Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

King Kong - 'Kỳ quan thứ tám' của thế giới

Sau 83 năm kể từ ngày đầu ra mắt, câu chuyện về con khỉ đột khổng lồ có tên gọi King Kong vẫn là đề tài yêu thích của Hollywood nói riêng cũng như khán giả yêu thích điện ảnh nói chung.

1. Sự ra đời của một nhân vật kinh điển

Những năm đầu thập niên 30 của thế kỉ 20, công chúng ở Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác đắm mình trong thể loại “Lost World” (Thế giới mất tích). Thể loại này được đặt tên theo tựa đề cuốn tiểu thuyết phiêu lưu kì ảo do Sir. Athur Conan Doyle chắp bút năm 1912 với tên gọi The Lost World. Cuốn sách của Doyle đã được chuyển thể thành phim câm năm 1925, mở ra hướng đi mới cho điện ảnh thời bấy giờ. Công chúng - vốn nhốt mình trong những khối nhà cao tầng, tận hưởng những tiện nghi của một nền công nghiệp mới, khao khát hơn nữa những cuộc phiêu lưu trên màn ảnh rộng, nơi họ có thể đặt chân đến những vùng đất thần bí xa xôi, nhìn ngắm những con thú khổng lồ hung bạo sống sót từ thời tiền sử, thót tim hồi hộp với những pha hành động nguy hiểm chết người.

KK 1

The Lost World - bộ phim tạo tiền đề cho sự ra đời của King Kong.

Đó là bối cảnh truyền cảm hứng cho Merian C. Cooper sáng tạo ra nhân vật King Kong - một trong những quái thú trên màn ảnh nổi danh nhất thế kỉ 20 và những thập niên sau này. Kong là vị vua hùng mạnh của đảo Skull - hòn đảo bí ẩn với những sinh vật từ thời tiền sử. Sự tồn tại của Kong cũng như đảo Skull sẽ mãi chìm trong im lặng nếu một ngày kia, một đoàn làm phim không đặt chân đến hòn đảo này, và Kong không phải lòng kiều nữ tóc vàng xinh đẹp là nữ diễn viên chính của đoàn làm phim ấy.

Trong suốt 83 năm từ khi nhân vật King Kong ra đời, đã có hàng chục bộ phim được làm, cả trong và ngoài Hollywood về King Kong, kéo theo đó là hoạt hình, game, sách truyện và nhiều loại hình giải trí ăn theo khác. Câu chuyện về King Kong - con khỉ đột khổng lồ từ thời tiền sử với sức mạnh phi thường và bộ óc thông minh, qua nhiều phiên bản với lời kể khác nhau, đã khoác lên mình vô vàn những diện mạo khác nhau của cảm xúc: từ một con quái thú hung bạo cho tới bi kịch của một nhân vật phản ảnh hùng.

2. Quái vật thất thế

Năm 1933, bộ phim đầu tiên về King Kong ra mắt dưới định dạng phim đen trắng với sự tham gia của Far Wray và Robert Amstrong. Bộ phim có kinh phí thực hiện là 670,000 đô la Mĩ và trong năm 1933 đã mang về cho nhà sản xuất doanh thu 6,206,460 đô la Mĩ. Đây quả là một tỉ lệ chênh lệch đáng mơ ước đối với các nhà làm phim hiện đại.

Trong nguyên tác năm 1933 này, một đoàn làm phim đã đến một hòn đảo vắng dấu chân người để thực hiện những cảnh quay cho bộ phim của họ và đụng độ Kong - một con khỉ đột khổng lồ. Kong đã ngay lập tức phải lòng cô diễn viên tóc vàng tên Ann trước khi bị bắt nhốt mà mang về trưng bày tại thành phố New York - nơi nó kết thúc cuộc đời mình trong tình yêu mù quáng. Trường đoạn King Kong đu người trên nóc toà nhà Empire State trong bản phim này đã đi vào lịch sử.

KK 2

Cảnh King Kong trên nóc toà nhà Empire State.

Sau thành công của King Kong, tháng 12 năm 1933, một bộ phim khác về con quái thú này cũng ra đời với tên gọi The Son of Kong. Bộ phim này, xét trên một vài khía cạnh, có thể coi như phần hai của King Kong khi mạch phim tiếp tục khai thác những sự kiện xảy ra sau khi Kong bị bắn hạ tại New York và nam diễn viên Robert Amstrong tiếp tục vào vai Carl Denham. RKO Radio Picture - công ty đã sản xuất King Kong vẫn tiếp tục đóng vai trò sản xuất cho bộ phim này.

