Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Top 10 vương gia giàu nhất thế giới, không có Nữ hoàng Anh

Những người đứng đầu gia đình hoàng gia giàu nhất châu Âu cũng chỉ xếp cuối danh sách, dẫn đầu danh sách này là quốc vương ở châu Á.

Nhìn vào lễ cưới được bàn tán nhiều nhất gần đây của hoàng gia Anh, hẳn ai cũng đoán được đại gia đình quý tộc này giàu có thế nào. Tuy nhiên, trên thế giới vẫn còn rất nhiều quốc gia duy trì chế độ quân chủ với vua hoặc nữ hoàng là người đứng đầu. So với hoàng gia của rất nhiều đất nước quân chủ khác, hoàng gia Anh cũng chưa đến mức được gọi là “nhà giàu” khi tài sản ròng của Nữ hoàng Elizabeth II là hơn 500 triệu USD.

Dưới đây là danh sách 10 vương gia giàu nhất thế giới.

10. Hoàng tử Albert II, Monaco: 1 tỷ USD

Gia đình nhỏ của Hoàng tử Albert II.

Hoàng gia của Thân vương quốc Monaco là một trong những hoàng gia giàu nhất châu Âu, nhưng cũng chỉ xếp cuối cùng trong danh sách top 10 hoàng gia giàu nhất thế giới.

Tài sản ròng của Hoàng tử Albert, người trị vì Công quốc Monaco, bao gồm 1/4 đất đai của vương quốc, một bộ sưu tập ô tô cổ, một khu nghỉ dưỡng ở Monte Carlo (khu vực hành chính của Monaco), một bộ sưu tập tem quý giá, cùng một dinh thự ở Philadelphia (Mỹ) trị giá 754.000 USD.

9. Vua Tamim bin Hamad Al Thani, Qatar: 1,2 tỷ USD

Vua Tamim bin Hamad Al Thani.

Vua Tamim trở thành người đứng đầu Hoàng gia Qatar sau khi cha ông thoái vị vào năm 2013. Con số 1,2 tỷ USD đối với phần lớn người dân trên thế giới là nhiều, nhưng so với tài sản của cha ông, người nắm giữ ngôi vương trước đó, thì vẫn không là gì. Tài sản của cựu Quốc vương Hamad bin Khalifa Al Thani, cha của vua Tamim ước tính vào khoảng 2,4 tỷ USD, hầu hết đều đến từ quỹ Đầu tư Quốc gia Qatar. Cơ quan này chịu trách nhiệm quản lý mỏ dự trữ dầu và khí đốt.

8. Đại công tước Duke Henri, Luxembourg: 4 tỷ USD

Đại công tước Duke Henri và phu nhân.

Luxembourg, tên đầy đủ là Đại công quốc Luxembourg, là một quốc gia nhỏ nằm trong lục địa ở Tây Âu, giáp với Bỉ, Pháp, và Đức. GDP của Luxembourg thuộc hạng cao nhất thế giới (107.206 USD/người/năm).

Luxembourg theo chế độ dân chủ đại nghị và quân chủ lập hiến, quốc gia này là đại công quốc duy nhất còn tồn tại trên thế giới, được cai trị bởi một đại công tước.

Gia đình đại công trước được trợ cấp 324.851 USD mỗi năm để điều hành đất nước, nhưng với số tài sản tỷ đô, có lẽ gia đình này chẳng bao giờ dùng đến tiền trợ cấp.

7. Quốc vương Mohammed bin Rashid Al Maktoum, Dubai: 4,5 tỷ USD

Quốc vương Mohammed bin Rashid Al Maktoum và phu nhân.

Ông Mohammed bin Rashid Al Maktoum là Quốc vương của tiểu vương quốc Dubai, đồng thời còn Phó Tổng thống và Thủ tướng của Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Quốc vương Mohammed bin Rashid Al Maktoum dành phần lớn tài sản của mình cho các hoạt động từ thiện. Ông đã đóng góp 10 tỷ USD tổ chức Mohammed bin Rashid Al Maktoum với mục tiêu hỗ trợ cho các thế hệ tương lai.

6. Hoàng tử Hans-Adam II, Liechtenstein: 5 tỷ USD

Hoàng tử Hans-Adam II và phu nhân, Công chúa Marie.

