Nhắc đến Saoirse Ronan, các “mọt phim” nhớ ngay đến những hình ảnh ngây thơ, hồn nhiên kể từ khi cô nàng bắt đầu diễn xuất hồi năm 2007 trong Atonement, Death Defying Arts, hay The Lovely Bones. Thế nhưng, Ronan trong Lady Bird của nữ đạo diễn Greta Gerwig thì lại rất khác biệt.
Phim lấy bối cảnh vào năm 2002 tại Sacramento, nước Mỹ, xoay quanh nhân vật chính là cô học sinh tuổi teen Christie McPherson (Saoirse Ronan). Christie là một nữ sinh có cá tính mạnh mẽ, cô thậm chí chối bỏ tên thật, buộc mọi người xung quanh phải gọi mình bằng “nghệ danh” Lady Bird.
Lady Bird có niềm đam mê to lớn dành cho nhạc kịch, điện ảnh. Không những thế, cô còn muốn được “sống như những thi sĩ trong rừng”, được “đến nơi cội nguồn của nền văn hóa”. Trớ trêu thay, mặc cho bao hoài bão, cô bé vẫn vướng phải ái tình, vẫn trải qua những cung bậc cảm xúc dù hạnh phúc hay đắng cay của tuổi trưởng thành.
Phim mới của Greta Gerwig thuộc thể loại coming-of-age (kể về tuổi trưởng thành), nên cũng không quá ngạc nhiên khi người xem có thể nhìn thấy nhân vật chính dần trưởng thành và chín chắn hơn xuyên suốt mạch truyện. Lady Bird tạo được sự lôi cuốn ngay từ 5 phút đầu phim, bởi tác phẩm biết “bắt đúng mạch” và liên tục phóng xuất những sự kiện, những mẩu truyện ảnh hưởng trực tiếp đến tâm tính của cô nàng nữ chính.
Tác phẩm không thuộc thể loại nhạc kịch, nhưng bản thân Lady Bird lại ngập tràn trong âm nhạc. Đó là một khúc hoan ca rộn ràng của một tuổi trẻ nổi loạn, của những ca từ pha trộn phong cách rock và ballad, vừa dữ dội vừa buồn tênh, thổi bùng ngọn lửa của sự nổi loạn; như Hand in My Pocket, Crash Into Me, As We Go Along,… Chủ trương sử dụng những bài hát du dương nhưng không “quá lứa” của Greta Gerwig cũng nhằm để người trẻ có thể “cảm” được câu chuyện, khi từng khung hình, từng nụ cười và từng tiếng khóc được hòa trộn hoàn hảo với âm nhạc như một miếng bánh ngọt nhiều tầng nhiều vị mang tên “thanh xuân”.
Alanis Morissette - Hand In My Pocket (Lady Bird Soundtrack)
Cũng có thể mỗi giai đoạn mà nhân vật Lady Bird dần trưởng thành chính là những lát cắt ngọt lịm của cuộc sống. Tác phẩm khá nhẹ nhàng, dễ thương, không hề khai thác một khía cạnh nào quá tăm tối của đời sống học đường. Tất cả mọi mâu thuẫn, mọi biến cố xoay quanh Lady Bird, không có cái nào đủ tàn nhẫn để hạ gục cô - tất cả chỉ khiến “Cô nàng lông vũ” trở nên mạnh mẽ và dữ dội hơn như loài Phượng hoàng.
Và chỉ đến chừng nửa phim, người xem mới nhận được một “cú twist” đầy bất ngờ: Lady Bird là phim kể về tuổi trẻ của đời người, nhưng không hề “tô hồng” cái thời kỳ ẩm ương này. Dải băng gạc hồng mà Lady Bird luôn phải đeo vì liều lĩnh nhảy ra khỏi xe trong lúc cãi nhau với mẹ, tuy ẩn ý rằng cô nàng này thực sự đặc biệt, thế nhưng sự đặc biệt ấy cũng không khiến Lady Bird vượt qua khỏi những định kiến của số đông.
