Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Đặng Văn Lâm - 20 năm cho một kỳ tích 'AFF Cup': Câu chuyện truyền cảm hứng đến người trẻ đang trên đường chinh phục ước mơ

Câu chuyện về hành trình vươn tới thành công của thủ thành Đặng Văn Lâm xứng đáng viết lên cuốn tiểu thuyết. Và tôi tin chắc rằng: nó sẽ khiến bạn bật khóc ngay từ những trang đầu tiên.

Có đôi lúc, tôi thường nhớ đến câu chuyện mà giáo viên dạy Ngữ văn của mình từng kể lại, rằng tuổi trẻ ai mà không có nhiều đam mê, hoài bão. Ước mơ không bao giờ bị ai đánh thuế nên chính cô giáo tôi cũng đã từng mơ ước rất nhiều. Chí ít thì khi còn là nữ sinh ĐH Sư phạm Hà Nội, cô chưa từng nghĩ trong tương lai sẽ dừng chân ở vị trí giáo viên tại một ngôi trường vô danh nơi miền quê nghèo, quanh năm người dân chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để cày cuốc kiếm sống.

Văn Lâm tháo găng tay, ôm khung thành bật khóc khi Việt Nam lên ngôi vô địch AFF Cup 2018.

Nhưng rồi cuộc sống là như thế, không phải ai cũng có đủ nghị lực để theo đến tận cùng niềm đam mê tuổi trẻ. Những rào cản về gia thế, hoàn cảnh xã hội, thiên thời địa lợi… đôi khi đã quay lưng, không ủng hộ chúng ta đi trên con đường mình đã chọn. Trong số những người theo đuổi hành trình chinh phục ước mơ, rất nhiều người đã mệt mỏi và chấp nhận bỏ cuộc. Nhưng cũng không ít người dũng cảm đánh đổi máu, nước mắt và mồ hôi để vươn tới đỉnh cao vinh quang.

Hành trình để chinh phục giấc mơ đã được nhiều người kể lại. Chúng ta có thể tiếp thêm năng lượng từ những tấm gương như Jack Ma, Nick Vujicic, Steve Job… những tỷ phú, diễn giả hàng đầu thế giới… Nhưng kể từ sau mùa giải AFF Cup, hơn 90 triệu người dân Việt Nam sẽ có thêm một câu chuyện tràn đầy năng lượng tích cực khác, đó là hành trình vươn tới ước mơ của thủ thành Đặng Văn Lâm.

“Hôm nay khó khăn, ngày mai còn khó khăn hơn nữa nhưng ngày kia, kia nữa sẽ là ngày tuyệt vời!”

Đó là một trong những câu nói hay để đời của tỷ phú Jack Ma và rất đúng để nói về trường hợp của Đặng Văn Lâm. Chỉ có điều, hành trình để bước qua chuỗi ngày khó khăn của Lâm không phải tính bằng ngày, bằng tháng mà là cả chục năm trời.

Sinh ra và lớn lên ở Nga trong 1 đại gia đình có truyền thống nghệ thuật, Lev Shonovich Dang trở nên khác biệt khi chỉ có niềm yêu thích vô bờ bến đối với trái bóng, đôi găng và khung thành. Ngay cả tên của chàng trai SN 1993 cũng được đặt theo tên một thủ môn từng là huyền thoại của bóng đá nước Nga.

Thủ môn Đặng Văn Lâm.

Đặng Văn Lâm đã từng bị ghẻ lạnh trước khi làm nên thành công ở AFF Cup 2018.

Khao khát được sắm vai người gác đền đã khiến Đặng Văn Lâm từ khi còn rất trẻ đã đi theo con đường đào tạo bóng đá chuyên nghiệp ở 2 lò huấn luyện hàng đầu xứ Bạch Dương là Spartak Moskva và Dinamo Moskva. Trải qua gần 10 năm luyện rèn, từng thể hiện tốt ở Dynamo, nhưng đến ngày tốt nghiệp Học viện, Văn Lâm vẫn không đủ điều kiện để được ký hợp đồng chuyên nghiệp với đội một.

