Có 48 thi thể trong tầng hầm của nhà tang lễ ở Harlem. 40 thi thể đặt trong các hộp các tông, sẵn sàng cho hỏa táng. 8 thi thể còn lại trong tủ lạnh, ướp xác và chờ chôn cất. Nhưng phải mất hàng tuần hoặc tháng để quá trình chôn cất diễn ra.
Khi các quan chức y tế bắt đầu chôn cất các nạn nhân COVID-19 trong một ngôi mộ tập thể trên đảo Hart trong tuần chết tồi tệ nhất của New York, 4 nữ nhân viên tại Dịch vụ mai táng & hỏa táng quốc tế phải buộc từ chối tiếp nhận thi thể. Họ cảm thấy mình thất bại, bởi không đáp ứng được yêu cầu của thân nhân người chết. Theo những gì họ nghĩ, một người nên có được thứ họ muốn khi chết đi, ngay cả khi điều đó không thể xảy ra trong cuộc sống.
“Bạn muốn 6 hộp đựng tro cốt hình limos và muốn chúng được sơn màu hồng? Được. Bạn muốn hỏa táng? Rất tiếc, không được rồi. Bạn muốn chôn cất và có sẵn kế hoạch chi tiết? Xin lỗi, chúng tôi hết phòng chứa xác rồi”, Lily Sage Weinrieb nói. “Chúng tôi được ca ngợi là những người hùng làm việc trên tiền tuyến nhưng tôi cảm thấy mình đang khiến các gia đình thất vọng mỗi ngày”.
Trên chiến tuyến chống lại đại dịch COVID-19, các y bác sĩ đang chăm sóc cho những người còn sống. Nhưng có một chiến tuyến khác của những người làm nhiệm vụ chăm sóc những người đã chết. Họ cũng sợ mình nhiễm bệnh và chết. Một số người đã gửi con cái đến chỗ người thân nhờ chăm sóc. Vì các thành phố của Mỹ như New York chưa bao giờ được thiết kế để xử lý quá nhiều người chết đến như vậy, nên công việc của họ dự kiến sẽ kéo dài hơn nhiều.
Khi đại dịch khởi phát, Alisha Narvaez, 36 tuổi, đã gửi con gái 17 tuổi đến sống cùng chị gái sinh đôi, nhưng sau hai tuần, họ thấy đã là quá lâu. “Tôi và con bé luôn muốn về nhà”, chị Alisha nói.
Alisha tắm tại nhà tang lễ sau khi ướp xác và trước khi về nhà, cô cởi bỏ tất cả quần áo rồi để lại ở hành lang và tắm lại lần nữa khi về nhà. Cô xịt nước sát khuẩn Lysol lên túi và súc miệng bằng Listerine. “Tôi phải đảm bảo sức khỏe để không ảnh hưởng tới con bé”, Alisha nói. “Mặc dù con bé đã cách ly trong vài tuần, nhưng mỗi ngày tôi đi làm về đều là ngày nguy hiểm đối với nó”.
Jenny Adames gửi con gái đến sống cùng mẹ. Gần đây một đoạn tin nhắn với con gái khiến trái tim cô “tan vỡ”. “Con bé cần mẹ. Con bé không cần Jenny làm giám đốc nhà tang lễ“, Jenny, 36 tuổi, nói.
Nicole Warring, 33 tuổi, lo lắng bản thân có thể chết hoặc lây virus cho con trai 10 tuổi. Bạn trai của cô, người làm việc cho công ty hỏa táng, đã bị nhiễm virus. May mắn thay, anh ấy đã hồi phục. Cô đã nghỉ làm một tuần vì quá lo lắng. “Đó là tổn thương đối với tất cả mọi người”, cô nói. “Chẳng trường học nào dạy bạn những gì chúng ta đang thấy bây giờ”.
Lily chuyển khỏi ngôi nhà sống chung với bạn bè ở Philadelphia vì cô không muốn bạn bè bị phơi nhiễm virus. Bố mẹ để Lily chuyển nhà nhưng cô đã không ôm ai khoảng hơn một tháng nay. “Thật tệ hại”, cô gái nói.
