Sắc màu Cuộc Sống

Bộ Y tế: Sán trưởng thành có thể dài đến 12m, ký sinh trong ruột non nhiều năm

Định Nguyễn
Chia sẻ

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, người bệnh ăn phải thịt lợn sống hay chưa được nấu chín có chứa các nang sán, khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành và có chièu dài lên tới 2 đến 12 mét.

Mới đây, nhiều người dân ở Bắc Ninh và các tỉnh lân cận đã đưa con em mình đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TW để làm xét nghiệm vì nghi ngờ nhiễm sán lợn. Theo ghi nhận tại hai bệnh viện này vừa qua mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm trường hợp tới thăm khám khiến tình trạng đông đúc liên tục diễn ra. Cho tới nay đã có hàng chục ca dương tính với sán lợn.

Trước sự việc này, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có thông tin chính thức về sán dây, ấu trùng sán lợn và các biện pháp phòng bệnh sán. Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn hay còn gọi là bệnh sán dải, sán dải lợn có ở nhiều nơi trên thế giới, việc mắc bệnh liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín.

Hình ảnh hàng trăm phụ huynh đưa con đi xét nghiệm sán tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TW sáng 16/3.

Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh thành. Theo số liệu được báo cáo của các cơ sở điều trị đến nay, có ít nhất 55 tỉnh, thành có trường hợp bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn.

Theo đó, người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn, sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại một số cơ quan trong cơ thể.

Các ấu trùng hình hạt gạo trong thịt lợn.

Trong trường hợp người bệnh có sán trưởng thành trong ruột, khi đốt sán già rụng, có thể đốt sán bị trào ngược lên dạ dày do phản ứng của nhu động ruột, như vậy sẽ tương tự như ăn phải đốt sán mới, do đó số lượng ấu trùng sẽ rất lớn. Ấu trùng sán theo máu đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang. Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau.

Bệnh sán trưởng thành ở ruột khi người bệnh ăn phải thịt lợn sống hay chưa được nấu chín có chứa các nang sán (lợn gạo), khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành.

Sán dây trưởng thành phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới, mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng, kéo dài chiều dài của sán trưởng thành lên tới 2 đến 12 mét, chúng ký sinh trong ruột non nhiều năm.

Mẫu sán dây thu hồi tại Phòng khám bệnh Chuyên khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP. HCM

Bệnh sán dây trưởng thành thường không biểu hiện triêu chứng rõ rệt như gây triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Triệu chứng chủ yếu là người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài, đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, đầu sán phẳng, một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân.

Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh được điều trị khỏi bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole. Trong những trường hợp này, người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh bị bệnh ấu trùng sán lợn. Việc điều trị bệnh ấu trùng sán lợn phải thực hiện ở cơ sở y tế với trang bị phương tiện cấp cứu và phải được theo dõi.

Qua đây, để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).

Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông. Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi. Thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển buôn bán lợn (heo) theo quy định.

Trước đó, sáng ngày 15/3, khoảng gần 400 học sinh thuộc trường mầm non Thanh Khương và Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cũng đã được bố mẹ đưa xuống Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TW để làm xét nghiệm, sau vụ việc trường Mầm non Thanh Khương bị tố sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các khu vực quầy tiếp đón, nơi tiến hành lấy mẫu xét nghiệm luôn đông ngịt người, thậm chí xảy ra tình trạng chen lấn do quá đông. Nhiều phụ huynh cũng ôm con ngồi vạ vật bên ngoài chờ đến lượt.

Sáng 16/3, bác sĩ Nguyễn Quang Thiều, Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, sáng cùng ngày, Viện tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân đến làm các xét nghiệm. Viện đã điều động cán bộ nhân viên hỗ trợ đảm bảo thực hiện thủ tục và làm các xét nghiệm theo quy định.

Theo bác sĩ Thiều, trong ngày 15/3, đơn vị đã tiếp nhận xét nghiệm cho 135 trẻ có độ tuổi từ năm 2010 đến nay. Qua kiểm tra ban đầu xác định có 13 trẻ cho kết quả dương tính với sán lợn.

Bác sĩ Thiều cho biết, trung bình Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương một ngày tiếp nhận từ 80 - 100 người đến thăm khám. Tuy nhiên, ngày hôm qua đơn vị đã tiếp nhận khoảng 200 người đến xét nghiệm đến thăm khám, kiểm tra. Để đáp ứng số người đến xét nghiệm tăng cao so, đơn vị đã huy động thêm 6 bác sĩ và máy móc để đáp ứng nhu cầu và nhanh chóng trả kết quả cho bệnh nhân.

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, chiều 15/3 có khoảng 173 mẫu huyết thanh đã có kết quả, cụ thể 44 trường hợp dương tính với sán dây lợn (trong 230 trẻ xét nghiệm tại Bệnh viện Nhiệt đới TW), trong số đó, vài trường hợp các cháu có triệu chứng bị bệnh lỵ.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất