Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Tại sao giới siêu giàu không để lại toàn bộ tài sản thừa kế cho con cái?

Ngoài đặc điểm chung là giàu ra thì những tỷ phú này còn có quan điểm rất giống nhau đó là sẽ không giao toàn bộ tài sản cho con cái.

Gordon Matthew Thomas Sumner CBE, hay còn được biết đến với cái tên Sting, là một nhạc sĩ, ca sĩ-người viết nhạc và diễn viên người Anh, ông sở hữu khối tài sản khổng lồ lên tới 300 triệu USD . Sting nói rằng số tiền này sẽ không dành cho 6 đứa con của mình.

Trong cuộc phỏng vấn với Dailymail vào tháng 6, Sting nói: “Chắc chắn tôi không muốn giao lại cho chúng khối tài sản ủy thác, một gánh nặng sẽ thắt quanh cổ con tôi. Chúng phải làm việc. Bọn trẻ nhà tôi biết điều đó và hiếm khi nào chúng hỏi xin tôi bất cứ thứ gì, đây là điều tôi rất tôn trọng và đánh giá cao”.

Cô diễn viên từng đoạt giải Oscar, Philip Seymour Hoffman, đã viết rất rõ trong di chúc rằng: Con ông nên được nuôi dưỡng tại một thành phố lớn của Mỹ và được tiếp xúc với văn hóa, nghệ thuật và kiến ​​trúc. Bản di chúc của Hoffman thậm chí còn ra đời trước cả các con ông, trong đó viết ông không muốn các con trở thành những đứa trẻ của “quỹ ủy thác”, khối tài sản 35 triệu USD sẽ được để lại cho mẹ chúng.

Đầu bếp nổi tiếng Nigella Lawson tuyên bố cô không có ý định để lại tài sản thừa kế: “Tôi đã xác định rằng các con tôi không nên có sự đảm bảo về tài chính. Nó hủy hoại những người không phải kiếm tiền”.

Theo công ty tư vấn Accenture, những gia đình giàu có luôn phải đau đầu với vấn đề này, thế nhưng tình trạng tương tự cũng đang xảy ra ở quy mô nhỏ hơn với hàng triệu người thuộc thế hệ baby boomers, họ sẵn sàng cho đi 30 nghìn tỷ USD trong vòng 30 năm tới - thời kỳ chuyển nhượng sự giàu có lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Điều từng là vấn đề riêng tư của gia đình đã trở thành một cuộc thảo luận công khai về sự giàu có, đặc quyền và trách nhiệm cá nhân. Ai nhận được số tiền lớn? Có nên là người thừa kế? Hay tốt hơn hết là họ không nên thừa kế?

Bill và Melinda Gates sẽ để lại cho mỗi đứa con 10 triệu USD. Bên cạnh đó, 3 người con của ông đều có cho riêng mình một quỹ trị giá 2 tỷ USD tài trợ. Thế số tiền còn lại của Bill? Tất cả đều dành cho từ thiện, cũng giống như ông, nhiều tỷ phú khác cũng tình nguyện đem hết số tiền mình có để giúp đỡ thế giới.

Giống như tỷ phú Buffett từng nói số tiền hoàn hảo để lại cho con trẻ là “số tiền đủ để bọn trẻ cảm thấy chúng có thể làm bất cứ điều gì, nhưng không đến nỗi quá nhiều để chúng cảm thấy không thể làm điều gì khác nếu chỉ dựa vào số tiền đó”.

Một tỷ phú tự thân khác cũng chia sẻ: “Chúng tôi có lẽ đã đấu tranh với vấn đề này nhiều hơn bất cứ điều gì khác”. Người này cùng vợ cũng có tư tưởng như những tỷ phú khác rằng sẽ có một kế hoạch tài chính nhất định để hỗ trợ con cái nhưng sẽ không làm hỏng chúng bằng quá nhiều tiền.

