Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Đi tìm sức hút của những phim lấy đề tài xưa như 'Cô Ba Sài Gòn', 'Mẹ chồng' hay 'Mỹ nhân Sài Thành'

Bản sắc, lịch sử dân tộc luôn là chất liệu làm phim tốt và phong phú nhất, vừa tạo nên những khung hình mãn nhãn, độc đáo; vừa chạm đến tình yêu, niềm tự hào sâu thẳm trong lòng mỗi khán giả.

Thời gian gần đây, xu hướng retro không chỉ khiến các tín đồ thời trang, âm nhạc “mê mẩn”, mà còn trở thành cảm hứng cho nhiều nhà làm phim từ truyền hình đến điện ảnh. Nếu những phim như Cô Ba Sài Gòn, Tháng năm rực rỡ có doanh thu phòng vé khả quan, thì không ít dự án truyền hình lấy đề tài xưa như Mộng phù hoa, Thương nhớ ở aiMỹ nhân Sài Thành đều được khán giả chú ý. Điều này đã thể hiện sức hút đáng ngạc nhiên của phong cách làm phim này.

Tạo hình nhân vật, bối cảnh cổ xưa khiến khán giả thích thú 

Trước hết, màu sắc retro tạo cho các tác phẩm truyền hình, điện ảnh một bối cảnh lung linh và độc đáo. Khán giả khó có thể kìm lòng trước hình ảnh làng quê trù phú, tươi mới trong Mẹ chồng; đường phố Đà Lạt mộng mơ, nên thơ những năm 1975 của Tháng năm rực rỡ hay nhà may Thanh Nữ với bạt ngàn vải lụa ở Cô Ba Sài Gòn. Không chỉ thế, trên màn ảnh nhỏ, Thương nhớ ở ai cùng bức tranh xưa dung dị, thanh bình cũng làm người xem không khỏi ấn tượng.

Chính vì thế, xu hướng làm phim lấy đề tài cổ xưa đã tạo nên một cái nền độc đáo, gợi sự tò mò từ người xem. Mặt khác, thưởng thức các tác phẩm này, khán giả có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp người phụ nữ xưa ở những thời kỳ khác nhau trên chiều dài lịch sử dân tộc. Nếu nhân vật Ba Trân (Thanh Hằng), Tư Thì (Lan Khuê) của Mẹ chồng mang hơi hướng thời phong kiến, thì Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc) trong Cô Ba Sài Gòn cố gắng chạy đua theo phong cách thời trang phương Tây thời thượng.

“Cô Ba Sài Gòn”

“Mẹ chồng”

Mỹ nhân Sài Thành - dự án phim truyền hình mới do đạo diễn Lê Cung Bắc cầm trịch - cũng nhận được sự kỳ vọng của khán giả, khi lấy bối cảnh Việt Nam những năm 1950. Hình ảnh Sài Gòn - hòn ngọc Viễn Đông thời điểm ấy tráng lệ, phù hoa, cùng những người con gái xinh đẹp trong tà áo dài dân tộc, náo nức tham gia cuộc thi sắc đẹp đầu tiên tại xứ Nam Kỳ, như đưa người xem trở về quá khứ.

Những câu chuyện lịch sử hiện lên qua từng thước phim 

Không thể phủ nhận, những bộ phim lấy đề tài xưa khiến khán giả bồi hồi khi nhìn lại quá khứ dân tộc. Đó là một Đà Lạt mộng mơ (Tháng năm rực rỡ) hay Sài Gòn ồn ào, tráng lệ (Cô Ba Sài Gòn, Mỹ nhân Sài Thành). Thế nhưng, các tác phẩm cũng thể hiện không ít mặt tối của xã hội đương thời, từ đó, tạo nên giá trị hiện thực và ý nghĩa nhân văn nhất định.

Cô Ba Sài Gòn lấy bối cảnh thập niên 60, khi tà áo dài Việt Nam phát triển mạnh mẽ, xen lẫn Âu phục phương Tây. Phim đề cao giá trị trang phục truyền thống và bản sắc dân tộc. Trong khi đó, Mẹ chồng lại lên án sâu sắc tư tưởng lệch lạc, giáo điều, luật lệ hà khắc, đẩy người phụ nữ vào bi kịch. Hay đối với Tháng năm rực rỡ, bộ phim khéo léo mượn hai mốc thời gian quan trọng của đất nước là năm 1975 và năm 2000 để kể câu chuyện về nhóm nữ quái Ngựa Hoang.