KK 3

Hình ảnh quảng bá cho Son of Kong.

Cái tên King Kong nhanh chóng vượt ra khỏi lãnh thổ nước Mĩ trong những thập niên sau đó. Con quái vật khổng lồ lông lá đã trở thành nhân vật chính trong nhiều bộ phim về King Kong khác nhau được sản xuất bởi Ấn Độ hay Nhật Bản. Tại Mĩ, dù nhà sản xuất vẫn ấp ủ những kế hoạch về loạt phim King Kong, nhưng cho tới tận năm 1976, một bộ phim khác về King Kong mới được ra mắt. Nhưng tiếc rằng đó không phải một phần phim mới, mà chỉ là một phiên bản làm lại của đạo diễn John Gullermin.

Trong phiên bản cùng tên năm 1976 này, toàn bộ câu chuyện của King Kong (1933) đã được kể lại, trừ việc thay vì để một đoàn làm phim lên hoang đảo tìm kiếm những ngoại cảnh nên thơ, nhà sản xuất đưa một đoàn thám hiểm gồm những nhà nghiên cứu địa chất đến một hòn đảo hoang mạch dầu. Tất nhiên sau đó, vẫn có một cô gái tóc vàng xinh đẹp, vẫn có một tình yêu mù quáng dẫn đến cái kết trên đỉnh toà nhà Empire State. Bộ phim có sự tham gia của những cái tên mà đến ngày hôm nay đã thành gạo cội như Jeff Bridges hay Jessica Lange đã mang về cho nhà sản xuất con số 52,600,000 đô la doanh thu từ 24,000,000 đô la kinh phí sản xuất. Con số này không chỉ thể hiện sự thành công đáng kể về mặt thương mại, nó còn cho thấy niềm yêu thích của khán giả dành cho King Kong vẫn chưa hề suy giảm sau hơn bốn thập kỉ vắng bóng.

KK 5

Jessical Lange trên poster phim.

Mười năm sau thành công của King Kong (1976), đạo diễn John Gullermin tiếp tục cho ra mắt phần thứ hai trong chuỗi phim về Kong với tên gọi King Kong Lives (1986). Vẫn tiếp tục mạch truyện từ phần phim trước, John Gullermin để con khỉ đột khổng lồ hồi sinh với một trái tim nhân tạo, và trái tim máy này lại rung động một lần nữa, không phải với một thiếu nữ tóc vàng, mà với một cô khỉ đột thực sự. Nhà sản xuất của King Kong Lives nuôi tham vọng bộ phim tiếp tục tạo nên thành công rực rỡ như phần phim trước, nhưng có vẻ khán giả chỉ thích thú với một con khỉ đột với trái tim sinh học và tình yêu dành cho một cô gái loài người. King Kong Lives thu về chưa được một nửa số vốn 10,000,000 đô la Mĩ mà nhà sản xuất đã bỏ ra lúc ban đầu.

KK 6

Một cặp đôi khỉ đột khổng lồ không phải ý tưởng hay trên màn ảnh.

King Kong Lives gây thất vọng tới độ chính biên kịch của bộ phim - Steven Pressfield đã nhắc đến bộ phim như một thất bại để đời trong sự nghiệp của ông. Cuối thập niên 80, con quái vật King Kong lừng lẫy năm nào đã rơi, không phải rơi khỏi toà nhà Empire State như trong cảnh cuối phim, mà là nền công nghiệp điện ảnh Mĩ.

3. Từ quái thú hung bạo cho tới bi kịch của nhân vật phản ảnh hùng

King Kong đã sống lại, một lần nữa vào năm 2005 khi Peter Jackson - vị đạo diễn của những bộ phim thần thoại quyết định cùng đội ngũ biên kịch đã cùng ông làm nên thành công của bộ ba Chúa nhẫn kể lại một lần nữa câu chuyện của James Ashmore Creelman (biên kịch của nguyên tác năm 1933). Vẫn lấy bối cảnh những năm 1933, với một đoàn làm phim đến hoang đảo để thực hiện cảnh quay ngoài trời, với nữ diễn viên chính tóc vàng xinh đẹp do Naomi Watt thủ vai, King Kong (2005) lặp lại hầu như tất cả những sự kiện chính trong nguyên tác, bao gồm cả cái chết của con khỉ đột si tình.