Bao nhiêu ước mơ với sự nghiệp quần đùi áo số, bao nhiêu vất vả gian nan luyện rèn suốt 10 năm tưởng như đã chấm dứt khi vẫn còn chưa thực sự bắt đầu. Ngay cả người thân, bạn bè cũng đã từng nghĩ có lẽ Văn Lâm sẽ phải chuyển hướng cuộc đời sang một ngã rẽ khác ngoài sân cỏ. Nhưng không, một tình yêu quá lớn với khung thành đã khiến anh kiên trì với con đường đã chọn.

Thất bại trong việc chinh phục các đội bóng ở Nga, Lâm quyết định trở về Việt Nam. CLB đầu tiên anh nhắm đến là HAGL. Nhưng rất tiếc, khởi đầu ở quê cha không hề thuận lợi nếu không muốn nói là chính quyết định sang Việt Nam đã bắt đầu 3 năm đầy rẫy những khủng hoảng trong cuộc đời Lev Shonovich Dang.

Đặng Văn Lâm từng bị hành hung, đe dọa.

Dòng status đầy thách thức của người đã hành hung Văn Lâm.

Ánh mắt thẫn thờ của Lâm khi bị loại khỏi ASIAD. Ảnh: Zing.vn

Những năm đầu ở HAGL, Đặng Văn Lâm không được trao nhiều cơ hội. Anh từng được CLB ký hợp đồng 5 năm và gọi lên U19 nhưng không để lại dấu ấn, thậm chí còn bị chê là “không biết bắt gôn”. Cuộc cạnh tranh khốc liệt suất bắt chính ở CLB hàng đầu Việt Nam lúc bấy giờ đã khiến Lâm bị đẩy sang thi đấu tại Lào cho Hoang Anh Attapeu.

1 năm tích lũy kinh nghiệm ở Lào là quãng thời gian khó khăn, u ám nhất trong cuộc đời Văn Lâm. Anh sống xa gia đình, bạn bè, bơ vơ nơi xứ lạ, sinh hoạt ở một nơi đến cả wifi cũng không có, trong đội chỉ có duy nhất một cầu thủ có thể nói tiếng Anh… Lâm gọi 1 năm đó là ký ức “đáng quên và đáng sợ. Điều kiện thi đấu ở Lào rất kém và tôi phải nỗ lực nhiều để vượt qua những rào cản. Tất cả là vì giấc mơ trở lại và khẳng định sự nghiệp ở quê nhà”.

Từ nơi xa xôi, Văn Lâm vẫn nuôi giấc mơ được khoác áo tuyển Quốc gia nhưng giấc mơ ấy có nguy cơ bị dập tắt khi năm 2014, bố Lâm muốn con trai về nước học kế toán bởi sau 3 năm sang Việt Nam lập nghiệp, ông vẫn chưa thấy con trai mình có thành tích nào nổi trội.

Tâm thư xin việc khẩn thiết của Văn Lâm.

Chấp nhận đầu hàng số phận, buông bỏ đôi găng, Văn Lâm gạt nước mắt tiến vào giảng đường. Thế nhưng chính 2 tháng rời xa sân cỏ, Văn Lâm tiếp tục rơi vào 1 cuộc khủng hoảng nặng nề khác. Hơn 10 năm miệt mài với giấc mơ gác đền, giờ đây cuộc đời Văn Lâm có thể sẽ mãi mãi đi theo 1 quỹ đạo không còn liên quan chút nào đến khung thành, chiếc quần đùi, áo số thân yêu. Không chấp nhận điều ấy, Văn Lâm quyết định trở về Việt Nam, như lời mẹ anh từng nói, “không ai tắm 2 lần trên 1 dòng sông” nhưng con trai bà thì đã có 2 lần lội ngược dòng.

Thời điểm U23 Việt Nam chuẩn bị đá SEA Games 2015, Văn Lâm một lòng muốn cống hiến cho ĐT Quốc gia. Anh đã từng viết tâm thư trên Facebook với hy vọng có mặt trong những trận đấu quan trọng ở mùa giải lớn tại Đông Nam Á nhưng rất tiếc, HLV Miura lúc đó đã thẳng thắn từ chối Văn Lâm.

Dù trải qua nhiều khó khăn nhưng Văn Lâm chưa khi nào muốn từ bỏ sự nghiệp bóng đá.

Ngay cả khi không được tham gia mùa giải ASIAD, thủ môn này vẫn đăng ảnh để cổ vũ đàn em.

Ở quê nhà, anh không ngừng tập luyện, cố gắng để chờ 1 ngày tỏa sáng.

