Chế độ quân chủ chuyên chế ở Thái Lan chính thức được xóa bỏ vào năm 1932 nên trên nguyên tắc nhà vua không được can thiệp vào chính trị và đứng trên các đảng phái. Quyền lực của Nhà vua vì thế chỉ mang tính biểu tượng.
Tuy nhiên, tại một đất nước với tình hình chính trị phức tạp như Thái Lan, Quốc vương được xem là nhân vật đặc biệt quan trọng khi có thể gắn kết, thống nhất đất nước, hóa giải mâu thuẫn giữa các phe phái đối lập. Đặc biệt dưới thời Quốc vương quá cố Bhumibol Adulyadej, tiếng nói của ông rất có sức nặng trong việc trấn an người dân, làm dịu tình hình.
Mỗi khi đất nước Thái Lan rơi vào khủng hoảng, người dân luôn chờ đợi tuyên bố từ Quốc vương như một chỉ thị giúp họ tìm ra hướng đi giải quyết vấn đề. Chính sự kính trọng của người dân xứ chùa Vàng đã tạo nên cho Nhà vua uy quyền khó ai bì kịp.
Ngay cả các quan chức cao cấp nhất trong chính quyền quân sự Thái Lan và các phe đối lập cũng thường phải tham vấn ý kiến Nhà vua trước khi đưa ra các quyết định quan trọng.
Mặc dù Quốc vương không có quyền lập pháp nhưng các đạo luật của Quốc hội nếu muốn được thông qua phải nhận được sự đồng ý của ông.
Sau hơn 1 thập kỷ xung đột chính trị, bao gồm cuộc đảo chính quân sự và cuộc bầu cử gây tranh cãi cách đây chưa đầy 2 tháng, lễ đăng quang của Vua Maha Vajirusongkorn đã chính thức diễn ra cách đây ít giờ trong sự chờ mong của người dân xứ chùa Vàng.
Lễ đăng quang đánh dấu chính thức sự chuyển giao quyền lực sau cái chết của Quốc vương Bhumibol Adulyadej dù ông Vajirusongkorn đã lên ngôi ngay sau khi người cha quá cố qua đời vào năm 2016.
Sau khi lên lên ngôi, Vua Vajirusongkorn đã yêu cầu thay đổi hiến pháp để đảm bảo quyền hoàng gia của mình và chính phủ đã chấp thuận. Theo AP, với các sửa đổi mới này, Quốc vương sẽ có quyền can thiệp vào các vấn đề của chính phủ, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng chính trị.