Người Toraja sống ở vùng núi Pangala, bang South Sulawesi của Indonesia. Từ nhỏ, người Toraja đã được học cách chấp nhận cái chết là một giai đoạn trong hành trình của cuộc đời. Theo phong tục truyền thống, khi một thành viên trong gia đình qua đời, họ vẫn được đối xử và chăm sóc như những người bị bệnh (còn gọi là toma kula).
Người Toraja vẫn cho toma kula ăn uống, hút thuốc hàng ngày, bởi niềm tin rằng linh hồn của người đã khuất vẫn vương vấn quanh thi thể họ và cần được quan tâm. Họ cho rằng người chết sẽ không chết hẳn cho đến khi nào người thân trong gia đình thực hiện được nghi lễ mai táng đắt đỏ. Trong nghi lễ này, một con trâu nước sẽ được hiến tế để làm bạn đồng hành cùng người chết ở cõi âm.
Càng nhiều trâu được hiến tế, linh hồn người chết sẽ càng nhanh được siêu thoát lên thiên đường. Ngược lại, nếu không con trâu nào được đưa ra làm vật hiến tế, linh hồn người chết sẽ không thể siêu thoát.
Trong tang lễ của những người thuộc gia đình khá giả, số trâu hiến tế có thể lên đến 24 con. Giá mỗi con trâu là 40.000 USD. Do đó, chi phí tổ chức tang lễ thường hơn 50.000 USD đối với một gia đình bình thường, và có thể lên đến 250.000 - 500.000 USD đối với gia đình khá giả. Điều này lý giải vì sao một số gia đình phải lưu giữ thi thể người chết lâu đến vậy.
Đến ngày đầu tiên của tang lễ, các gia đình sẽ đặt người đã khuất về hướng nam. Tuy nhiên, quá trình từ khi một người trút hơi thở cuối cùng đến khi tổ chức tang lễ có thể kéo dài vài tháng, thậm chí vài chục năm, khi gia đình có đủ tiền để tổ chức tang lễ trang trọng, đầy đủ nghi thức. Cho tới khi đó, formalin và một số loại cây cổ khô được dùng để bảo quản thi thể.
Nhiều người trẻ ở tộc Torajan cảm thấy bế tắc với truyền thống này. Thay vì có thể dành tiền mua xe hay tham quan các địa điểm du lịch nổi tiếng, họ phải chịu trách nhiệm chi trả tiền mua trâu hiến tế. Ngay cả sau khi người chết được chôn cất trong lăng mộ bằng đá, trách nhiệm vẫn chưa hết.
Cứ 1-3 năm, con cháu trong gia đình phải tham gia nghi lễ ma’nene. Khi đó, xác chết được đưa ra khỏi quan tài, rửa sạch và mặc quần áo mới. Quan tài mục rỗng sẽ được thay bằng quan tài mới, còn xác chết được con cháu đưa đi diễu hành quanh làng.
Đây được coi là cách để tỏ lòng tôn kính với người đã khuất. Một số gia đình thậm chí còn trang điểm và chụp ảnh với người thân đã khuất.