Người đẹp 23 tuổi đã xé toang cái mác “chân dài não ngắn” vốn thường bị nhiều người cố chấp gán cho các hoa hậu. Nữ hoàng nhan sắc nước Anh sở hữu chỉ số IQ cực “khủng” 146, hai bằng đại học, đồng thời thông thạo 5 thứ tiếng. Đáng quý hơn, thay vì tập trung xuất hiện trước công chúng để tăng độ nhận diện và sự nổi tiếng, sau đêm đăng quang, cô đã lập tức đến bệnh viện để tận tụy cống hiến cho sự nghiệp bác sĩ.
Năm 2005, cô bé Bhasha 9 tuổi đã theo gia đình di cư từ Ấn Độ sang Anh để tiện cho công việc của bố. Thế nhưng, cô không ngờ rằng đó lại là quyết định mở đầu cho chuỗi ngày sống tủi hờn nơi đất khách. Cô bị những đứa trẻ xung quanh bắt nạt và luôn phải nơm nớp lo sợ cho tương lai.
Tân hoa hậu bồi hồi nhớ lại: “Ở Ấn Độ, gia đình tôi có thể xưng là tầng lớp trung lưu. Chúng tôi có thể mua thức ăn đủ để cả nhà no căng bụng, miễn là không phải những món xa xỉ vì mọi người đều ý thức được rằng việc chi tiêu tiết kiệm rất quan trọng. Nhưng khi đến Anh, mọi thứ khó khăn hơn tôi tưởng. Mức sống của cả nhà tụt dốc thảm hại. Chúng tôi phải sống chung một nhà với các gia đình khác. Bố mẹ, em trai và tôi phải chen chúc ngủ cùng nhau trong một căn phòng nhỏ”.
Cô nói thêm: “Khi ấy, chuyện tiền nong hết sức eo hẹp. Anh em tôi phải mua quần áo tại các tiệm bán hàng lưu động trên xe tải, hoặc những cửa hàng từ thiện bán giá rẻ như cho. Tôi còn nhớ vào ngày Sách và Bản quyền Thế giới, chúng tôi được phép bỏ bộ đồng phục để khoác lên người thứ phục sức giống với nhân vật mình yêu thích. Tôi chỉ có thể mặc bộ quần áo thường ngày của mình. Thấy thế, một người bạn cùng lớp đã chế nhạo: “Ồ, cậu hóa trang thành ai đây, ăn mày à?””
Bhasha chia sẻ: “Tôi không hề có cảm giác được mọi người đón nhận, tôi chẳng thể mời bạn bè đến chơi hay ngủ lại qua đêm vì cả nhà thậm chí còn không được ở riêng. Tuổi thơ của tôi không trôi qua êm đềm như những đứa trẻ khác”.
Vì nhà nghèo nên bố mẹ Bhasha không đủ tiền để cho con mua sách hay lắp đặt internet. Cô nữ sinh đành tìm niềm vui bằng việc đọc sách trong thư viện, và đó cũng là khởi nguồn cho đam mê học tập của cô. Tân hoa hậu cho biết: “Thư viện là chốn bình yên của tôi. Khi ở đấy, tôi không còn lo bị ai bắt nạt. Các giáo viên cũng nhiệt tình ủng hộ thái độ chăm chỉ của tôi, và đó là lúc tôi nhận ra mình có thể trở thành “cục cưng” của họ, chỉ cần đạt điểm cao, cao hơn nữa, càng cao càng tốt. Thế là tôi lao vào học”.
Với thành tích đáng ngưỡng mộ, cô gái trẻ đã cầm trong tay tấm bằng cử nhân Dược phẩm và cử nhân khoa Phẫu thuật tại Đại học Nottingham khi vừa tròn 23. Lúc đầu, Bhasha chọn theo học khoa tâm lý vì bị ám ảnh với ký ức kinh hoàng khi người thân tự sát. Nhưng rồi, cô nhận ra chính bản thân mình cũng đang phải chiến đấu với căn bệnh trầm cảm và áp lực khôn cùng.
“Suốt năm nhất, tôi chẳng có động lực rời giường để đến lớp”, cô nói. “Tôi rất hay quên và sống chểnh mảng cực kỳ. Tính xấu này từng khiến tôi bỏ lỡ một kỳ thi rất quan trọng - không phải vì tôi không muốn đi thi mà là do đãng trí quên mất thời gian. Quãng thời gian đó, tôi mất hết phương hướng trong cuộc sống và gầy rộc đi”.