“Chúng tôi đã rất kinh hoàng trước những gì có thể xảy ra nếu các con kiểm soát một khoản tiền lớn khi còn trẻ. Càng nhìn chằm chằm vào điều đó, chúng tôi càng khó chịu”.

Lấy cảm hứng từ Warren Buffett, gia đình trên đã lập quỹ ủy thác cho từng người con đang học đại học. Mỗi đứa trẻ có 2,5 triệu USD, kiểm soát bởi những người được ủy thác, những người này chỉ có thể chi tiền cho các hoạt động giáo dục, chăm sóc sức khỏe, mua nhà hoặc khởi nghiệp. Bất kỳ khoản tiền chưa sử dụng nào trong quỹ ủy thác sẽ tiếp tục được đầu tư và phát triển.

Những quy tắc nghiêm ngặt đó vẫn tồn tại cho đến khi mỗi đứa trẻ bước vào tuổi 40, sau đó thì chúng có thể dùng tiền làm bất cứ việc gì. Trong những năm 20, 30 tuổi, số tiền đó được dùng để làm những bệ phóng giúp con cái của những tỷ phú này phát triển sự nghiệp bớt được phần nào khó khăn. Các bậc cha mẹ tỷ phú tin rằng sau 40 tuổi, các con họ sẽ đủ trưởng thành để sử dụng tiền một cách khôn ngoan hoặc dùng nó làm một mạng lưới tài chính an toàn.

Thế còn phần còn lại của số tiền thì sao? Ông bố tỷ phú này giải thích rằng sẽ đem hết số tài sản còn lại của mình đóng góp cho một tổ chức mà cuối cùng cũng sẽ được quản lý bởi các con của ông, và chỉ có thể được dùng với mục đích từ thiện. Bọn nhỏ nhận thức được quỹ ủy thác và kế hoạch sử dụng tài sản này.

Tỷ phú Warren Buffett cùng các con

“Chúng vô cùng vui mừng với việc này. Chúng muốn là chính mình”, ông bố này tin rằng, một gia tài khổng lồ có thể là một cái bẫy suốt đời cho con cái của những bố mẹ giàu có. “Tôi không muốn chúng nhìn vào gương rồi thốt lên 'Tôi là ai thế này?'.”

Jamie Johnson đã dành cả cuộc đời của mình xung quanh giàu có. Năm 2000, khi mới chỉ 21 tuổi, người thừa kế Johnson & Johnson đã được thừa hưởng một số tiền khổng lồ - báo cáo đưa ra con số ước tính khoảng 600 triệu USD - từ quỹ ủy thác của gia đình. Mỗi người trong số 5 anh chị em của anh nhận được một số tiền tương tự, và không có hạn chế mục đích sử dụng. Bộ phim tài liệu năm 2003 “Born Rich” là một nghiên cứu về tiền của gia đình Johnson và những người bạn siêu giàu khác.

“Khi những người siêu siêu giàu nói 'Tôi sẽ không để lại cho con bất cứ đồng nào', thường đều không đúng”, anh nói.Ngay cả khi trẻ em không tiếp xúc với tiền mặt, chúng vẫn có trường học, nhà ở, các mối liên hệ và cơ hội tốt nhất. “Tất cả những điều này là những điều mà chỉ những gia đình giàu có mới có thể làm được. Đây là những cách khác nhau để chuyển giao sự giàu có và sức ảnh hưởng”.

Đối với những đứa trẻ có quỹ ủy thác, việc có nhiều tiền là tốt hay là xấu còn phải phụ thuộc vào cách gia đình chuẩn bị cho chúng như thế nào, tính cách của chúng và cách con trẻ đối mặt với áp lực của giàu có và nỗi sợ từ việc không được thừa kế. Có một Ivanka Trump, người có bằng kinh doanh từ Wharton, đã mang lại cho gia đình cô một số tiền không nhỏ và cả danh tiếng tầm cỡ trong sự nghiệp lừng lẫy.

