Ngày 9/5, ông Trịnh Lương, con trai cả nhà tư sản Trịnh Văn Bô và cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ - người từng hiến hơn 5000 lượng vàng cho Nhà nước chia sẻ, sau khi cụ bà Minh Hồ qua đời, 4 người em trong gia đình đã cử ông làm đại diện đặt vấn đề để lại nhà 34 Hoàng Diệu cho thành phố Hà Nội.
Theo ông Trịnh Lương, căn nhà 34 Hoàng Diệu tư nhân không nên ở, vị trí này chỉ phù hợp với công trình kiến trúc của nhà nước. Vì vậy, 5 trong số 7 người con cụ Trịnh Văn Bô muốn nhượng lại căn biệt thự này cho thành phố Hà Nội.
Lý do bán nhà, ông Trịnh Lương cho biết, một phần số tiền thu được để làm quỹ từ thiện Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ; phần còn lại sẽ chia cho con cháu. Ý kiến này mới nhận được đồng thuận của 5 trong số 7 người con của cụ Trịnh Văn Bô.
Trước vấn đề này, chiều 9/3, trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Cần Chính, con trai út của cụ Trịnh Văn Bô và cũng là người đang ở ngôi nhà trên cho biết, không ai thông báo cho mình các cuộc họp bàn về nội dung bán nhà.
Ông Chính cho rằng, việc bán ngôi nhà không phải ai thích là bán bởi còn liên quan đến vấn đề thừa kế. “Bố mẹ ông đều đã mất, giờ đây nguyện vọng chung của tôi là mong muốn ngôi biệt thự được giữ vững và bảo tồn, vì đây cũng là nơi cất giữ rất nhiều kỷ niệm của bố mẹ mình”, ông Chính chia sẻ.
Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ là vợ nhà tư sản dân tộc yêu nước Trịnh Văn Bô. Cù bà vừa từ trần đêm 5/11/2017, hưởng thọ 104 tuổi. Sinh thời, vợ chồng cụ Hoàng Thị Minh Hồ từng bí mật nhận lời cách mạng đón đoàn cán bộ từ chiến khu về ở tại tư gia, số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội, ngay sau ít ngày tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công.
Ông bà Trịnh Văn Bô đã dành ngôi nhà 48 Hàng Ngang để cán bộ cách mạng làm nơi làm việc. Đây cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Hưởng ứng “Tuần lễ vàng” do Chính phủ phát động, gia đình thương nhân Trịnh Văn Bô đã ủng hộ 5.147 lượng vàng và vận động giới công thương và nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370kg vàng.
Vào năm 2014, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cụ Trịnh Văn Bô, mừng đại thọ 100 tuổi của cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ (1914 - 2014), Bộ Tài chính đã xuất bản cuốn sách “Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam” nhằm vinh danh những công lao, đóng góp của gia đình với Đảng, Chính phủ và ngành Tài chính. Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất UBND thành phố Hà Nội lấy tên cụ Trịnh Văn Bô đặt cho một con đường tại thủ đô để nhiều thế hệ sau vẫn còn nhớ tới nhà tư sản yêu nước.
Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa trình HĐND về việc việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số tuyến đường, phố trên địa bàn. Trong đó có tuyến phố Trịnh Văn Bô được đặt ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tuyến phố Trịnh Văn Bô từ ngã tư giao cắt phố Nguyễn Đình Hoàn tại cầu T11, đến ngã ba giao cắt đường Phùng Chí Kiên tại cổng sau Học viện Quốc phòng. Tuyến phố có chiều dài 1,2km và rộng 7,5m.