Theo Bloomberg, tại khách sạn Yanggakdo, một trong số ít những nơi mà người nước ngoài lưu trú ở thủ đô Bình Nhưỡng, một hộp đào được niêm yết giá 130 won Triều Tiên, tương đương 1,3 USD nếu tính theo tỷ giá chính thức là 100 won Triều Tiên đổi được 1 USD.
Dù vậy, nhân viên khách sạn không chấp nhận thanh toán bằng đồng won mà chỉ lấy đô la Mỹ, nhân dân tệ hoặc euro. Nếu họ không đủ tiền lẻ để thối, khách hàng sẽ nhận được nhiều loại tiền tệ có giá trị ngang với số tiền cần được gửi lại.
Hộp đào trên thể hiện mâu thuẫn trong nền kinh tế Triều Tiên. Hệ thống ngân hàng nước này chật vật với lệnh trừng phạt quốc tế nhưng không bỏ qua cơ hội để có nội tệ mạnh. Tỷ giá chính thức vẫn được tuyên truyền như là yếu tố được nhà nước kiểm soát. Dù vậy, người dân vẫn hạn chế dùng đồng won để tránh lạm phát phi mã và cải thiện một chút sinh kế của họ.
Trên thực tế, Triều Tiên có tỷ giá thứ hai với 8.000 won Triều Tiên đổi được 1 USD. Đây là chủ đề cấm kỵ và bị phủ nhận trước người nước ngoài, song vẫn là tỷ giá được thừa nhận rộng rãi.
“Các thị trường cơ sở đã phát triển mạnh và đưa nền kinh tế Triều Tiên lên cao hơn. Một khi thị trường nhú mầm, bạn không thể đè chặt nó xuống mãi”, giáo sư Lee Ji Sue nghiên cứu về Triều Tiên ở Đại học Myongji tại Seoul (Hàn Quốc) cho biết.
Các nhà báo nước ngoài được phép vào Triều Tiên trong dịp Đại hội Đảng Lao động đầu tiên trong 36 năm qua, được phép đổi nhân dân tệ hoặc đô la Mỹ để lấy nội tệ Triều Tiên với tỷ giá không chính thức.
Người lao động được phỏng vấn trên đường phố Bình Nhưỡng trả lời theo tỷ giá thị trường. Một gian hàng cũng trên đường phố Bình Nhưỡng bán bánh rán với giá 1.000 won, cao hơn một chút so với mức 10 cent Mỹ nếu tính theo tỷ giá thị trường.
Tại một cửa hàng bách hóa khác có khu cho phép người dân đổi ngoại tệ để lấy nội tệ với tỷ giá không chính thức, giá cả sản phẩm trong cửa hàng cũng được niêm yết với tỷ giá tương tự.
Nền kinh tế thị trường khiêm tốn của quốc gia châu Á bắt đầu thành hình bất chấp các trở ngại. Năm 2009, Triều Tiên định giá lại bản tệ bằng cách xóa bỏ hai chữ số 0 ở cuối. Đây là động thái nhằm kiểm soát lạm phát và hạn chế thị trường tư nhân, nhưng cuối cùng lại làm hao hụt khoản tiết kiệm của người dân.
“Tỷ giá hối đoái chính thức được sử dụng như một lớp gỉ cho sức mạnh của Triều Tiên”, giáo sư kinh tế Steve Hanke thuộc Đại học Johns Hopkins, người từng viết về nội tệ Triều Tiên, cho biết.
Người dân được cho phép trả lời phỏng vấn báo giới nước ngoài hiếm khi đi lạc khỏi dòng ý kiến được quyết định bởi chính phủ. Cô Kim Sun Hwa, 29 tuổi, cho hay cô không giữ tiền tiết kiệm bằng ngoại tệ. Khi được hỏi về sự thay đổi của cuộc sống ngày nay so với trước đây, cô cho hay mình tự hào về các sản phẩm làm ở Triều Tiên.
“Sản phẩm Triều Tiên giờ đây cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài trong mỗi cửa hàng. Bây giờ bạn có thể thấy chất lượng thực sự của sản phẩm Triều Tiên ở khắp nơi bạn tới”, cô Kim nói.
Ông Ri Song Il, một công nhân 50 tuổi, cho hay ông không cần ngoại tệ. “Chúng tôi sử dụng đồng tiền riêng của mình”, ông nói trong một nhà máy mà cánh báo chí nước ngoài được dẫn đi tham quan.
Song như nhiều người được phỏng vấn, ông Ri đề cập đến tiền lương của mình bằng tỷ giá thị trường. Ông kiếm được ít hơn 40 USD mỗi tháng. Ri cho biết ông nhận được mọi thứ mình cần từ chính phủ, và tiền lương này được dùng để mua đồ dùng học tập cho con ông.