Công Nghệ

Người dùng VN dần chán smartphone xách tay, chuộng hàng chính hãng

Vũ Tuấn Anh
Chia sẻ

Sự thay đổi trong thị hiếu người dùng được thể hiện rõ nét nhất thông qua phân khúc điện thoại cao cấp.

Ở Việt Nam, phân khúc điện thoại cao cấp luôn được nhiều người quan tâm và thực tế cũng xuất hiện trên mặt báo nhiều nhất. Tuy nhiên, xu hướng thực tế trên thị trường lại diễn ra theo chiều hướng ngược lại: phân khúc smartphone lại kém sôi động nhất, đặc biệt là phân khúc smartphone cao cấp chính hãng. Theo đó, tại Việt Nam, điện thoại giá thấp và tầm trung mới là những chiếc điện thoại được nhiều người quan tâm nhất. Theo một thống kê trong quý I năm nay, cứ 10 chiếc smartphone được bán ra ở Việt Nam thì có tới gần 1/4 nằm ở phân khúc giá từ 3 đến 4 triệu đồng.

Smartphone tầm trung và giá thấp là phân khúc sôi động nhất ở Việt Nam. Ảnh: The Verge

Điều này không đồng nghĩa với việc người dùng Việt Nam không dùng điện thoại cao cấp. Những thống kê của các công ty nghiên cứu thường chỉ tính đến thị trường phân phối chính hãng, chúng bỏ qua một mảng thị trường phân phối thứ cấp (thông qua các kênh như xách tay hay điện thoại đã qua sử dụng) mà người dùng Việt Nam thường hay tận dụng. Nhắc đến mảng này, iPhone là một trong những ví dụ dễ thấy nhất.

Thị trường "không chính ngạch" iPhone ở Việt Nam luôn rất sôi động. Ảnh: The Verge

Thực tế, trong vài năm trở lại đây, thị trường iPhone “không chính hãng” rất được quan tâm tại Việt Nam bởi sự đa dạng về sản phẩm và mức giá. Người dùng theo đó không cần phải bỏ ra quá nhiều tiền để có thể sở hữu một chiếc điện thoại của Apple. Tuy nhiên, dĩ nhiên, điều này đi kèm với những đánh đổi về chất lượng máy có thể không được đảm bảo hay chế độ hậu mãi, bảo hành không tốt bằng hàng chính hãng. Ở Việt Nam, đa phần những chiếc điện thoại xách tay đều được đưa về Việt Nam thông qua một “trạm trung chuyển” là Trung Quốc, theo chia sẻ một anh Minh, chủ một cửa hàng bán lẻ các thiết bị di động trên phố Thái Hà.

(Ảnh: The Verge)

Dù vậy, anh Minh nhận định xu hướng tiêu dùng của người yêu công nghệ Việt Nam đang có những thay đổi nhất định. Trong khoảng  1 – 2 năm trở lại đây, dù các thiết bị xách tay vẫn duy trì được sức hút, nhiều người bắt đầu tìm đến thị trường chính hãng khi mua những chiếc điện thoại cao cấp. “Khi bỏ ra số tiền lớn để mua điện thoại, mình muốn mua luôn sự yên tâm,” chị Tâm (22 tuổi, Hà Nội), nói. “Đây là điều phân khúc xách tay khó đáp ứng được như ở phân khúc điện thoại chính hãng,” chị Tâm nói và chi biết vừa chọn mua một chiếc iPhone 11.

OnePlus là một trong những cái tên mới xuất hiện ở phân khúc điện thoại cao cấp tại Việt Nam trong những tháng cuối năm. Ảnh: Internet

Apple không phải ví dụ duy nhất cho xu hướng này. OnePlus mới đây cũng đã chính thức quay trở lại Việt Nam và kì vọng sẽ mang đến một luồng gió mới cho phân khúc smartphone cao cấp trong những tháng cuối năm 2020. Lần này, OnePlus ra mắt bộ đôi OnePlus Nord 5G và OnePlus 8 Pro 5G với giá lần lượt 13,99 triệu đồng và 23,99 triệu đồng. Ngay sau sự kiện ra mắt, theo thống kê, OnePlus 8 Pro 5G đã bán được 200 máy trong 7 phút còn thành tích của OnePlus Nord 5G là 600 máy trong vòng chưa đến nửa tiếng.

Điểm thú vị là mặc dù chưa có mặt chính thức ở Việt Nam trước đó, OnePlus vẫn “âm thầm” hiện diện trong nước ở phân khúc điện thoại xách tay với cộng đồng người dùng khá lớn. Điều này đồng nghĩa với việc mặc dù có sự lựa chọn ở thị trường không chính ngạch, nhiều người dùng đã bắt đầu quan tâm hơn đến thị trường chính hãng để đổi lại các chính sách hậu mẫu tốt hơn và các chính sách bảo hành, chăm sóc khách hàng tốt hơn.

OnePlus Nord 5G có giá thành ở phân khúc tầm trung, cận cao cấp. Ảnh: CNET

Phân khúc smartphone cao cấp vẫn được xem là một cuộc chơi “khó nhằn” ở Việt Nam bởi khi phải trả tiền cao hơn, người dùng đồng nghĩa cũng sẽ yêu cầu cao hơn. Các nhà sản xuất theo đó phải nỗ lực nhiều hơn để chiều lòng khách hàng của mình. 

Chia sẻ

Bài viết

Vũ Tuấn Anh

Tin mới nhất