Nhiều đêm mỗi tuần, cô gái 25 tuổi ngủ trong nhà nguyện ở công ty tang lễ.
Jenny không nhớ thi thể đầu tiên cô xử lý trong đại dịch nhưng cô nhớ điều khiến cô ấy khóc. Đó là khi một người đàn ông gọi điện cho cô ít nhất 4 lần/ngày, nói về người bạn chết ở viện dưỡng lão. “Tôi cần sự giúp đỡ. Tôi không biết phải làm gì. Tôi không muốn anh ấy phải chôn cất ở những ngôi mộ vô danh. Xin hãy giúp tôi Jenny”, Jenny kể lại lời khẩn cầu của người đàn ông. Thế nhưng Jenny lại không thể làm bất cứ chuyện gì, điều này khiến cô rất đau lòng. “Không phải chúng tôi không muốn làm. Chúng tôi cần thời gian”, Jenny giải thích với người đàn ông.
Số người chết vì COVID-19 ở Mỹ hiện cao nhất thế giới. 1/3 trong số đó là ở thành phố New York với hơn 13.000 ca tử vong. Thành phố đông dân nhất nước Mỹ này chỉ có 4 nhà hỏa táng.
Chết trong đại dịch là một điều vô cùng tồi tệ. Những chiếc rơ-moóc được làm lạnh bên ngoài các bệnh viện không có đủ giá đỡ và đôi khi xác chết xếp chồng lên nhau ở trên sàn. Các bệnh viện, vốn lưu trữ thi thể trong 14 ngày, nay đôi khi chỉ giữ trong 6 ngày.
“20 nhà tang lễ khác đã phải đưa thi thể ra ngoài”, Nicole nói. “Bạn thấy hàng tấn túi đựng xác chết được dán nhãn COVID-19, COVID-19 và COVID-19.. Nó giống như một chương trình kinh dị”.
Những người phụ nữ trong nhóm của Nicole đứng giữa nhiều rủi ro mà công việc của họ mang lại, và thậm chí không ai biết liệu xác của nạn nhân có lây virus không.
Hầu hết nạn nhân COVID-19 không có người thân đưa tiễn, vì họ bị yêu cầu cách ly. Những người phụ nữ này cố tìm cách để họ nói lời chia tay với người đã khuất. Jenny cho các gia đình số điện thoại của mình. Họ nhắn tin cho cô đến tận khuya.
Đối với các trường hợp hỏa táng, Lily đề nghị các gia đình đổ tro vào bình và nói vài lời.
Nhà tang lễ ở Harlem là một trong số ít nơi cho phép người khác đến đưa tiễn nạn nhân COVID-19. Vì đại dịch nên chỉ có 10 người có thể tập trung tại một thời điểm. Với hầu hết các gia đình đông thành viên, nhóm của Jenny sẽ chia làm bốn lượt với 10 người mỗi giờ. Các gia đình phải mang găng tay và khẩu trang riêng.
Jenny yêu cầu các thành viên trong nhóm phải quan sát và hỗ trợ nhau. Lúc này, thông điệp mà cô muốn mọi người ghi nhớ là: “Hãy giữ lại lòng trắc ẩn của bạn, bởi vì chúng ta phải chuyển sang nạn nhân tiếp theo. Không có thời gian để dừng lại”.
Ông của Jenny đã chết hôm 6/4 sau khi nhiễm nCoV. Một tuần sau, dì của cô cũng qua đời, “nghi ngờ mắc COVID-19”, giấy chứng tử viết. Họ là gia đình của Jenny, vì vậy cô tự tay chăm sóc họ.
“Tôi không phải kiểu người chia sẻ cảm xúc của mình với người khác”, cô nói. “Tôi không muốn nghe thấy mọi người nói tôi vô tâm, nhưng đó là công việc. Đó là những gì tôi làm”, Jenny nói thêm.