Sáng nay 23 tháng Chạp, ngày tiễn ông Công ông Táo về trời, tại cầu Long Biên (Hà Nội) nhiều bạn trẻ tình nguyện đã có mặt ở phía trên cầu nhằm dọn dẹp vệ sinh, hướng dẫn người dân “thả cá, không thả túi nilon”.
Theo nhiều tình nguyện viên, sáng sớm nay số lượng người thả cá giảm so với mọi năm bởi người dân tranh thủ ngảy chủ nhật (22 tháng Chạp) đã làm lễ tiễn ông Công, ông Táo trước.
Tuy số lượng thả cá ở cầu Long Biên ít, nhưng số người mang tro cốt, bát hương, ban thờ ra khu vực này để thả lại khá nhiều. Chỉ trong vòng 1 tiếng, các tình nguyện viên đã thu dọn nhiều đống rác lớn, kèm theo đó là cả bát hương và ban thờ.
Mặc dù đã tuyên truyền nhưng không ít người vẫn vô ý thức thả tro, bát hương xuống sông khiến khói bay mù mịt, ảnh hưởng đến người đi đường. Tại khu vực hồ Hoàng Cũng tình trạng tương tự, tại hồ Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) rác chất thành đống. Chân hương, đèn thờ, tro hóa vàng nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Trên bờ rất nhiều túi nilion được thải vương vãi khắp nơi, cho dù ngay gần đó có xe rác đã được bố trí sẵn.
Tại khu vực hồ Tây, năm nào cũng vậy cứ đến dịp này nhà sư Thích Tịnh Giác, ở chùa Phúc Sơn (thôn Kim Sơn, xã Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội) giúp nhiều người ý thức việc bảo vệ môi trường.
Theo thầy Thích Tịnh Giác, phong tục thả cá ngày tết ông Táo lên trời là điều tốt đẹp, vì thả cá là phóng sinh, thể hiện tinh thần yêu chuộng sự sống. Nhưng thả cá cần phải đi đôi với ý thức bảo vệ môi trường, không xả túi nilon thì mới viên mãn.
Năm nay, thầy kêu gọi mọi người hãy dùng xô, chậu để thả cá, thay vì dùng túi nilon để góp phần bảo vệ môi trường sông hồ Hà Nội sạch đẹp. Vừa nhặt rác, sư còn tranh thủ giảng giải có người dân hiểu về tục thả cá chép thế nào cho đúng.
Những lúc không có người dân đến thả thầy Thích Tịnh Giác lại tranh thủ rửa sạch từng bậc thang dẫn xuống hồ để tránh trơn trượt. Ngoài ra thầy cùng những tình nguyện viên giặt giũ thu từng túi nilon gấp gọn gàng lại. Thầy bảo những túi nilon này vẫn sử dụng lại được. Thầy sau đó sẽ phân phát cho những người dân bán rau hoặc dùng để đựng các đồ vật.
Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa.
Ngoài ý nghĩa là “cá hóa long”, nghĩa là cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời, phong tục thả cá chép còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam.
Trong tâm thức người Việt, “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.