KK 7

King Kong (2015).

Nét đột phá mà Peter Jackson cũng như đội ngũ sản xuất đã mang vào bộ phim của mình không chỉ là kĩ xảo điện ảnh vượt trội đã giúp khắc hoạ rõ nét hoang sơ trên đảo Skull với sự hung bạo của những con thú khổng lồ vẫn còn sót lại từ thời tiền sử hay cuộc tấn công man rợ trên đường phố New York chống lại một sinh vật lạc lõng trong cơn cuồng loạn, ông còn giới thiệu khán giả đến với Kong - vị vua của đảo Skull. Một vị vua với tâm hồn, thay vì một quái thú là bạo chúa đứng trên muôn loài.

KK 8

Quang cảnh trên đảo Skull.

Giống như những phiên bản Kong trước đó, Kong trong phim của Peter Jackson cũng là một con khỉ đột khổng lồ với sức khoẻ phi thường và trí thông minh vượt trội, cũng chịu cảnh bị đưa ra làm trò tiêu khiển cho con người trước khi chết một cách đầy kiêu hùng trong giọt nước mắt xót thương của người mà nó đem lòng yêu quý. Nhưng King Kong trong phim của Peter Jackson không đơn thuần chỉ là một con thú không thể thuần hoá hay một mối đe doạ. Nó là một sinh vật có quá khứ, có tâm hồn để cảm nhận nỗi đau hay tình yêu thương. Con khỉ đột khổng lồ trong bộ phim có bộ lông bạc màu vì thời gian, trên khuôn mặt chi chít những vết sẹo lớn nhỏ - là chiến tích từ những cuộc chiến sinh tồn với các giống loài lân cận. Giờ đây khi đã già, nó chỉ còn là một con khỉ đột cô độc, trong khoảnh khắc, được soi rọi bởi thứ ánh sáng của một tình yêu không tưởng.

Chân dung Kong - vị vua đảo Skull.

Chân dung Kong - vị vua đảo Skull.

Trong bài báo King Kong - Building a Shrewder Ape, Peter Jackson đã mô tả nhân vật của mình như sau: “Kong là cá thể cuối cùng của giống loài mình. Nó có một người cha, một người mẹ, và có lẽ cả anh chị em nữa. Nhưng tất cả chúng đều đã chết. Nó là con cuối cùng trong số những con khỉ đột khổng lồ sống trên đảo Skull, và sẽ là con cuối cùng khi chết đi… sẽ không còn thêm bất kì sinh vật nào như thế nữa. Đó là một sinh vật vô cùng cô đơn, hoàn toàn cô độc. Nó có lẽ là sinh vật cô độc nhất mà bạn có thể tưởng tượng được. Mỗi ngày trôi qua, nó đều phải chiến đấu để sinh tồn trước bầy khủng long hung dữ trên đảo, và điều này thật khó khăn với nó. Kong mang trên người những vết sẹo từ những cuộc chiến ấy. Tôi tưởng tượng nó có lẽ đã khoảng 100 hay 120 tuổi khi câu chuyện này bắt đầu. Và nó chưa bao giờ cảm thấy một chút đồng cảm nào đối với các sinh vật khác trong cuộc đời rất dài của mình; đó quả là một điều tàn nhẫn”.

King Kong của Peter Jackson là một bộ phim giàu tính nhân văn. Nó cho thấy một cách rõ nét điều mà trong những phiên bản trước mới chỉ dừng lại ở ý tưởng: lòng tham của con người dẫn họ đến những hành động bạo ngược. Chính con người, chứ không phải thiên tai hay bệnh dịch, đã huỷ hoại sự sống trên tinh cầu này. Bi kịch của King Kong chính là bi kịch của cá thể cuối cùng của một giống loài, hàng nghìn cá thể cuối cùng của hàng nghìn giống loài đã tuyệt chủng. Đó là mặt trái của một xã hội phát triển, cũng như mặt trần trụi của câu chuyện tình yêu đầy sắc màu hư cấu giữa một con khỉ đột khổng lồ già nua và một người phụ nữ trẻ.

KK 10

King Kong là con khỉ đột già nua và cô độc được soi rọi bởi thứ ánh sáng của tình yêu.

