Toàn cảnh thảm họa động đất, sóng thần ở Indonesia. Nguồn: Vnexpess.
AFP dẫn lời phát ngôn viên Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNBP) thông báo số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa kép động đất, sóng thần ở tỉnh Sulawesi là 1.234 người chết.
Trận động đất 7,5 độ hôm 28/9 gây ra sóng thần cao tới 6 mét tại một số khu vực tại Sulawesi, cuốn trôi nhiều nhà cửa, công trình, gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Lực lượng cứu hộ tới nay vẫn chưa tiếp cận được một số khu vực bị ảnh hưởng, vì thế con số thương vong có thể còn tăng.
Theo AFP, các nhà khoa học cho biết, sức tàn phá của trận sóng thần cao 6 m tràn vào thành phố Palu, tỉnh Trung Sulawesi hồi tuần trước đã vượt qua cả trận động đất sinh ra nó.
Các chuyên gia bày tỏ sự bất ngờ trước độ mạnh của sóng thần bởi họ cho rằng trận động đất xuất hiện trước đó khó có thể kéo theo những cơn sóng mang sức mạnh hủy diệt như vậy.
Baptiste Gombert, một chuyên gia về khoa học kiến tạo tại Đại học Oxford nhận định: “Trong đa số trường hợp, sóng thần được kích hoạt bởi động đất mạnh tạo ra sự dịch chuyển theo chiều dọc của các mảng kiến tạo dưới đáy biển”.
“Tuy nhiên, sóng thần ở Palu được tạo ra bởi chuyển động trượt, nơi các mảng kiến tạo va chạm nhau theo chiều ngang. “Việc trượt qua nhau theo chiều ngang thường không gây sóng thần vì chúng không nâng cao đáy biển quá nhiều”, ông Gombert nói.
Các nhà khoa học cho rằng, yếu tố địa lý của Palu đã “hợp lực” cùng trận động đất, tạo ra những con sóng “quái vật”.
Cùng với đó, vị trí của thành phố Palu nằm ở cuối một vịnh dài và hẹp đã ảnh hưởng đến cường độ của sóng thần. Anne Socquet, một chuyên gia về động đất tại Viện Khoa học Trái Đất ở Grenoble, Pháp nhận định: “Hình dạng của vịnh Palu chắc chắn ảnh hưởng lớn đến việc khuếch đại độ cao của sóng thần. Vịnh đóng vai trò như một cái phễu, nơi sóng thần đổ dồn vào”.
Khi vịnh hẹp lại và trở nên cạn nước hơn, nước sẽ bị đẩy lên từ phía dưới và nén vào từ các bên cùng lúc.
Yếu tố thứ hai là độ lớn và vị trí của trận động đất. Theo Gombert, trận động đất tấn công Palu xảy ra gần bờ, đồng nghĩa với việc gây ra dịch chuyển đáy biển lớn hơn. Sau động đất, sóng thần phát sinh quá nhanh và quá gần Palu khiến người dân không có khả năng chống đỡ kịp.
Các chuyên gia cũng cho rằng động đất có thể đã gây ra một vụ sạt lở dưới đáy biển. “Động đất có thể đã gây ra một vụ sạt lở gần cửa vịnh hoặc thậm chí trong vịnh”- đây là nhận định của ông Jane Cunneen, một chuyên gia tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Curtin ở Bentley, Tây Australia.