Thân vương quốc Liechtenstein là một quốc gia nhỏ giáp với Thụy Sĩ ở phía tây và Áo ở phía đông. Liechtenstein có GDP trên đầu người cao nhất thế giới và tỷ lệ nợ nước ngoài thấp nhất thế giới. Tỷ lệ thất nghiệp ở Liechtenstein chỉ 1,5 %, thấp thứ nhì thế giới (thấp nhất là Monaco).

Tài sản của gia đình Hoàng gia Liechtenstein chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng gia đình LGT Group. Ngoài ra, Quỹ Hoàng tử Liechtenstein cũng đóng góp rất nhiều vào việc làm đầy thêm khối tài sản khổng lồ của gia đình này bằng việc đầu tư vào bất động sản, lâm nghiệp và sản xuất rượu.

5. Vua Mohammed VI, Maroc: 5,7 tỷ USD

Vua Mohammed VI và vợ, công chúa Lalla Salma.

Vương quốc Maroc nằm ở phía Bắc Phi. Quốc gia này theo chế độ quân chủ lập hiến, nhà vua là nguyên thủ quốc gia, thủ tướng là người đứng đầu chính phủ.

Tài sản của Vua Mohammed VI phần lớn đến từ Công ty Đầu tư Quốc gia Maroc thuộc sở hữu của gia đình hoàng gia Maroc. Công ty này chuyên đầu tư vào các quốc gia ở châu Phi và hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, năng lượng tái tạo.

4. Quốc vương Khalifa bin Zayed Al Nahyan, Abu Dhabi: 15 tỷ USD

Quốc vương Khalifa bin Zayed Al Nahyan.

Abu Dhabi là tiểu vương quốc tọa lạc tại Vịnh Ba Tư, là thủ đô và cũng là thành phố đông dân thứ hai của UAE (thành phố đông dân nhất là Dubai).

Quốc vương Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan vừa cai trị Abu Dhabi, vừa là Chủ tịch của UAE. Tài sản của ông chủ yếu có được nhờ giữ chức chủ tịch của Quỹ đầu tư Abu Dhabi, tổ chức này quản lý dự trữ dầu thừa của UAE.

3. Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud, Ả Rập Xê Út: 17 tỷ USD

Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud trong một buổi trò chuyện với cựu Tổng thống Barack Obama.

Nguồn thu nhập của Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud đến từ tập đoàn truyền thông do gia đình ông điều hành, bao gồm 2 tờ báo lớn của Ả Rập là Asharq Al-Awsat và Al Eqtisadiah.

2. Quốc vương Hassanal Bolkiah, Brunei: 20 tỷ USD

Quốc vương Hassanal Bolkiah

Hầu như mọi thu nhập của Quốc vương Hassanal Bolkiah đều đến từ ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt. Ông đồng thời còn là Thủ tướng, Bộ trưởng bộ Quốc phòng, Bộ trưởng bộ Tài chính của Brunei.

Ông sống trong cung điện lớn nhất thế giới, ước tính trị giá 350 triệu USD. Nhiều lời đồn đoán nói ông sở hữu 600 chiếc siêu xe Rolls-Royces.

1. Vua Maha Vajiralongkorn, Thái Lan: 30 tỷ USD

Vua Maha Vajiralongkorn và Công chúa Thái Lan Maha Chakri Sirindhorn.

Hoàng gia giàu nhất thế giới lại là ở một quốc gia châu Á, với tổng số tài sản ròng vượt xa người đứng thứ 2.

Gia đình Vua Maha Vajiralongkorn kiếm tiền từ các khoản đầu tư phát sinh từ Văn phòng Bất động sản Chính phủ, cơ quan này quản lý hầu hết tài sản của gia đình Hoàng gia Thái.

Ngoài ra, Vua Maha Vajiralongkorn còn sở hữu viên kim cương Golden Jubilee nặng 545 carat, viên kim cương nhiều góc cạnh lớn nhất thế giới.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết QN

Được quan tâm

Tin mới nhất
Phòng Khám Đa Khoa Hồng Phúc – Được Ưu Tiên Lựa Chọn Tại Cẩm Mỹ Đồng Nai