Lý giải về việc siết xét tuyển sớm, chỉ dành tối đa 20% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này, đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng, điều này nhằm tập trung tuyển những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, hạn chế tác động đến việc học tập của học sinh ở kỳ II năm lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tạo sự công bằng, vì thực tế không phải em nào cũng có khả năng tham gia xét tuyển sớm khi chưa hoàn thành chương trình lớp 12.
Sau khi dự thảo được công bố, nhiều giáo viên và chuyên gia tuyển sinh cho rằng điều này có thể gây ra nhiều rào cản với các trường.
Ngày 26/11, trả lời VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay, việc giảm quy mô xét tuyển sớm không những không gây khó khăn, mà còn tạo thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh của các trường và cho thí sinh.
"Có xét tuyển sớm hay chỉ xét tuyển trong đợt chung, tổng số thí sinh đăng ký dự tuyển cũng không thay đổi, vậy tại sao các trường phải vất vả chạy đua xét tuyển sớm? Tại sao các em học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp 12 phải vất vả nộp hồ sơ nhiều nơi, rồi không yên tâm học tập, trong khi Bộ GD&ĐT đã có một hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung với đầy đủ cơ sở dữ liệu, quy trình trực tuyến hoàn thành thuận lợi cho cả thí sinh và các trường.
Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại trào lưu tuyển sinh sớm (phổ biến từ khoảng 5 - 6 năm trở lại đây) khách quan, để có giải pháp căn cơ, giải quyết dứt điểm những bất cập", Vụ trưởng Giáo dục Đại học thông tin.
Theo tờ SK&ĐS, trước ý kiến lo ngại về việc quy định này ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các trường đại học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng: "Bộ GD&ĐT đưa ra các quy định như trên để thực hiện một nguyên tắc cơ bản trong giáo dục, đó là công bằng, qua đó sẽ nâng cao chất lượng tuyển sinh và chất lượng đào tạo, chứ hoàn toàn không tạo ra rào cản nào hay có mục đích buộc các trường phải sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
Từ hai năm nay, Bộ GD&ĐT cung cấp đầy đủ dữ liệu về kết quả học tập THPT và hỗ trợ các trường tổ chức kỳ thi riêng đưa kết quả thi lên hệ thống tuyển sinh chung, tạo điều kiện thuận tiện cho các cơ sở đào tạo thực hiện xét tuyển trong đợt xét tuyển chung.
Quyền tự chủ nói chung và tự chủ tuyển sinh nói riêng của các cơ sở giáo dục đại học theo luật định phải luôn gắn chặt với trách nhiệm xã hội, trước hết cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong giáo dục. Luật Giáo dục đại học giao Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tuyển sinh là công cụ quản lý nhà nước để điều chỉnh việc này".