Ngày 24/10, Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ (NHC) xác nhận cơn bão Kristy ngoài khơi Thái Bình Dương đã mạnh lên cấp 5, với sức gió duy trì gần 260 km/giờ, trở thành một trong những cơn bão mạnh nhất mùa. Hiện Kristy đang di chuyển về phía Tây trên Đông Thái Bình Dương, hướng đi không đe dọa trực tiếp lục địa Mỹ. Tuy nhiên, cơn bão có thể tạo ra những đợt sóng lớn nguy hiểm ngoài khơi bờ biển Baja California của Mexico, gây lo ngại cho các hoạt động hàng hải.
Trong vòng 72 giờ tới, Kristy được dự báo sẽ tiếp tục đi theo hướng Tây Bắc trước khi yếu dần thành bão nhiệt đới, đồng thời có thể chuyển hướng về phía Tây Nam.
Theo tạp chí Newsweek, bão ở Đại Tây Dương thường có xu hướng đi về phía Mỹ hoặc các đảo Caribbean, còn bão Thái Bình Dương như Kristy lại thường di chuyển xa khỏi bờ biển Mexico, ra phía đại dương. Tuy vậy, những cơn bão tại Thái Bình Dương đôi khi vẫn đe dọa Mexico và Hawaii.
Đáng chú ý, mùa bão tại Đại Tây Dương kéo dài từ tháng 6 đến tháng 11, trong khi mùa bão Đông Thái Bình Dương bắt đầu sớm hơn, từ giữa tháng 5. Đông Thái Bình Dương sở hữu vùng nước ấm hơn, góp phần tạo điều kiện hình thành các cơn bão lớn và xuất hiện sớm hơn trong năm. Trong năm nay, bão Carlotta là cơn bão đầu tiên được ghi nhận ở Đông Thái Bình Dương từ đầu tháng 8.
Bão Dana áp sát Ấn Độ, hàng trăm ngàn người đã được sơ tán
Cùng thời điểm, Ấn Độ cũng đang gồng mình đối phó với bão Dana khi cơn bão này dự kiến sẽ đổ bộ vào khu vực vườn quốc gia Bhitarkanika và cảng Dhamra trong ngày 25/10 hoặc sáng sớm ngày 26/10. Miền Nam Tây Bengal hiện đã xuất hiện mưa lớn kèm gió mạnh, khiến chính quyền địa phương phải sơ tán hàng trăm ngàn người đến nơi an toàn để giảm thiểu thiệt hại.
Theo Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), vào chiều 24/10, vị trí của cơn bão nằm cách Paradip, bang Odisha 150 km về phía Đông Nam và cách đảo Sagar, Tây Bengal 250 km về phía Nam - Đông Nam. IMD cũng đã cảnh báo mưa lớn có thể xảy ra tại các quận Kolkata, Howrah, Hooghly của Tây Bengal trong vòng 48 giờ tới, khi bão Dana được dự đoán mạnh lên với sức gió lên tới 120 km/giờ. Nhiều tuyến đường sắt và chuyến bay tại khu vực này đã phải tạm dừng hoạt động. Các lực lượng ứng phó thảm họa quốc gia (NDRF) và lực lượng tuần duyên đã được triển khai tại các vùng ven biển để hỗ trợ công tác cứu trợ và đối phó thiên tai.
Việc liên tiếp xuất hiện các cơn bão với sức mạnh lớn ở cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương một lần nữa cho thấy tính khốc liệt của biến đổi khí hậu và tác động ngày càng nghiêm trọng của hiện tượng thời tiết cực đoan đối với các quốc gia ven biển.