Đó là câu chuyện về việc nàng Lady Bird kiêu hãnh như những nhân vật trong kịch Shakespeare, nhưng cô vẫn gặp rắc rối khi tỏ ra “trái tính trái nết” với mẹ mình. Lady Bird, một đứa trẻ sinh ra trong thời sung túc, sẽ không bao giờ hiểu tại sao 3 đô-la từng là một số tiền lớn thế nào với mẹ cô. Cô bất tuân, cô bất cần, cô bé là tất cả những hình ảnh của người trẻ ngoài đời thực, của bất kỳ ai trong chúng ta từng ít nhất một lần làm “trẻ hư” để đấu tranh cho điều mình khao khát. Cô cũng mất đi bạn bè vì những hiểu lầm, cũng có khi phải chịu nhún nhường để đạt được sự hào nhoáng hời hợt. Đây không chỉ là một câu chuyện thuần túy về tuổi trẻ, mà còn khắc họa những khủng hoảng tâm lý mà những ai ở tuổi trưởng thành cũng phải trải qua.
Và có lúc, cô vướng vào chuyện tình yêu. Nếu như bộ phim Boyhood (2014) của đạo diễn Richard Linklater từng là lá thư ký ức đầy xúc động gửi đến các cậu chàng, thì Lady Bird của Gerwig cũng nhận được sự đồng cảm sâu sắc từ phái đẹp. Bao nhiêu cô nàng sắc sảo ngày hôm nay, ai dám nói rằng thuở học trò chưa từng trải qua những mối tình dang dở, gặp sai người, và buồn tủi trong suốt một phần thanh xuân. Hai nam tài tử Lucas Hedges và Timothée Chalamet lần lượt vào vai Marion và Kyle - hai bờ vai từng đi qua cuộc đời của nàng Lady Bird. Họ là kiểu trai ngoan nhưng không đúng thời điểm, và “trai đểu” không thể lâu bền. Với lối diễn xuất bình ổn cùng thời lượng khiêm tốn, hai vai diễn này không hề nổi bật, nhưng vẫn đủ để tôn lên tính cách phức tạp cho nhân vật mà Saoirse Ronan thủ diễn.
Đặc biệt, những ai đã “cắm đinh” theo dõi mùa phim Oscar năm nay sẽ nhận ra rằng Timothée Chalamet cũng vào vai chàng Elio mảnh khảnh, dịu dàng trong bộ phim tình cảm đồng tính Call Me By Your Name. Năm 2017 có vẻ là một năm thuận lợi đối với Chalamet, khi tài tử 22 tuổi có dịp thử sức với hai vai diễn hoàn toàn trái ngược nhau, ghi lại những dấu ấn đặc biệt trong mắt khán giả.
Trái ngược với hai vai phụ, bản thân lối diễn của Saoirse Ronan vẫn không có nhiều đột phá. Đồng ý là nhân vật Lady Bird thực sự ấn tượng, độc đáo và phức tạp; nhưng những tố chất ấy đến từ sự khéo léo của kịch bản, chứ không phải sự vượt trội trong diễn xuất của Ronan. Nàng vẫn diễn rất nhập tâm, rất có thần, nhưng cái thần ấy đã tồn tại từ những tựa phim trước. Đây hẳn là một điểm yếu nho nhỏ mà Lady Bird cần có, khi mà kịch bản phim tương đối bình lặng, không tạo nhiều cơ hội để Ronan phải bứt phá trong vai trò của một diễn viên.
Thay cho lời kết, Lady Bird là một tựa phim dành cho tuổi trưởng thành với nhiều lớp ngăn, nhiều nếp gấp bất ngờ ở khâu kịch bản. Cùng với đề cử dành cho Nữ chính Xuất sắc nhất của Saoirse Ronan, bản thân bộ phim cũng được xuất hiện tại hạng mục Phim truyện Xuất sắc nhất của mùa Oscar 2018. Bộ phim đánh dấu chiến thắng ngoạn mục của nhà sản xuất A24, cùng với những tựa phim đáng chú ý ra mắt trong cùng năm như The Disaster Artist, The Florida Project, và The Killing of a Sacred Deer.
Trailer phim Lady Bird.
Trên hết, Lady Bird còn là lá thư chân thành, giàu cảm xúc gửi đến những trái tim hãy còn non trẻ, đến những tâm hồn mộng mơ đẹp như đá thô đang chờ được gọt giũa bởi cuộc đời.
Phim dự kiến khởi chiếu tại Việt Nam từ 23/02/2018.