Túi khí là một trong những hệ thống an toàn được trang bị trong ô tô, nó giúp hạn chế chấn thương cho người ngồi trong xe khi có xảy ra va chạm. Tuy nhiên, bạn nên hiểu rõ cơ chế hoạt động của hệ thống an toàn này nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
Túi khí trên ôtô được tạo ra để giảm thiểu và hạn chế những chấn thương nghiêm trọng khi có va chạm xảy ra. Vào những năm 50 túi khí đã được hình thành và phát triển, tuy nhiên phải đến năm 1971 thì túi khí mới được sử dụng chính thức.
Túi khí gồm 3 bộ phận chính, gồm: Túi chứa khí, hệ thống tạo khí và bộ cảm biến va chạm. Trong đó, bộ phận túi chứa khí được tạo thành từ chất liệu vải co giãn có khả năng thu gọn lại trong các vị trí cần thiết trên xe và dễ dàng bung ra khi xe có va chạm. Thông thường, những vị trí đặt túi khí trên được ký hiệu là SRS (Supplemental Restraint System: Hệ thống túi khí).
Khi xảy ra va chạm, bộ điều khiển túi khí ACU (Airbag Control Unit) của xe sẽ kích hoạt một loạt các cảm biến, gồm: cảm biến gia tốc, cảm biến va chạm, cảm biết áp suất sườn, cảm biến áp suất phanh, con quay hồi chuyển và cảm biến trên ghế, nhằm nhận biết mức độ ảnh hưởng có hợp lý để kích hoạt việc bơm phồng các túi khí.
Tiếp theo, ngòi nổ sản sinh dòng điện có cường độ từ 1A đến 3A (Ampe) sẽ được kích hoạt trong khoảng thời gian dưới 2 mili giây để đốt chất mồi lửa và hạt tạo khí, nhằm tạo ra lượng khí lớn trong thời gian ngắn nhất. Cuối cùng, túi khí được bơm căng sẽ bung ra khỏi vô lăng hay các vị trí lắp đặt khác với vận tốc 320 km/h. Giai đoạn này diễn ra trong khoảng thời gian 0,04 giây, nhanh hơn gấp 5 lần tốc độ chớp mắt trung bình của con người.
Sau đó, lượng khí trong túi sẽ từ từ thoát ra theo nhiều lỗ nhỏ để bạn không bị mắc kẹt trong xe nếu gặp trường hợp cháy nổ. Quá trình này cũng diễn ra hầu như ngay lập tức sau khi quá trình bơm phồng hoàn thành, thời gian này mất khoảng 5 giây.
Hiện nay, trên các mẫu ô tô hiện đại, hệ thống túi khí được trang bị hầu hết ở các vị trí ghế ngồi để có thể bảo vệ an toàn cho người lái trong trường hợp xảy ra va chạm. Khi khởi động xe, tài xế nên chú ý đến đèn báo túi khí có phát sáng hay không, nếu có đèn báo sẽ tự tắt sau khoảng 6 giây kể từ lúc khởi động xe. Nếu đèn báo hiệu không sáng, hoặc sáng liên tục suốt quá trình lái thì túi khí hoặc hệ thống báo đang gặp sự cố, người lái cần kiểm tra ngay lập tức.
Tuy nhiên, người lái cần nên lưu ý tránh để trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ có thai ngồi ở ghế trước bởi vì khi gặp sự cố, túi khí sẽ được bung ra với tốc độ nhanh, lực bung mạnh, do đó có thể gây phản tác dụng. Bên cạnh đó, người lái cũng tránh di chuyển ghế quá gần đến vị trí đặt túi khí. Không gác chân, đặt đồ lên khoảng không gian mà túi khí có thể bung ra. Khoảng cách an toàn tối thiểu giữa người và túi khí là 25cm