Trong 25 năm qua, tỷ lệ sinh ở Nhật Bản luôn ở mức rất thấp. Nhiều chuyên gia cho rằng tình hình dân số ở Nhật Bản giống như “quả bom hẹn giờ” mà nếu phát nổ, đất nước mặt trời mọc sẽ phải đối mặt với viễn cảnh dân số già nua và sức mua thấp.
Những điều này càng tác động đến tỷ lệ sinh vốn đã chưa thể cải thiện trong nhiều năm qua và đe doạ đến tương lai của Nhật Bản. Số lượng người cao tuổi càng tăng càng đặt ra áp lực về chính sách an sinh xã hội, kéo theo sự sụt giảm ngân sách cho các thế hệ sau.
Business Insider chỉ ra 8 dấu hiệu trong cuộc sống cho thấy “quả bom hẹn giờ” nhân khẩu học đang đếm ngược từng ngày.
Hơn 68.000 người trên 100 tuổi
Năm 2017 đánh dấu mốc năm thứ 47 liên tiếp Nhật Bản tự phá kỷ lục của chính mình về số người trên 100 tuổi. Trong năm 2016, Nhật Bản có 65.000 người trên 100 tuổi, trên tổng số 127 triệu dân. Năm nay, con số này là 67.824 người, theo Asahi Shimbun.
Nhật Bản có tỷ lệ người trên 100 tuổi cao nhất thế giới, tức 4,8/100.000 người. Trong khi đó ở Mỹ, tỷ lệ này chỉ là 2,2.
Tã dành cho người lớn đắt hàng hơn cả tã trẻ em
Từ năm 2001, doanh số bán hàng loại tã dành cho người lớn ở Nhật luôn vượt trội hơn tã trẻ em. Xu hướng này cho thấy số lượng công dân cao tuổi ở Nhật Bản nhiều như thế nào. Trong thành phần dân số Nhật Bản, nhóm người trên 65 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong số 127 triệu dân, người cao tuổi chiếm 26,7%.
Tỷ lệ sinh thấp
Năm 2016 là năm chứng kiến tỷ lệ sinh thấp nhất trong 117 năm qua ở Nhật Bản. Kể từ năm 1899, số trẻ được sinh ra ở Nhật mỗi năm đều vượt qua con số một triệu, cho đến năm 2016.
Sau khảo sát, báo cáo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi chỉ ghi nhận chưa đến 1 triệu trẻ ra đời trong năm này. Viện Dân số và An sinh xã hội thậm chí dự đoán dân số sẽ giảm gần 40 triệu người vào năm 2065.
Con cái bỏ rơi cha mẹ
Trong tiếng Nhật, ubasute là một từ cổ mang nghĩa tương tự “granny dumping”, ám chỉ việc con cái mang bố mẹ hay ông bà đi thật xa vì họ quá già.
Theo truyền thông Nhật Bản, xu hướng này có dấu hiệu xuất hiện trở lại những năm gần đây. Theo đó, con cái sẽ đưa cha mẹ tới những nơi như bệnh viện, tổ chức từ thiện hay viện dưỡng lão mà không muốn nuôi dưỡng, bởi không thể tiếp tục chăm sóc họ.
Tuy nhiên, tình trạng này chưa phổ biến. Một cán bộ xã hội ước tính khoảng vài trăm trường hợp được ghi nhận mỗi năm.
Nhà tù biến thành viện dưỡng lão
Theo thống kê về tình hình tội phạm của Nhật Bản, khoảng 1/5 người nhận tội ở độ tuổi trung niên. Đa phần các trường hợp là trộm cắp. Nhiều người còn cố tình tái phạm hành vi phạm tội.
Tình trạng tù nhân lớn tuổi vào tù để có nơi ăn ở miễn phí và giảm gánh nặng phí sính hoạt đang đẩy hệ thống nhà tù vào tình trạng khủng hoảng ngân sách. Nhiều người mô tả các nhà tù như biến thành viện dưỡng lão. Trong nhà tù, các quản giáo còn làm nhiệm vụ tắm rửa và giúp tù nhân mặc quần áo.
Đồng hồ đếm ngược
Theo thời gian, tỷ lệ sinh thấp và không có tín hiệu cải thiện đang đặt ra thách thức với tình hình gìa hoá dân số Nhật Bản. Về ngắn hạn, dân số Nhật sẽ sụt giảm 34% tính đến năm 2100. Nhưng nhìn xa hơn, các chuyên gia ước tính “ngày tàn” của dân số Nhật sẽ là 12/8/3776.
Lười kết hôn và sinh con
Một trong những điều mô tả rõ nét nhất thực trạng dân số ở đất nước mặt trời mọc, là người trẻ ngày càng dành thời gian cho công việc nhiều hơn, thay vì xây dựng các mối quan hệ xã hội vì lý do kinh tế.
Tất nhiên là họ vẫn muốn kết hôn, nhưng để giảm bớt chi phí hẹn hò và thời gian, họ sẽ kết đôi với bạn bè hoặc người thân quen.
Làm việc đến chết
Làm việc quá sức ở Nhật Bản vẫn là vấn đề đáng báo động, khi nhiều trường hợp tìm đến cái chết do stress công việc và làm quá nhiều vẫn xảy ra. Người Nhật có từ “karoshi”, hay làm việc đến chết, để nói đến những trường hợp qua đời vì làm việc quá sức.
Theo khảo sát giai đoạn 12/2015-1/2016, 22,7% công ty nói rằng nhân viên của họ làm thêm hơn 80 giờ mỗi tháng. Đây là mức đáng báo động vì có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.
Theo kết quả nghiên cứu, lao động Nhật Bản làm việc nhiều hơn so với lao động các nước như Mỹ, Anh và một số quốc gia phát triển. Trung bình, người Nhật chỉ dùng 8,8 ngày nghỉ mỗi năm, chưa đến một nửa số ngày nghỉ phép, theo số liệu Bộ Y tế năm 2015. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Hong Kong và Singapore là 100% và 78%.