“Tháng năm rực rỡ”

Chiều dài lịch sử và bề dày truyền thống luôn tạo giá trị cho mỗi quốc gia, gợi lên cho người xem niềm tự hào sâu thẳm. Đồng thời, việc gợi nhắc quá khứ, kể về các câu chuyện thật, con người thật làm khán giả không khỏi tò mò, thích thú. Nếu Cô Ba Sài Gòn khiến người hâm mộ lật lại tìm hiểu công thức may áo dài xưa, thì phim truyền hình Mộng phù hoa lấy cảm hứng từ kỹ nữ nổi danh Trần Ngọc Trà, Hắc - Bạch công tử cũng gây ấn tượng mạnh mẽ.

“Mộng phù hoa”

Trong khi đó, Mỹ nhân Sài Thành không chỉ xoay quanh ba mỹ nhân Sài Gòn xưa là Thanh Trà, Hồng Trà và Bạch Trà, mà còn tái hiện Sài Thành những năm 1950 - giai đoạn nhiều biến động của đất nước. Mảnh đất Nam Kỳ dẫu có phù hoa, nhưng cũng không tránh khỏi các góc khuất, buộc con người phải nhận thức, giác ngộ và thay đổi với lý tưởng cao đẹp về quê hương và thời đại.

Dựa vào những hình ảnh trong trailer Mỹ nhân Sài Thành, khán giả không khỏi tò mò về thái độ và lựa chọn của ba nhân vật Hồng Trà, Bạch Trà, Thanh Trà trước ánh sáng Cách mạng. Liệu ba người đẹp có cùng giác ngộ và đồng hành trên con đường này, hay ai sẽ là người sa ngã hoặc hi sinh, để rồi họ mất liên lạc khi về già?

Trailer “Mỹ nhân Sài Thành”.

Làm phim về đề tài xưa, nhiều sức hút nhưng cũng lắm thử thách 

Không thể phủ nhận, việc dựng lại và tái hiện một giai đoạn lịch sử của đất nước là không dễ dàng. Ở Cô Ba Sài Gòn, nếu người xem mê mẩn phong cách retro trong các hình ảnh giới thiệu phim, thì thực tế, 2/3 bộ phim lấy bối cảnh thời hiện đại. Trong khi đó, tuy được đánh giá là mãn nhãn, chỉn chu, phim remake Tháng năm rực rỡ vẫn bị cho là làm sai lệch hình ảnh nữ sinh Đà Lạt những năm 1975.

Đối với các dự án phim truyền hình, khó khăn càng nhân lên, khi phim không chỉ kéo dài trong vài tiếng, nhà làm phim phải nghiêm túc nghiên cứu, đầu tư công phu suốt mấy chục tập phim. Mặt khác, dù lấy đề tài cổ xưa, tác phẩm vẫn cần sự kịch tính, tránh nhàm chán để níu chân khán giả.

Riêng đối với bộ phim Mỹ nhân Sài Thành, quá trình làm phim cũng gian truân, lắm thăng trầm như chính cuộc đời của ba mỹ nhân trong phim, khiến nhà làm phim khốn đốn. Cụ thể, những lùm xùm đời tư làm Diễm Hương bị hủy vai hy hữu, gây ảnh hưởng lớn đến nhà sản xuất và dự án phim. Với ấn tượng mạnh mẽ và tình yêu dành cho vai Thanh Trà, người đẹp Ngân Khánh đã gác lại việc cá nhân và dồn tâm huyết thể hiện nhân vật độc đáo ấy.

Có thể nói, bản sắc, lịch sử dân tộc luôn là chất liệu làm phim tốt và phong phú nhất; vừa tạo nên những khung hình mãn nhãn, độc đáo, vừa chạm đến tình yêu, niềm tự hào sâu thẳm trong lòng mỗi khán giả. Mặt khác, thể loại này yêu cầu sự nghiên cứu kỹ lưỡng, đầu tư công phu, chỉn chu ở quá trình làm phim, tạo ra thử thách không nhỏ cho những người “cầm trịch”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Thảo

Được quan tâm

Tin mới nhất
Thời điểm ra mắt iPhone SE 4