Rất may, anh được Chủ tịch của CLB Hải Phòng mời về. Tại đây, Lâm có nhiều phần đất hơn nhưng những ngày tháng khó khăn vẫn chưa dừng lại. Sau 1 trận thua, trợ lý CLB Hải Phòng Lê Sỹ Mạnh đã đuổi đánh Văn Lâm khiến anh bị chấn thương. Cha mẹ Văn Lâm một lần nữa gọi anh quay lại Nga khi nhận thấy Hải Phòng là mảnh đất nguy hiểm.

Bỏ mặc tất cả, Văn Lâm tiếp tục ra sân luyện tập. Tình yêu bóng đá trong anh không hề giảm sút và Lâm tiếp tục đặt kỳ vọng được gọi lên tuyển. Dù ở V League 2018, Văn Lâm được công chúng khẳng định là thủ môn số 1 Việt Nam thì sau đó, anh vẫn trượt suất thi đấu ở mùa giải ASIAD khi cạnh tranh với thủ môn Bùi Tiến Dũng. HLV Park Hang Seo cho hay, cơ hội cho 3 người trên 23 đã nhường cho vị trí tiền đạo, tiền vệ… và Văn Lâm thậm chí còn không được đăng ký thi đấu.

“Mọi thứ đến với Lâm không hề dễ dàng”, Văn Lâm đã từng viết như thế trên trang cá nhân. Sau rất nhiều thất bại, Văn Lâm vẫn luôn kiên cường và hết mình tập luyện, thi đấu để hy vọng đến 1 ngày tỏa sáng trong tương lai. Và rồi cơ hội ấy cũng đến, AFF Cup chính là mùa giải đầu tiên Văn Lâm được khoác áo tuyển thi đấu từ đầu đến cuối. Ở đó, người hâm mộ cả nước đã thấy 1 người nhện đúng nghĩa. Và đúng như Jack Ma nói, sau ngày hôm nay, ngày mai, một ngày kia tuyệt vời của Văn Lâm cuối cùng cũng đã thật sự diễn ra.

Sau rất nhiều khó khăn, người hâm mộ cũng đã thấy 1 Văn Lâm tỏa sáng trên sân cỏ.

Những khoảnh khắc không thể nào quên trong cuộc đời Văn Lâm.

Khi người đàn ông khóc - Giọt nước mắt rơi đâu chỉ vì quá hạnh phúc

Đối với Văn Lâm, anh phải mất 20 năm cho hành trình tìm về nguồn cội, 16 năm để được gọi lên tuyển, 17 năm để được bắt đầu trận bắt đầu tiên trên tuyển và 17 năm 3 tháng để có được chiến thắng đầu tiên trong màu áo ấy.

Trước mùa giải AFF Cup, Văn Lâm mới chỉ có vỏn vẹn 3 lần thi đấu trong đội ngũ tuyển quốc gia. Đó có lẽ là con số quá ít ỏi sau hàng chục năm chờ đời. Rất nhiều lần hy vọng rồi thất vọng nhưng chưa khi nào, Văn Lâm bỏ cuộc. “Con đường tôi đi chưa bao giờ dễ dàng nhưng đó chính là động lực để tôi không ngừng nỗ lực và phấn đấu. Trong máu Lâm có “tinh thần người Việt Nam” và tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc!”, Văn Lâm từng “tuyên thề”.

Những giây phút thăng hoa của Văn Lâm trên sân cỏ.

Khoảnh khắc anh bay lượn trong khung thành.

Mùa giải AFF Cup vừa qua, theo nhận xét của nhiều người, Văn Lâm vẫn chưa có nhiều cơ hội thể hiện hết khả năng. Ở vòng bảng, anh khá nhàn rỗi và chỉ đến khi đội nhà vào đến bán kết, đôi tay dài cùng khả năng bay lượn của thủ môn này mới có dịp được phát huy. Trong trận Chung kết lượt về, Văn Lâm ít nhất có 3 lần cản bóng xuất sắc giúp bảo vệ tỷ số 1-0, góp phần làm nên kỳ tích 10 năm chờ đợi của hơn 90 triệu người dân Việt Nam… Nhưng có lẽ, Lâm vẫn còn muốn chơi tiếp và cống hiến nhiều hơn thế.

