Ra mắt năm 1999, và cũng trình chiếu trong cùng năm tại Việt Nam, trong khi dân tình đang mải mê nức nở cùng với những bản tình ca lãng mạn và đẫm nước mắt của Trái tim mùa thu, Mối tình đầu, Cảm xúc… thì Ông trùm một mình một chân trong lãnh địa của riêng mình. Bộ phim không có những mối tình bi thương, mà tập trung về toàn bộ cuộc đời của ông trùm xã hội đen Kim Chun Sam (do Cha In Pyo thủ vai) từ lúc còn là một cậu bé ăn xin nghèo, cho đến lúc là anh hùng thời chiến và cuối cùng là một ông trùm xã hội đen khét tiếng.
Khi ấy làn sóng phim Hàn mới tràn vào Việt Nam, hàng ngàn chị em phụ nữ xao xuyến bởi những chàng “soái ca” đẹp trai, hào hoa, thì Cha In Pyo lại đem lại một hình tượng trang nam nhi hoàn toàn mới lạ, bởi vẻ lạnh lùng, phong trần bụi bặm đặc trưng. Giới trẻ, đặc biệt là các cậu trai mới lớn hâm mộ hình tượng anh hùng “bụi đời” của Cha In Pyo - bỏ học đi ăn xin rồi trở thành đại ca xã hội đen đến nỗi, có người nói rằng, năm ấy đài truyền hình quốc gia đã nhận được nhiều lời phàn nàn của các bậc phụ huynh nên phải ngừng chiếu bộ phim trong sự tiếc nuối của rất nhiều khán giả xem truyền hình.
Rất nhiều những đứa trẻ, cậu thiếu niên ngày đó khi lớn lên đã cố gắng tìm kiếm bộ phim trên mạng để theo dõi tiếp câu chuyện tình tuyệt đẹp của Kim Chun Sam và Yeon Ji, hay hồi hộp mong đợi một kết thúc phim có hậu cho cuộc đời khuấy trời đạp đất của “ông trùm”, nhưng đều bất lực. Cho đến vài năm gần đây, khi truyền hình đã bớt khắt khe trong khâu kiểm duyệt, cũng như sự lan tràn của phim ảnh online, các nhóm sub phim trên mạng, các fan hâm mộ của Ông trùm thủa nào mới được thỏa lòng đợi. Ông trùm được chiếu đi chiếu lại nhiều lần trên cả đài truyền hình trung ương cho đến các đài địa phương, mà sự hấp dẫn cũng như tính thời sự của câu chuyện vẫn không hề giảm sút, thu hút được thêm rất nhiều người yêu thích nữa.
Nhiều khán giả chưa xem phim sẽ cảm thấy ngại ngần trước chủ đề có vẻ khá nặng nề của phim và thắc mắc lý do tại sao một bộ phim lấy bối cảnh lẫn hoàn cảnh như vậy lại có thể thu hút nhiều thanh thiếu niên hồi hộp theo dõi từng tập? Thực ra, các nhà làm phim Hàn Quốc đã rất khéo léo khi lồng vào chủ đề xã hội khá nặng nề như dịch bệnh, đói khổ, chiến tranh, hay cuộc sống giang hồ, những chi tiết vui nhộn, hài hước cũng như nét đẹp long lanh của tình bạn chân thành, tình yêu tuổi trẻ.
Câu chuyện phim bắt đầu với nhóm trẻ ăn xin với những biệt danh đáng yêu “Chân đất”, “Cá cơm” , “Hà mã”… - những đứa trẻ ngây thơ nhưng sớm phải trải qua đói khổ mất mát do xã hội rối ren, gia đình ly tán, nạn đói và bệnh dịch. Tuy mỗi đứa một hoàn cảnh, một tính cách, nhưng chúng đã ở bên nhau và trở thành người bạn thân thiết dưới mái nhà chung và tôn xưng Kim Chun Sam thành đàn anh - Ông trùm.
Cũng những đứa trẻ ngây thơ ấy, qua năm tháng và đói khổ, chiến đấu với cuộc sống dần trưởng thành, tham gia chiến trận, trở thành những người lính, cùng bên nhau ra sống vào chết, để rồi khi thực sự trưởng thành, chúng nhận ra những đắng cay mất mát của bản thân mình không hẳn do chiến tranh hay đói nghèo, mà chính bởi chế độ và xã hội. Sự phản kháng của Kim Chun Sam là tất yếu và cuộc đời của anh chính là minh chứng cho sự bất khuất không chịu thua số phận của những con người dưới tầng lớp đáy của xã hội.
Giữa nghèo khổ, đánh đấm và bạo lực, bộ phim sáng lấp lánh với mối tình vừa e ấp của Kim Chun Sam với cô nàng kỹ nữ Yeon Ji (diễn viên Song Yun-ah) - một cô gái xuất thân địa chủ giàu có nhưng do phá sản mà phải lăn lộn vào đời kiếm sống bằng đủ cách tủi cực nhất. Dù có hoàn cảnh lẫn tính cách gần như trái ngược, nhưng Kim Chun Sam và Yeon Ji đều đại diện cho những số phận cùng đinh, đều có tâm hồn trong sáng, lòng khao khát hướng thiện nhưng lại không thể có được cuộc sống yên bình bởi những biến cố của số phận. Họ tìm đến nhau trong hoàn cảnh đen tối nhưng lại dành cho nhau những tình cảm trong sáng và thánh thiện nhất. Cái kết dang dở cho cuộc tình của Yeon Ji và Kim Chun Sam không sến súa bi ai, mà trở thành nốt lặng buồn làm tăng thêm giá trị hiện thực cho bộ phim, gây nên bao nhiêu tiếc nuối cho người hâm mộ.
Bên cạnh việc khắc họa thành công cuộc đời gian truân khổ ải của Kim Chun Sam suốt 20 năm trời, bộ phim còn vẽ lên cho khán giả bức tranh toàn cảnh của xã hội Hàn Quốc những năm đầu thế kỷ, khi mà những số phận cùng cực dưới đáy xã hội phải sống một cuộc đời vô thiên, vô pháp, lẫn cuộc nội chiến đẫm máu Bắc - Nam, cũng như những ngày đầu tiến vào phát triển kinh tế trong xã hội Hàn Quốc. Có thể nói, đi song song với số phận Kim Chun Sam chính là số phận của cả đất nước Hàn Quốc vào những năm tháng khó khăn nhất, cùng từng đoạn đường lịch sử của nó.
Nhiều năm về sau, Ông trùm vẫn là một tượng đài về phim sử thi Hàn Quốc mà ít có bộ phim hiện đại nào vượt qua được, những tên tuổi đã từng tham gia bộ phim như Cha In Pyo, Kim Nam Joo, đều trở thành những tên tuổi khó quên trong lòng người yêu điện ảnh, dù sau này, mỗi người mỗi ngã rẽ khác nhau và không phải ai cũng tiến bước trên con đường danh vọng nhưng họ đều được công nhận như những cái tên kỳ cựu của thời kỳ hoàng kim nhất của điện ảnh Hàn.
Hãy cùng Saostar điểm lại những gương mặt thân quen của Ông trùm thưở ấy ngày nay ra sao?