King Kong (2005) là đỉnh cao trong suốt 83 năm lịch sử của nhân vật này, khi nó cho người xem thấy được khía cạnh “nhân tính” trong thân xác một loài động vật, và ngược lại, cả bản năng động vật trong nhân cách những con người. King Kong không còn là một con quái thú, là một mối đe doạ đơn thuần. Nó đã trở thành một biểu tượng. Biểu tượng về tội ác của con người với tự nhiên, nhưng cũng là biểu tượng về sự khát khao một tình yêu bình đẳng.

4. Một tương lai đáng chờ đợi

Tiếp nối thành công của King Kong (2005), bộ phim Kong: Skull Island đã bắt đầu quá trình sản xuất và dự kiến ra mắt vào năm 2017. Tuy chưa có những tiết lộ cụ thể về nội dung, nhưng Kong: Skull Island được biết sẽ tập trung làm rõ nguồn gốc của King Kong. Phim có sự tham gia của những tên tuổi nổi tiếng bậc nhất Hollywood hiện nay như Brie Larson, Tom Hiddleston và Samuel L. Jackson. Đoàn làm phim Kong: Skull Island đã lựa chọn Việt Nam làm nơi thực hiện những cảnh quay trên đảo Skull. Thông tin này gây bất ngờ với không ít khán giả bởi từ trước đến nay, Việt Nam luôn là một địa điểm khó tiếp cận với các đoàn làm phim nước ngoài, chủ yếu do những vấn đề trong khâu kiểm duyệt kịch bản.

KK 11

Một hình ảnh hậu trường được đạo diễn của Kong: Skull Island chia sẻ.

Mới đây, hãng Legendary Picture đã công bố dự án Godzilla vs. Kong với kinh phí 200,000,000 đô la Mĩ và dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2020. Với kế hoạch này, Hollywood sẽ mang hai quái thú hùng mạnh nhất màn ảnh, đại diện cho hai nền văn hoá Đông - Tây vào chung một bộ phim. Và khán giả có lẽ sẽ có một mùa hè sống động nhìn ngắm hai sinh vật khổng lồ phá nát cả một thành phố trong cơn thịnh nộ của mình.

Trước Hollywood, King Kong và Godzilla từng đụng độ nhau hai lần trong thập niên 60 và 70 của thế kỉ 20 dưới bàn tay của những nhà làm phim Nhật Bản. Tuy nhiên đó đã là câu chuyện của quá khứ với những diễn viên đóng thế mặc bộ đồ đóng giả Godzilla và King Kong di chuyển giữa những khối nhà mô hình. Còn giờ đã là thời kì của đồ hoạ vi tính và những kĩ xảo tinh vi, khán giả không thể đoán trước được điều gì cho đến khi bộ phim chính thức ra mắt trên màn ảnh, trừ một điều bất biến: khán giả cần một cốt truyện hay và một lối dẫn dắt thật ấn tượng.

Godzilla, thành Osaka và King Kong trong bản phim Nhật năm 1962.

Godzilla, thành Osaka và King Kong trong bản phim Nhật năm 1962.

Câu chuyện về con khỉ đột khổng lồ với cái tên Kong đầy uy mãnh đã trở thành hiện tượng suốt hàng chục năm qua. Khán giả nhớ đến King Kong, không chỉ bằng những bộ phim có tên nó xuất hiện trong tiêu đề. Họ còn tiếp tục nhớ đến King Kong bằng hình bóng của nó phản chiếu trong các ấn phẩm sách báo, phim ảnh khác - nơi King Kong xuất hiện như một hình ảnh gợi nhắc một giai đoạn lịch sử đã qua.

Trong bản phim đầu tiên năm 1933, King Kong bị bắt và đưa về New York trưng bày với tên gọi “Kì quan thứ tám của thế giới”. Cái tên này thậm chí còn được sử dụng làm tên gọi thay thế của bộ phim trong một giai đoạn và được lấy làm tagline cho bản làm lại năm 2005. Với tầm ảnh hưởng của mình, King Kong chính là một trong những kì quan của điện ảnh. Từ rùng rợn tới lay động lòng người, từ gay cấn đến gợi mở, câu chuyện về King Kong luôn mới mẻ, và sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho trí tưởng tượng của công chúng ngày hôm nay và trong tương lai.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Anh Phan

Được quan tâm

Tin mới nhất