Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Vì sao động đất và sóng thần ở Indonesia gây ra hậu quả thảm khốc?

Động đất cường độ mạnh đã tạo nên cơn sóng thần cao 6 m ở hòn đảo Sulawesi của Indonesia chiều tối 28/9 khiến ít nhất 1.200 người thiệt mạng. Đợt sóng khổng lồ phá hủy hàng nghìn dãy nhà và để lại một thảm họa nhân đạo khủng khiếp mà người ta phải mất hàng tháng để khắc phục.

Theo VOX, bức tường nước khổng lồ được châm ngòi bởi trận động đất mạnh 7,5 độ Richter ngoài bờ biển. Hầu hết nạn nhân đều ở thành phố Palu nhưng lực lượng cứu hộ vẫn chưa tiếp cận một số khu vực khác của đảo Sulawesi nên con số thiệt mạng có thể vẫn còn tăng cao.

Nhiều thi thể buộc phải chôn trong các mộ tập thể hồi cuối tuần. Hơn 48.000 người buộc phải rời bỏ nhà cửa và hơn 150 cơn dư chấn tiếp tục xảy ra trong khu vực. Nước đã rút nhưng những gì còn lại trên mặt đất vẫn vô cùng nguy hiểm.

Một người phát ngôn của Cơ quan phòng chống Thiên tai quốc gia Indonesia đã đăng tải video trên Twitter quay cảnh sóng thần quét qua nội địa cực nhanh, buộc nhiều người phải chạy tán loạn.

Thảm họa động đất, sóng thần gây thiệt hại nặng nề ở Indonesia. Ảnh: Getty

Tại sao sức hủy diệt của sóng thần lần này lớn đến vậy?

Động đất trong lòng đại dương có thể tạo ra sóng thần dưới dạng các cột nước chuyển động theo phương thẳng đứng, tạo ra các con sóng lớn đổ vào đất liền. Các đợt sóng này có thể di chuyển với tốc độ khoảng 800 km/h trong lòng đại dương. Khi chúng lao về phía vùng biển ven bờ, các đợt sóng chậm lại và bắt đầu cao dần. Một dấu hiệu nhận biết sóng thần là mực nước biển rút xuống đột ngột.

Sóng thần hình thành sau động đất dưới lòng đại dương. Ảnh: Shutterstock/Việt Hóa: Thái Nguyễn

Hậu quả lớn của trận sóng thần chiều tối 28/9 ở Indonesia một phần là do công tác cảnh báo. Người dân địa phương cho biết còi báo động đã không kêu khi thảm họa xảy ra. Các tin nhắn cảnh báo cũng không gửi được vì các cột tín hiệu di động đều đã bị sập trong động đất. Lệnh cảnh báo sóng thần của Indonesia có thể đã được dỡ bỏ quá sớm trước khi tất cả con sóng đổ bộ vào đất liền. Điều này khiến nhiều người dân địa phương mất cảnh giác, New York Times đưa tin.

Indonesia sớm xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần với đồng hồ đo thủy triều, gia tốc kế và các trạm đo địa chấn. Nhưng hệ thống này không được quan tâm, bảo trì đúng mức dẫn đến sai sót. Theo BBC, hệ thống cảnh báo đã đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của đợt sóng thần vừa qua.

Một yếu tố khác dẫn đến hậu quả tàn khốc của trận sóng thần là yếu tố địa lý của khu vực này. Palu cách tâm chấn động đất khoảng 80 km về phía nam và nằm cuộn trong một vịnh kéo dài (xem ảnh). Với việc không có khoảng đất nào hay hòn đảo nào chắn phía trước, thành phố Palu phải hứng chịu trực tiếp các đợt sóng khổng lồ.

Vị trí địa lý khiến thành phố Palu phải hứng chịu hậu quả nặng nề của sóng thần. Ảnh: US Geological Survey

Indonesia là một trong những quốc gia có mật độ dân cư đông đúc nhất thế giới và lại là quốc đảo nên khi thảm họa xảy đến, không có nhiều chỗ để trú ngụ cho những người sống sót. Giới chức Indonesia phải chật vật với việc xây dựng các căn nhà trở nên kiên cố hơn trước các thảm họa tự nhiên.

Thực tế, quốc đảo này luôn phải hứng chịu nhiều trận động đất. Indonesia nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực xảy ra 90% các trận động đất và 75% các đợt phun trào núi lửa.

Nhiều người chắc hẳn chưa thể quên thảm họa động đất - sóng thần kinh hoàng khiến 230.000 trải khắp 14 quốc gia thiệt mạng. Hậu quả nặng nề nhất sau thảm họa vẫn là Indonesia. Trong bối cảnh thảm họa liên miên, Indonesia đã xây dựng một cơ quan quản lý thảm họa để xử lý hậu cần và phối hợp cứu trợ. Hệ thống này hiện vẫn đang được thử nghiệm.

Cũng giống với thảm họa năm 2004, vấn đề cấp thiết nhất là xử lý hậu quả. Các ngôi nhà bị phá hủy, mất điện và môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề. Các máy phát điện và hàng cứu trợ đang được đưa vào khu vực bị ảnh hưởng trong bối cảnh người dân địa phương tập trung đông ở sân bay để rời sang khu vực khác.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết VOX

Được quan tâm

Tin mới nhất