Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

NSUT Nguyễn Chánh Tín: Tài tử huyền thoại trên màn ảnh Việt thế kỷ 20

Sự ra đi của NSUT Nguyễn Chánh Tín là một nỗi đau, mất mát lớn đối với gia đình và cả làng nghệ thuật - điện ảnh Việt.

Bước sang năm mới dương lịch 2020 chưa được bao lâu, làng giải trí - nghệ thuật Việt đã phải gánh chịu mất mát lớn trước sự ra đi của NSUT Nguyễn Chánh Tín. Ông là diễn viên, đạo diễn, MC truyền hình dày dặn kinh nghiệm từng có đóng góp lớn cho nền nghệ thuật, đặc biệt là phim ảnh nước nhà trong suốt gần 5 thập kỷ qua.

Cuộc đời và sự nghiệp của NSUT Nguyễn Chánh Tín.

NSUT Nguyễn Chánh Tín sinh ngày 29/11/1952 tại tỉnh Bạc Liêu. Ông là con út trong gia đình có năm người con. Cha của Nguyễn Chánh Tín là Nguyễn Chánh Minh - một võ sĩ nổi tiếng dưới thời vua Bảo Đại, từng nổi tiếng với việc trừ gian diệt bạo. Mẹ ông là Lưu Ngọc Lan, một hoa khôi có tiếng của vùng Bạc Liêu - Cà Mau.

Hình ảnh thời trẻ của Chánh Tín.

Bắt đầu sự nghiệp từ năm 1972, khi bản thân mới tròn 20 tuổi, nghệ sĩ Chánh Tín nhanh chóng thu hút khán giả bởi vẻ ngoài điển trai như tài tử. Thừa hưởng vẻ ngoài cao lớn cùng nhan sắc trời ban của cha mẹ, cho đến tận ngày nay, nhiều người còn sử dụng câu nói “Đẹp trai như Chánh Tín” để ca ngợi những người có vẻ ngoài xuất chúng. Ngày đó, Chánh Tín cũng nổi đình nổi đám với dáng vẻ điển trai, phong lưu, lãng tử khó ai bì được.

Với lợi thế về vẻ vóc dáng khỏe mạnh, điển trai, Chánh Tín nhanh chóng lọt vào mắt xanh của các dạo diễn lúc bấy giờ và giành vai chính trong nhiều tác phẩm đặc sắc như Vĩnh Biệt Tình Hè (1974), Tình đất Củ Chi (1978), Con mèo nhung (1981), Hạnh phúc ở quanh đây (1982), Ván bài lật ngửa (1982), Điệp khúc hy vọng (1988), Ngôi nhà oan khốc, Chiếc mặt nạ da người, Bến sông trăng, Tóc ngắn (1999),… trong đó, vai diễn để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất phải kể đến Robert Nguyễn Thành Luân trong phim Ván bài lật ngửa.

Ván bài lật ngửa là bộ phim truyện nhựa đen trắng dài 8 tập về chủ đề tình báo, mô phỏng quãng đời hoạt động của các nhân vật gián điệp có thật ngoài đời của Đảng Lao động Việt Nam hoạt động trong lòng địch trong kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là tình báo viên Phạm Ngọc Thảo. Tại thời điểm phim bấm máy vào năm 1982, đạo diễn Trần Bạch Đằng sau khi quay xong tập 1 đã cảm thấy nam chính không thành công lắm, vì vậy đã quyết định đổi sang một diễn viên trẻ là Nguyễn Chánh Tín. Ít ai ngờ rằng đây lại là một trong những vai diễn để đời làm nên tên tuổi của diễn viên trẻ ngày đó.

Các vai diễn đem về cho ông nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có Giải đặc biệt Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 năm 1983, Giải Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 năm 1985, Giải nam diễn viên chính xuất sắc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 năm 1985.

Ông kết hôn cùng vợ là ca sĩ Bích Trâm.

Bước sang thế kỷ 21, Dù đã hơn 50 tuổi nhưng nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín vẫn được “chọn mặt gửi vàng” giao cho nhiều vai diễn trong các bộ phim truyền hình, điện ảnh mới như Chết lúc nửa đêm (2008), Bốn thí nghiệm đêm tân hôn (2008), Cưới ngay kẻo lỡ (2012), Đi qua dĩ vãng (2013), Đại ca U70 (2014), Fan cuồng (2016), Linh duyên (2017), Em chưa 18 (2017), Hoàng tử ơi Anh ở đâu (2017),… Năm 2018, ông nhận lời góp mặt trong tác phẩm Ống kính sát nhân của đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng, cũng đánh dấu vai diễn cuối cùng trong sự nghiệp của nghệ sĩ.

Nghệ sĩ Chánh Tín trong phim Ống kính sát nhân.

Ngoài diễn xuất, nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín còn lấn sân sang lĩnh vực MC truyền hình, đạo diễn. Ông từng làm người dẫn chương trình chính của Rồng vàng (2003 - 2004), Hát Câu chuyện tình (2017), Là Vợ Phải Thế (2018), Ký ức vui vẻ (2019). Tiếp đó, ông còn chuyến hướng sang đầu tư hãng phim với lợi nhuận khổng lồ. Vào những năm 2010, Chánh Tín lại bắt đầu kinh doanh bất động sản nhưng bắt đầu thua lỗ vào năm 2013, đứng trước bờ vực phá sản khi 62 tuổi.

Vợ chồng nghệ sĩ rơi vào cảnh phá sản, nợ nần năm 62 tuổi.

Ngoài kinh doanh thất bại, hãng phim của Nguyễn Chánh Tín cũng gặp khó khăn. Năm 2005, ông cùng gia đình mạnh tay chi 1.5 triệu USD thực hiện bộ phim Dòng máu anh hùng, trong đó có 8,3 tỷ đồng vay từ ngân hàng. Tuy nhiên, dù rất thành công nhưng bộ phim chỉ thu về được 7 tỉ đồng, trừ chi phí chỉ còn lại 3.5 tỉ đồng khiến Chánh Tín rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Tính đến năm 2009, lãi mẹ đẻ lãi con, Chánh Tín có món nợ lên đến hơn 10.5 tỉ đồng. Lúc này, ông phải bán nhà trả nợ, bắt đầu cuộc sống lăn lộn mưu sinh.

Một phần khoản nợ bắt nguồn từ khi thực hiện phim Dòng máu anh hùng - tác phẩm làm nên tên tuổi của nhiều nghệ sĩ Việt.

Những năm tháng cuối đời, nghệ sĩ Chánh Tín cùng vợ là nữ ca sĩ Bích Trâm sống ở một căn hộ bình dân cho thuê tại TP. Hồ Chí Minh. So với thời gian trước, cuộc sống của vợ chồng ông có phần thoải mái hơn. Ông vẫn nhận phim đều và than gia nhiều sự kiện của làng giải trí. Trong khi đó, con trai ở nước ngoài vẫn thường xuyên gửi tiền trợ cấp về phụ giúp ba mẹ.

Dù cuộc đời trải qua nhiều biến cố thăng trầm, sự nghiệp của Nguyễn Chánh Tín luôn luôn gắn liền với nghệ thuật. Ông đã cống hiến cho nền điện ảnh Việt Nam rất nhiều vai diễn giá trị, sống mãi trong lòng khán giả. Một lần nữa, xin nói lời vĩnh biệt và chúc cho nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín được an nghỉ trên chặng đường cuối của mình.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Ngọc Trang

Được quan tâm

Tin mới nhất
Thời điểm ra mắt iPhone SE 4