Theo nguồn tin đáng tin cậy của trang công nghệ TechCrunch, Apple đang cân nhắc chọn thủ đô Jakarta của Indonesia và Việt Nam làm điểm đến tiếp theo để đặt cửa hàng.
Theo nhiều chuyên gia, chiến lược trải đều cửa hàng của Apple tại Đông Nam Á có liên quan mật thiết với lý do lôi kéo người dùng đến với hàng chính hãng về lâu về dài. Bên cạnh đó, khu vực Đông Nam Á vốn là một thị trường năng động với 650 triệu người tiêu dùng, số lượng người sử dụng Internet còn lớn hơn cả dân số nước Mỹ.
Riêng tại Việt Nam, đây là một thị trường khá tiềm năng, bởi nguồn cung lượng iPhone chính hãng trên thị trường hiện mới chiếm 60%, 40% còn lại là các sản phẩm xách tay. Trong khi đó, doanh số các sản phẩm của Apple tại Việt Nam (gồm iPhone, iPad, MacBook, Apple Watch) đạt khoảng 1 tỷ USD, trong đó 70% (tương đương 700 triệu USD) thuộc về iPhone.
Còn theo đánh giá của GfK, quy mô thị trường smartphone Việt Nam hiện khoảng 3 tỷ USD. Trong đó, quy mô thị trường các sản phẩm Apple hiện ở mức 900 triệu USD. Vài năm gần đây, sức hút của thương hiệu Apple có giảm đi. Tuy nhiên, độ lớn thị trường vẫn còn rất khủng khiếp.
Với các thiết bị mới chỉ chiếm một phần nhỏ ở thị trường khu vực do giá cao và thiếu các cửa hàng chính thức, không có gì là ngạc nhiên khi Apple muốn đẩy mạnh sự hiện diện ở khu vực này, trong đó có Việt Nam.
Quy định khắt khe của Apple khi mở cửa hàng Apple Store
Theo giới chuyên môn, Apple Store có được thành công như hiện nay chủ yếu nhờ sở hữu 5 yếu tố tạo nên sự khác biệt, gồm: tính thẩm mỹ của cửa hàng; thái độ phục vụ niềm nở của nhân viên; khâu tư vấn và đưa ra lời khuyên nhiệt tình; hỗ trợ khách hàng tốt và tạo ra được cảm hứng cho khách hàng.
Chẳng nói đâu xa, theo chia sẻ của một nhân viên thuộc Authorised Premium Reseller (APR - Đại lý cấp 1) của Apple tại Việt Nam, tiêu chuẩn mở Apple Store của Apple vô cùng khắt khe.
Đầu tiên là chọn nơi toạ lạc: Apple thường tìm những nơi có mật độ giao thông qua lại đông, bao gồm số lượng lớn khách hàng mục tiêu của mình về tuổi tác, về mức độ chịu chi cho những sản phẩm của Apple.
Tiêu chí thứ 2 là các cửa hàng xung quanh, nơi Apple chọn đặt Apple Store, đều phải là những thương hiệu cao cấp, nhưng không quá xa xỉ để nhiều người tiêu dùng vẫn có thể sở hữu được. Đặc biệt, không đặt cạnh các thương hiệu nhạy cảm, rẻ tiền là một trong những yêu cầu bắt buộc của Apple tại Việt Nam: “Apple yêu cầu Apple Store phải đặt cạnh những thương hiệu tương xứng như Nike, Adidas. Tuyệt đối, không nằm cạnh các cửa hàng đồ ăn nhanh, đồ lót”.
Về không gian bên trong: Apple đòi hỏi không gian bên trong Apple Store chính hãng phải có sự đối xứng về vị trí địa lý (một hình chữ nhật với góc 90 độ hoàn hảo từ điểm nhìn bắt đầu tiêu chuẩn). Bên trong cửa hàng hạn chế ít nhất có thể các chi tiết xây dựng làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của khách hàng như cột trụ. Bên cạnh đó, trong cửa hàng trưng bày sản phẩm đúng theo yêu cầu của Apple phải bao gồm cả ghế ngồi.
Theo nhân viên kể trên chia sẻ, Apple luôn quản lí chặt chẽ cửa hàng dù chỉ là chi tiết nhỏ nhặt như: băng rôn khẩu hiểu, bảng biểu quảng cáo, cách bài trí cửa hàng cho đến trình độ nhân viên. Trong đó, yêu cầu đối với nhân viên cấp thông thường thường không quá khắt khe.
Thực tế, trước đây thị trường Việt Nam từng được Apple phát triển theo hình mẫu Thái Lan. Đặc điểm của mô hình này là việc mở cửa hàng trong các shopping mall. Trên thực tế, điều này không phù hợp với văn hóa mua sắm tại Việt Nam. Đây là lý do khiến Apple chuyển các cửa hàng brand shop của mình ra mặt đường thay vì chỉ chiếm một góc của các trung tâm thương mại và trong tương lai, việc Apple mở cửa hàng chính hãng tại Việt Nam có lẽ không còn quá xa vời.