Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Trung Quốc muốn giảm số người trẻ đi du học

Các bậc phụ huynh Trung Quốc đang cho con cái đi du học ở độ tuổi ngày càng trẻ, một xu hướng mà chính phủ có kế hoạch kìm hãm lại.

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Giáo dục Trung Quốc, hơn 700.000 học sinh nước này đã ra nước ngoài học tập trong năm 2019, tăng hơn 6% so với năm trước. Năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, số lượng học sinh trung học Trung Quốc tham gia các học học và các kỳ thi chuẩn bị đi du học vẫn gia tăng.

Koolearn, một nền tảng giáo dục trực tuyến của nhà cung cấp dịch vụ giáo dục tư nhân lớn nhất Trung Quốc, New Oriental đưa ra báo cáo vào tháng trước, khoảng 20% những người đã tham gia các kỳ thi du học năm ngoái là học sinh từ lớp 12 trở xuống.

Tại một hội nghị hồi tháng 1 vừa qua, Bộ Giáo dục Trung Quốc cho hay, sẽ xây dựng “một cơ chế để làm giảm số lượng người trẻ đi du học”. 

Trung Quốc muốn giảm số người trẻ đi du học Ảnh 1
Trung Quốc muốn giảm số người trẻ đi du học. Ảnh minh họa.

Trước đó vào năm 2016, phát ngôn viên của Bộ Giáo dục Trung Quốc Xu Mei cũng từng nói trong một cuộc họp báo rằng, Bộ không khuyến khích việc đưa trẻ vị thành niên ra nước ngoài, bởi tin rằng các em còn quá nhỏ để tự lập và học tập.

Mingming, 12 tuổi, là một trong số ngày càng nhiều học sinh dưới độ tuổi học đại học được bố mẹ lên kế hoạch cho đi du học.

Sinh ra và lớn lên ở Thượng Hải, Mingming đã theo học trường quốc tế từ năm lớp một (năm đầu tiên của trường tiểu học). Bố mẹ Mingming chọn chương trình Trung học phổ thông quốc tế, được công nhận toàn cầu, thay vì chương trình học chính thức của Trung Quốc.

Mingming dự kiến sẽ sang Mỹ học trong một ngôi trường nội trú ở Washington vào cuối năm nay bởi hầu như mọi giấy tờ thủ tục đều đã được hoàn thành.

Ở Trung Quốc, học sinh phải trải qua 9 năm giáo dục bắt buộc, sau đó tham gia vào kỳ thi lên Trung học phổ thông (Zhongkao), bước đệm để thi tiếp lên đại học hay cao đẳng (Gaokao). 

Cha mẹ của Mingming tin rằng việc gửi con trai đến Mỹ học trung học tốt hơn là để cho cậu phải đối mặt với áp lực vượt qua kỳ thi khó khăn ở Trung Quốc.

Ở các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh và Thượng Hải, dưới 60% học sinh trung học cơ sở được nhận vào một trường trung học phổ thông.

“Trung Quốc có thể không quá tệ về giáo dục, nhưng đối với bọn trẻ thì quá khó”, mẹ của Mingming, chị Dong Hong, nói. 

Áp lực học tập trong hệ thống trường học Trung Quốc chỉ là một trong những lý do khiến các phụ huynh Trung Quốc đưa ra quyết định cho con đi học ở nước ngoài.

Nhiều bậc cha mẹ muốn con cái của họ có cơ hội phát triển các sở thích cá nhân ngoài việc học tập tốt. Họ tin rằng hệ thống giáo dục cứng nhắc của Trung Quốc khiến điều này gần như không thể.

Năm 2019, Yangyang được bố mẹ chuyển đến Adelaide, Australia để học lớp 7. Theo lời anh Jia Jia, bố của Yangyang, ban đầu anh có kế hoạch đợi con đến lúc lên đại học mới cho đi du học. Nhưng Jia Jia đã thay đổi khi nhận ra Yangyang không có thời gian theo đuổi đam mê thể thao nếu học ở Trung Quốc.

Yangyang trước đó học trong một trường trung học cơ sở ở quận Haidian, Bắc Kinh, ngôi trường có chất lượng giáo dục rất tốt. Tuy nhiên, khối lượng bài tập quá nhiều khiến cậu bé không thể tập bơi và bóng đá, hai môn thể thao yêu thích của em.

“Tất cả những tin nhắn được gửi từ giáo viên về điểm số và thứ hạng của Yangyang khiến chúng tôi lo lắng rằng thằng bé có thể không vượt qua được kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông. Có quá nhiều áp lực”, Jia nói.

Theo Chu Zhaohui, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện khoa học giáo dục, một yếu tố khác góp phần thúc đẩy sinh viên Trung Quốc ra nước ngoài học tập là bởi càng nhiều gia đình giàu có tin rằng, bằng cấp quốc tế sẽ giúp con cái họ có nhiều cơ hội hơn khi về nước. 

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều bậc cha mẹ hoảng loạn, cầu mong chính phủ cho thuê các chuyến bay để đưa con cái về nước an toàn. Nhưng các chuyên gia cho rằng, tác động của đại dịch Covid-19 chỉ là tạm thời, không thể ngăn được làn sóng người trẻ đi du học. 

“Họ có thể gặp khó khăn về giao thông…, nhưng điều này chỉ là ngắn hạn. Tôi nghĩ không quá 3 năm”, ông Chu Zhaohui nói.

Theo một báo cáo hồi tháng 11, hơn 90% cá nhân có thu nhập cao của Trung Quốc cho hay, họ sẽ không hủy kế hoạch đưa con đi du học, mà chỉ tạm hoãn để chờ diễn biến dịch Covid-19. Trong số những người có con đã đi du học, hơn 70% cho biết con cái họ vẫn sẽ ở lại học.

Ông Chu Zhaohui cho rằng, chính phủ cần khuyến khích các nhà tuyển dụng sử dụng nhân tài trong nước thay vì ưu tiên sinh viên tốt nghiệp trở về từ nước ngoài để có thể làm giảm xu hướng người trẻ Trung Quốc đi du học.

“Cuối cùng, đó vẫn là quyết định của riêng gia đình dựa trên tất cả những ưu và khuyết điểm. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng có một chính sách cụ thể ngay lập tức ngăn cản họ tiếp cận nền giáo dục quốc tế cho con cái họ”, ông Chu nói. 

Xiong Bingqi, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết không có cách nào ngay lập tức ngăn các gia đình gửi con cái ra nước ngoài, nhưng Trung Quốc nên xem xét cải cách hệ thống giáo dục.

Xiong nói, để ngăn các bậc cha mẹ như Dong và Jia cho con cái họ ra nước ngoài học, “chính phủ cần thúc đẩy một nền giáo dục tư nhân hóa hơn và thay đổi cách đánh giá học sinh”. Ngoài ra, chính phủ cũng cần phải thay đổi hệ thống đăng ký hộ khẩu thường trú. 

“Một số trẻ em không có hộ khẩu thường trú trong thành phố mà chúng sống và học tập, nên không được phép tham gia kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông hoặc kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia của thành phố. Vì vậy, các bậc phụ huynh chọn đưa con cái họ ra nước ngoài”, ông Xiong nói.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Hà Vy

Được quan tâm

Tin mới nhất