Khoảnh khắc chiến thắng, khi Việt Nam lên ngôi vô địch AFF Cup 2018, trong lúc các cầu thủ đang mải miết ăn mừng,… Văn Lâm lại tháo găng tay, quỳ gối và ôm khung thành bật khóc nức nở.

Không khóc làm sao được khi để có được ngày hôm nay, Văn Lâm đã phải đánh đổi bằng gần 20 năm cố gắng miệt mài. Không khóc làm sao được khi chiến thắng ấy phải đổi lại bằng quá nhiều máu, nước mắt và mồ hôi công sức cũng như cuộc sống xa nhà biền biệt ở nửa vòng Trái Đất.

Đặng Văn Lâm cao 1m88 và là thủ môn có thể hình cực chuẩn.

Anh chơi bóng lăn xả và cống hiến hết mình trên sân cỏ.

Nỗi đau thể xác có thể sẽ qua đi nhưng những cuộc khủng hoảng và vết thương lòng thì có lẽ sẽ vẫn còn đó. Khó khăn chông gai trong cả 1 tuổi trẻ dường như chỉ trực chờ giây phút vui mừng, hạnh phúc liền ùa về. Một người cho dù có mạnh mẽ, vững chắc cỡ nào thì trong khoảnh khác buồn vui lẫn lộn ấy cũng khó kiềm chế nổi cảm xúc.

Theo dõi Văn Lâm thi đấu ở AFF Cup, nhiều khán giả đã cảm động đến rơi nước mắt khi nhận ra chàng thủ môn Việt Kiều say mê trái bóng đến cỡ nào. Những tình huống lăn xả cản phá, đem thân mình gói trọn quả bóng khi bị đối phương uy hiếp cướp bóng trên chân, gập người ôm lấy bóng ngay khi vừa bắt trúng, to tiếng với Quế Ngọc Hải sau một tình huống nguy hiểm… đều là những khoảnh khắc đáng nhớ. Giây phút anh giương cao lá cờ Việt Nam trên ngực, chào cờ để ăn mừng và hôn lên Quốc kỳ… người ta chợt nhận ra rằng có lẽ Văn Lâm trân trọng từng khoảnh khắc được thi đấu trong màu áo Quốc gia. Đối với anh, để có thể đi đến ngày hôm nay khó khăn quá, cho nên từng phút giây, từng tình huống, Lâm đều cố gắng căng mình, hết sức để làm tròn vai.

Từ một chàng trai bị nhận xét là “không biết bắt gôn”, Văn Lâm đã trở thành cầu thủ xuất sắc nhất ở CLB Hải Phòng và là thủ môn số 1 Việt Nam trong lòng người hâm mộ.

Khoảnh khắc Văn Lâm ăn mừng cùng đồng đội.

Những khó khăn cuối cùng cũng tạm qua đi. Văn Lâm cùng với ĐT Việt Nam đã có một mùa bóng quá thành công. Nhiều cầu thủ đã bật khóc sau chiến thắng nhưng đối với Văn Lâm, giọt nước mắt của anh chắc chắn không chỉ vì quá hạnh phúc mà còn vì lòng tự hào chiến thắng số phận, vượt lên chính mình để bước qua những khó khăn không tưởng. Từ một người thừa bị bỏ quên, bị đưa sang Lào, bị gạch tên khỏi ASIAD, tưởng như phải bỏ ngang giấc mơ bóng đá, Văn Lâm đã trở thành kẻ chiến thắng và chinh phục giấc mơ đời mình.

Giống như cô giáo dạy Văn của tôi từng nói, tuổi trẻ ai cũng có nhiều ước mơ vĩ đại nhưng không phải ai cũng đủ kiên trì để chạm tay tới điều ước. Bởi hành trình đó gian khổ và trường kỳ quá, không phải là 1, 2, 3 ngày mà cần sự nỗ lực bền bỉ hàng năm hay nhiều năm liền.

Giấc mơ có thể vĩ đại nhưng điều ước nào dù có xa xôi cách mấy, chỉ cần bạn có lòng tin sẽ làm được và phấn đấu không ngừng nghỉ vươn về phía trước thì chắc chắn một ngày kia tuyệt vời sẽ tới. Đặng Văn Lâm đã làm được và tôi chắc chắn rất nhiều người khác cũng có thể làm được điều ấy nếu có đủ kiên trì, quyết tâm.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Vương Phi

Được quan tâm

Tin mới nhất