Trong lúc tìm kiếm liệu pháp để giải quyết căn bệnh của mình, Bhasha biết đến công việc người mẫu. Cô quyết định cho bản thân một cơ hội để cân bằng lại cuộc sống và thư giãn sau giờ học căng thẳng. Nói về trải nghiệm này, cô cho biết: “Mọi thứ bắt đầu đổi khác. Ở mỗi giai đoạn trầm cảm, tôi đều cố tìm cho mình một điều ý nghĩa, đủ để cứu vớt tôi khỏi bãi bùn lầy tăm tối. Ngoài công việc người mẫu, tôi còn đi làm từ thiện. Phải thừa nhận rằng những trải nghiệm quý giá này đã khiến tôi lột xác. Tôi còn áp dụng cả liệu pháp nhận thức - hành vi, hiện tại tình hình đã ổn định rồi”.
Tân hoa hậu tiếp tục: “Khi sống trong bóng tối quá lâu, bạn sẽ có xu hướng nhận định cuộc sống của mình sẽ bị mây đen che phủ đến hết đời và mất hết hy vọng vào thế giới tươi đẹp. Có nhiều người vì chịu sang chấn tâm lý nên nảy sinh ý nghĩ chối bỏ thế giới. Đối với những trường hợp như thế, tôi khuyên các bạn nên mở lòng để những người thân yêu có cơ hội giúp đỡ mình”.
Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Bhasha đã sáng lập tổ chức từ thiện Generation Bridge Project để chăm sóc những người cao tuổi. Trước đó, cô còn tham gia buổi tuyển chọn thành viên cho show thực tế Love Island và suýt nữa được góp mặt trong mùa này.
Tân hoa hậu chia sẻ: “Tôi đã vượt qua hầu hết các vòng tuyển chọn, chỉ gặp chút vấn đề khi được hỏi về lịch sử y học thế giới, bởi kiến thức về mảng đó rất rộng. Trước đó, tôi chưa từng xem show bao giờ. May mắn là tôi không được chọn, vì nếu trở thành người chơi trong Love Island, tôi sẽ không thể đăng quang Hoa hậu”.
Hiện tại, mẹ của Bhasha đang làm nhân viên bán hàng, bố là đầu bếp, em trai vừa bước qua tuổi 18. Cả gia đình đều hết lòng ủng hộ lựa chọn của cô, bất kể đó là ý định thi hoa hậu hay tập trung cho sự nghiệp bác sĩ. Cô xúc động bày tỏ: “Cả nhà luôn khích lệ tôi trong cuộc sống, đặc biệt là mẹ. Bà là người hùng trong lòng tôi. Giờ thì mẹ đã ly hôn với bố và làm việc tại Primark. Mẹ luôn nói với tôi: “Đừng thôi mơ ước và từ bỏ giấc mộng của con””.
Bhasha đang đặt những bước chân đầu tiên trên con đường trở thành bác sĩ tại Bệnh viện Pilgrim ở Boston, Lincolnshire. Ngay sau đêm đăng quang, cô phải gấp rút đón xe để đến kịp ca làm việc buổi sáng. Tân hoa hậu hài hước kể: “Có đồng nghiệp biết tôi vừa trở thành hoa hậu nên có trêu chọc vài câu, nhưng tôi không chú ý lắm, chỉ chuyên tâm hoàn thành việc của mình. Môi trường làm việc trong hệ thống Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) thực sự rất căng thẳng. Khi ở đấy, bạn sẽ chẳng còn hơi sức đâu mà nghĩ đến danh hiệu hay tiếng tăm. Điều đó giúp tôi luôn giữ đầu óc tỉnh táo và không ảo tưởng về khả năng của mình”.
Cô tiếp lời: “Tôi được phân công đến khoa Hô hấp, một trong những khoa bận rộn nhất bệnh viện. Vừa mới vào làm đã được thử sức trong môi trường chuyên nghiệp và áp lực như thế thật thú vị”.
Tuổi thơ cơ cực và ý chí kiên cường đã giúp Bhasha vươn lên thành một người thành công trong cuộc sống. Đó cũng là lúc cô nghĩ rằng mình nên làm gì đó để báo đáp cuộc đời.
“Tôi thật may mắn khi được trao vương miện Hoa hậu Anh. Từ đây, tôi sẽ vinh dự đại diện cho quốc gia và góp phần đưa giá trị của nước Anh đến với trường quốc tế. Tôi trân trọng xã hội công bằng, hệ thống phúc lợi, thư viện, giáo dục và chăm sóc sức khỏe miễn phí giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn được sống trong một môi trường lành mạnh”, cô nói. “Đó chính là nấc thang nâng đỡ để tôi có được ngày hôm nay. Tôi luôn khao khát được báo đáp những ân tình mà xã hội đã dành cho mình suốt bao năm qua”.