Các bậc phụ huynh thường đăng những bức ảnh, video về con cái của họ với vẻ tự hào. Mục đích thì có rất nhiều nhưng chủ yếu nhằm kết nối và chia sẻ với người thân. Ngoài ra, đây còn là cách để các bà mẹ có thể cảm thấy bớt cô đơn khi nuôi con và nhận được những lời khuyên hữu ích từ bạn bè trên mạng xã hội.
Nhưng chia sẻ bao nhiêu là đủ và có giới hạn nào cho việc chia sẻ ảnh con trẻ lên mạng xã hội hay không? Bài viết này sẽ chỉ ra 5 vấn đề đáng bàn nếu chúng ta cứ mải mê khoe ảnh con cái trên mạng xã hội.
Đăng ảnh con trẻ lên mạng xã hội có thể xâm phạm quyền riêng tư của con bạn
Mặc dù trẻ nhỏ không thể đưa ra bất kỳ suy nghĩ hoặc chính kiến nào của mình về những bức ảnh mà cha mẹ chúng đưa lên mạng xã hội. Tuy nhiên điều đó sẽ trở thành vấn đề với những đứa trẻ khi chúng lớn lên. Theo Common Sense Media, khi lên 5 tuổi, trẻ bắt đầu phát triển ý thức về bản thân và cá nhân, đồng thời chú ý hơn tới cách thế giới nhìn nhận về chúng.
Sự riêng tư lúc này trở nên quan trọng hơn rất nhiều. Chúng có thể bắt đầu cảm thấy xấu hổ khi bố mẹ đăng ảnh của chúng lên mạng xã hội mà không hỏi trước ý kiến, đặc biệt là các bức ảnh nhạy cảm chụp hồi còn bé.
Việc các bậc phụ huynh vô tư đăng tải ảnh của trẻ có thể khiến chúng cảm thấy bản thân bất lực, không có giá trị khi bị người thân chia sẻ mà chúng không có quyền lên tiếng.
Những bài đăng về trẻ nhỏ trên Facebook sẽ trở thành cơ sở cho nạn bắt nạt
Rất ít người quan tâm đến cách mọi người phản ứng với ảnh con cái họ trên Facebook hoặc các mạng xã hội khác. Điều đó quả thật là tai hại khi nhiều người có thể sử dụng những bức ảnh chụp con cái họ hồi bé để bêu giếu, xúc phạm thậm chí bắt nạt con bạn khi chúng lớn lên.
Rõ ràng với một bức ảnh chụp con bạn hồi bé nếu bị chia sẻ và phát tán quá rộng, nó sẽ tạo tiền để cho những kẻ xấu lợi dụng và coi đó như một trò đùa để trêu chọc con bạn trên trường hoặc ngoài đời.
Nó không chỉ dừng lại ở những người quen biết mà nguy hiểm hơn chính là những người ẩn danh trên mạng Internet. Họ sẽ lợi dụng thông tin và hình ảnh họ có được để đe dọa hay bắt nạt con bạn trên mạng xã hội.
Những bức ảnh chụp con trẻ sẽ ảnh hưởng xấu đến tương lai của chúng
Một bức hình chụp biểu cảm xấu hoặc trông tai hại của con trẻ nếu bị chia sẻ sau khi chúng lớn lên và có được địa vị cao trong xã hội, đó sẽ là một thảm họa.
Bạn có thể đăng hình ảnh con cái lên mạng xã hội và xóa hình ảnh đó đi bất cứ lúc nào. Nhưng đâu ai biết có những người xấu sẵn sàng chụp lại hình ảnh đó và hủy hoại danh tiếng của con bạn khi chúng lớn lên thì sao? Thật khó để các bậc phụ huynh có thể ngăn chặn những kẻ xấu không sử dụng ảnh con họ cho những mục đích không tốt.
Đó là chưa kể còn có trường hợp các nhà tuyển dụng sẽ xem các bức ảnh thời bé của các ứng viên để phát hiện các khiếm khuyết của họ và nhiều vấn đề khác. Như vậy rõ ràng việc khoe khoang con cái một cách quá tự nhiên trên mạng xã hội chẳng hề tốt chút nào.
Chia sẻ ảnh con cái trên mạng xã hội chẳng khác nào dẫn đường cho những kẻ bắt cóc trong thời đại số
Có thể bạn chưa nghe đến khái niệm bắt cóc trong thời đại số nhưng đó là một loại trộm cắp danh tính rất nguy hiểm. Tình trạng này xảy ra khi một ai đó chụp ảnh hoặc lấy ảnh con của bạn trên mạng xã hội và sau đó lợi dụng hình ảnh đó phục vụ cho các mục đích xấu.
Con của bạn có thể sẽ bị gán cho một cái tên mới và có những người bố mẹ mạo danh khác. Có rất nhiều trường hợp bắt cóc kiểu như này đã xảy xa. Đơn cử như vào năm 2015, một người lạ đã chụp ảnh một cậu bé 18 tháng tuổi từ trang Facebook của một bà mẹ kiêm blogger và tự ý đăng lên trang Facebook cá nhân và ghi đây là con trai của người này.
Những bức ảnh của con bạn có thể bị “bắt cóc” và dùng cho nhiều mục đích xấu. Bạn có thể lên Facebook và gõ một số hashtag #BabyRP, #AdoptionRP và #KidRP. Bạn sẽ thấy có rất nhiều các bức ảnh trẻ con trên mạng xã hội bị đánh cắp và đăng lại với một nội dung khác.
Những kẻ chuyên ăn cắp hình ảnh trẻ con sẽ tạo một tài khoản giả mạo và liên tục đăng những bức hình của chúng để câu like và thu hút sự chú ý. Thậm chí, người xấu còn thay đổi các thông tin liên quan đến trẻ hay nói cách khác là biến đổi danh tính của trẻ mà các bậc cha mẹ không hề hay biết.
Đôi khi người mạo danh hình ảnh những đứa trẻ còn trả lời các bình luận dựa theo quan điểm và cách nói chuyện ngây ngô của chúng. Những bình luận này chắc chắn gây nguy hiểm cho đứa trẻ bị mạo danh bất kể những bức hình đó có thể không mang ý đồ xấu. Đôi khi các tài khoản mạo danh trẻ em thường là những người muốn làm cha mẹ hoặc muốn hồi tưởng lại ký ức ngày xưa.
Mặc dù vậy, đây là một ví dụ khác cho thấy sự lỏng lẻo của mạng xã hội và việc chúng ta dễ dàng mất quyền kiểm soát đối với danh tính của chính con cái mình nếu cứ mải mê đăng ảnh chúng lên mạng xã hội.
Bài đăng chia sẻ ảnh con cái trên mạng xã hội sẽ thu hút những kẻ nguy hiểm
Hình ảnh và video của trẻ em khi được chia sẻ lên mạng sẽ dễ bị các đối tượng xấu sử dụng cho mục đích xấu và tiềm ẩn nguy cơ bị bắt cóc. Một trường hợp gần đây đã xảy ra khi một bà mẹ ở Columbia cố gắng truy tìm danh tính môt người lạ đã chia sẻ ảnh con gái mình.
Sau đó bà phát hiện đó là một người đàn ông Trung Quốc. Người này thậm chí còn thu thập ảnh của rất nhiều bé gái khác và dùng chúng cho mục đích đồi bại.
Theo Australian Children's eSafety Commissioner, một trang web cung cấp tới 45 triệu bức ảnh cho biết, có tới một nửa trong số 45 triệu bức ảnh chụp trẻ em được đăng tải trên mạng xã hội. Đó là bức ảnh chụp hoạt động thường ngày của gia đình nhưng đáng tiếc luôn kèm theo các bình luận không phù hợp.
Một bài đăng con trẻ trên mạng xã hội, thậm chí còn bật định vị nơi trẻ đang học, đang chơi sẽ trở thành món mồi béo bở cho những kẻ xấu có mưu đồ bắt cóc hoặc dâm ô trẻ con.
Phải làm gì để chia sẻ ảnh con trẻ trên mạng xã hội đúng cách?
Theo chuyên gia về quyền trẻ em tại Đức, bà Sophie Pohle cho biết, trẻ em là một phần của xã hội nên chúng có quyền xuất hiện trên mạng xã hội. Tuy nhiên mỗi bậc phụ huynh cần tự vấn lại bản thân để biết nên đăng ảnh con cái khi nào. Vấn đề không nằm ở việc nên hoặc không nên đăng ảnh trẻ con mà nằm ở cách chúng ta thực hiện nó sao cho đúng.
Rõ ràng trước khi chia sẻ lên mạng xã hội, hãy luôn hỏi xem chúng có cảm thấy bất tiện hoặc xấu hổ nếu ảnh của mình được chia sẻ hay không. Nếu quyết định chia sẻ, hãy ghi nhớ một số điều trước khi đăng bài. Đầu tiên là quyền riêng tư. Hãy chọn chế độ bài đăng trong phạm vi danh sách bạn bè, hoặc bạn có thể chọn đăng bài và loại trừ không hiển thị bài đăng với một số người mà bạn không tin tưởng.
Tiếp đó hãy chọn những bức ảnh không có nội dung nhạy cảm và ảnh hưởng tới thanh danh của con trẻ sau này. Chú ý chèn thêm watermark vào những vị trí khó bị xóa trên bức ảnh. Cách này sẽ giúp những người muốn lấy ảnh của bạn để đăng lại cũng dễ nản lòng hơn.
Cuối cùng nhớ đề nghị bạn bè và người thân hạn chế đăng ảnh hoặc video của con bạn lên mạng xã hội khi chưa được phép. Ngoài ra tuyệt đối không nên bật chế độ định vị bức ảnh để tránh để lộ nơi chụp ảnh và mở đường cho kẻ xấu dễ dàng tiếp cận.
Hơn hết, hãy học cách hỏi và lắng nghe con cái để biết không phải thứ gì thuộc về con trẻ cũng nên đem ra để khoe và chia sẻ với mọi người. Hãy luôn giữ gìn giá trị cho trẻ ngay cả khi chúng chưa nhận thức được các mối đe dọa trên thế giới này.