COVID-19 đang có những tác động tiêu cực đến hành vi và thói quen của người dùng với loại hình mua sắm trực tiếp. Dĩ nhiên, ngành hàng công nghệ không phải một ngoại lệ. Dù vậy, nhiều chuỗi bán lẻ các thiết bị di động ở Việt Nam vẫn tiếp tục mở rộng trong năm 2020. Điều này phần nào đó đi ngược lại với xu hướng chung trên thế giới.
Hàng loạt chuỗi bán lẻ di động mở rộng
Trong ba năm tính tới thời điểm năm 2019, chuỗi Thế Giới Di Động luôn giảm dần quy mô qua các năm. Cụ thể, nếu như ở thời điểm cuối năm 2017, chuỗi này có 1.072 cửa hàng thì đến năm 2018 con số chỉ còn là 1.032. Cuối năm 2019, theo báo cáo hoạt động kinh doanh, Thế Giới Di Động có 996 cửa hàng. Dù vậy, tính đến thời điểm cuối tháng 3 năm 2020, chuỗi Thế Giới Di Động (cộng thêm một số ít cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ) bật tăng lên con số 1.009.
Mặc dù số lượng cửa hàng tăng lên không nhiều song điều này vẫn thể hiện một sự nỗ lực của thị trường bán lẻ tại Việt Nam trong bối cảnh COVID-19 bắt đầu bùng phát. Thực tế, trong những tháng vừa qua, có thời điểm Thế Giới Di Động nói riêng và các chuỗi bán lẻ hàng hoá, dịch vụ không thiết yếu khác nói chung đã phải đóng cửa trong nhiều tuần trong lúc Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.
Tương tự Thế Giới Di Động, kết thúc quý III năm 2019, tổng số lượng cửa hàng FPT Shop là 584. Tuy nhiên, đến hết Quý I năm 2020, FPT Shop cũng đón nhận số lượng cửa hàng tăng lên 603 bất chấp những tác động từ dịch bệnh.
Khi các ông lớn bán lẻ nghĩ khác đi
Phong Vũ, một chuỗi bán lẻ các thiết bị công nghệ của Việt Nam với quy mô nhỏ hơn Thế Giới Di Động và FPT Shop khá nhiều, mới đây cũng mở cửa showroom mới của mình tại quận Tân Bình, TP. HCM. Điều đáng nói là trong bối cảnh COVID-19 bùng phát, các chuỗi công nghệ cũng đang nghĩ khác đi để mang đến trải nghiệm mới cho người dùng trong lúc nhiều người “thắt lưng buộc bụng” vì dịch bệnh và có thể chưa tính đến chuyện mua sắm các thiết bị công nghệ mới.
Showroom mới của Phong Vũ là nơi công ty này giới thiệu nhiều sản phẩm công nghệ mới và hiện đại như máy in 3D, kính thực tế ảo, laptop, màn hình, linh kiện máy tính, và đặc biệt là các sản phẩm Gaming đến từ các hãng hàng đầu thế giới… Điểm khác biệt của showroom này đến từ việc nó không chỉ giới thiệu các sản phẩm đại trà, quen thuộc mà còn là nơi người dùng có cơ hội tận hưởng những công nghệ còn chưa kịp phổ biến tại Việt Nam. Dĩ nhiên, nó cũng có chức năng bán lẻ đơn thuần.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ cho thấy các chuỗi bán lẻ công nghệ tại Việt Nam đang “căng mình” sáng tạo để vượt khó.
Trước đó, mặc dù phải đóng cửa do lệnh giãn cách xã hội ở Việt Nam, các nhà bán lẻ tại Việt Nam cũng đẩy mạnh quảng bá dịch vụ mua hàng trực tuyến.
Nắm bắt được tâm lí người dùng khi mua các thiết bị công nghệ là cần phải được trải nghiệm trước đó, hồi tháng 3, một chuỗi phân phối các sản phẩm công nghệ lớn hiện tại đang đẩy mạnh hoạt động bán hàng trực tuyến với nhiều hỗ trợ cho khách hàng, ví dụ như mang nhiều mẫu mã đến để người dùng lựa chọn, không mua không sao hoặc mang cả máy cà thẻ tới nếu người dùng muốn thanh toán không tiền mặt. Đáng chú ý, chuỗi này cũng nhấn mạnh người giao hàng sẽ luôn đeo khẩu trang để đảm bảo vệ sinh.
Bên cạnh đó, các chuỗi phân phối lớn còn áp dụng nhiều hình thức giảm giá cho người dùng khi mua trực tuyến để kích cầu trong giai đoạn khó khăn này.
Tạm kết
Hoà chung với sự khó khăn đang bao trùm hoạt động bán lẻ trên toàn thế giới, các nhà bán lẻ công nghệ tại Việt Nam chắc chắn cũng sẽ gặp khó khăn ít nhiều trong khi chờ đợi COVID-19 được xử lí và cuộc sống của người dân bình thường trở lại. Dù vậy, những ví dụ nói trên vẫn nhen nhóm cho thấy những đổi thay tích cực mà các hãng bán lẻ đang thực hiện trong giai đoạn bình thường mới.