăn miếng thì trả miếng thôi, vì HG có nghiệp nên đáng bị như vậy. Nhưng deadnaming không chỉ ảnh hưởng đến Hương Giang, mà còn có tác động tiêu cực đến cộng đồng người chuyển giới nói chung. Người ta sẽ bắt đầu sinh ra một cái tư tưởng rằng họ nên gọi deadname của một người chỉ vì không ưa người đó, bình thường hoá việc này, bình thường hoá việc kì thị người chuyển giới.
Ngoài ra, việc gọi Hương Giang như vậy cũng có ảnh hưởng rất tệ với những người chuyển giới khác. Làm thế sẽ giống như đang dạy cho họ nghĩ rằng dù có cố gắng hay nỗ lực đến đâu, dù đã bỏ rất nhiều tiền bạc và công sức, chấp nhận những rủi ro về sức khoẻ, đánh đổi cả tính mạng khi nằm trên bàn mổ, thì chỉ cần làm điều gì đó sai hay không phù hợp với ý kiến của số đông, bạn sẽ không được công nhận đúng giới của mình.
Dù có đăng quang hoa hậu và trở thành một người nổi tiếng trên truyền hình, chỉ cần làm một điều gì đó sai thì bạn sẽ ngay lập tức bị gọi bằng cái tên cũ của mình, bị gọi sai giới thật của mình.
Nếu Hương Giang sai ở nhận thức, thì hãy đáp trả lại bằng nhận thức. Đừng đụng chạm đến bản dạng giới của cô ấy.
Xin đừng dùng Deadname như một thứ vũ khi. Việc làm sai trái của một cá nhân không nên được trả giá bởi sự tôn trọng tối thiểu đối với một nhóm người.
Hành trình của cộng đồng chuyển giới rất khó khăn vì sự kì thị đã ăn vào trong truyền thông một cách gần như vô thức. Ngoài việc dùng deadname, những ngày qua còn có nhiều phát ngôn khác nổ ra ví dụ như "Hương Giang không phải phụ nữ 'real' sao lại dạy phụ nữ đạo lý?" hay, "Sao Hương Giang không đặt tên page là Hoa Hậu Chuyển Giới Hương Giang? Cô ta đang tự chối bỏ mình sao?"; "Hương Giang và Matt Liu chơi đấu kiếm"; "Cô ta sẽ không bao giờ được so ngang hàng với phụ nữ đích thực"...
Tại sao phụ nữ chuyển giới lại không phải là phụ nữ? Tại sao hoa hậu chuyển giới lại không phải là hoa hậu? Và nếu có, sao họ lại không xứng đáng để được nhận sự tôn trọng tối thiểu, để được phán xét như một người phụ nữ, một hoa hậu? Việc họ sinh hoạt, giường gối thế nào bỗng dưng trở thành chuyện tấu hài chỉ vì họ không phải là người hợp giới? Và rồi người ta nói đây không phải là sự kì thị?
Nếu Hương Giang là người hợp giới, sẽ chẳng có thêm những hành vi như thế. Họ sẽ chỉ chửi đúng trọng tâm, thế là xong.
Cư dân mạng rất kì lạ, chỉ mấy tháng trước mình còn rất vui vì làn sóng ủng hộ chị Lynk Lee chống lại sự kì thị người chuyển giới, bây giờ lại thấy họ hùa theo sự kì thị ấy. Chính những con người ấy từng bức xúc giờ lại đi hùa theo cười ha hả. Cái gì thời thượng sẽ được a dua, dù nó sai tè lè.
Khi một người chuyển giới công khai tâm sự về hành trình định giới và những khó khăn mà họ phải trải qua, thì đấy là "làm lố", còn khi một hoa hậu không thêm chữ Chuyển Giới trên tên fanpage, đấy là "chối bỏ bản thân". Nếu hành xử như thế, các bạn có thể nói thẳng là các bạn kì thị. Mà nếu vẫn một mực nói mình không kì thị thì hãy cư xử sao cho đàng hoàng. Có bao nhiêu thứ nhưng cứ phải bấu víu vào nhóm thiểu số trong xã hội mà lôi người ta xuống. Đừng làm vậy.
Không ai cấm việc phản đối hành vi không đúng mực của ai, nhưng ĐỪNG biến mình thành một kẻ kì thị. Hãy phản đối một người vì họ SAI, không phải vì họ thuộc LGBTQ+.