Còn về phần mình, Johnson đã dùng tiền thừa kế để khởi động sự nghiệp làm phim và để sống một cuộc sống tương đối bình thường ở New York. “Trong trường hợp của tôi, hóa ra đó là một lợi ích tuyệt vời”, anh ấy nói.

Hầu hết các bậc cha mẹ đều muốn bảo vệ con cái khỏi sai lầm từ những khoản tiền kế thừa - ma túy, kiện cáo, những đứa theo đóm ăn tàn, hoài nghi về bản thân - và giữ gìn tài sản gia đình cho các thế hệ tương lai. Tuy nhiên, cuộc sống lại chẳng dễ dàng như thế, mọi việc đâu diễn ra như ý muốn đâu: thường thì sẽ là thế hệ thứ nhất tạo ra tiền, thế hệ thứ hai tiêu phần lớn số tiền đó, còn thế hệ thứ ba tiêu hết phần còn lại. Vậy nên mới có ngạn ngữ: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”.

Theo truyền thống, những người giàu có sẽ đưa tất cả tiền cho con cái và cháu chắt, mong rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Bob Gach, giám đốc điều hành của Accenture, nói những người thuộc thế hệ Baby Boomers đang sống lâu hơn và họ phải đấu tranh để cân bằng nhu cầu khi về hưu và tiền từ thiện với những phúc lợi cho con cháu họ. Gach nói: “Đây là sự gặp gỡ vô cùng thú vị giữa nhân khẩu học, tuổi thọ và tích lũy tài sản”.

Hiện Gach cũng đã lên kế hoạch để lại một phần tài sản cho con trai 20 tuổi, một chút cho trường cũ và một chút cho những việc anh ấy thích. “Tôi muốn con trai tôi được hưởng lợi từ đó, nhưng tôi không cảm thấy phải để lại tất cả tiền cho nó”.

Năm 2012, Accenture đã đưa ra một báo cáo quan trọng về khoản tiền 12 nghìn tỷ USD mà thế hệ Baby Boomers thừa hưởng từ cha mẹ và khoảng 30 nghìn tỷ USD khác ước tính mà thế hệ này sẽ để lại cho con cháu cùng các tổ chức khác. Tất nhiên, họ là những người may mắn - không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, vẫn có việc làm hoặc nghỉ hưu với số tiền tiết kiệm đáng kể.

Họ khác với những thế hệ trước: có nhiều khả năng vẫn có thể cho đi khi vẫn đang còn sống, quan tâm nhiều hơn đến những đứa trẻ đang tuổi trưởng thành trên con đường tìm kiếm và giữ việc làm. Tài sản dư ra thường được cho vào các quỹ tín thác được bảo vệ bằng thuế, có thể tự do hoặc hạn chế.

Bà Nancy Fax, một chuyên gia về ủy thác và tài sản chia sẻ: “Một số người nói, 'Tôi đã làm việc rất chăm chỉ mới có số tiền này, và tôi không muốn con trai dùng nó để sống trên một hòn đảo Caribbean - Tôi muốn sự tin tưởng này là một mạng lưới an toàn'. Và một số người nói, 'Tôi không muốn kiểm soát từ dưới mồ'”.

Nhiều quỹ tín thác được cấu trúc để phân phối tài sản thừa kế ở độ tuổi nhất định. Ví dụ như 25 tuổi nhận một phần ba, 30 tuổi nhận một phần ba và ở tuổi 35 nhận nốt số tiền còn lại.

Một điểm cần phải nhắc đến đó là rất nhiều người không thích nói về tiền bởi vì họ không muốn những đứa trẻ biết họ thực sự sở hữu bao nhiêu tiền hoặc chúng sẽ được thừa kế gì. Mặc dù trẻ em trưởng thành ở Mỹ không có quyền hợp pháp đối với tiền của cha mẹ, nhưng thật hiếm khi những người thừa kế không có gì. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ có được mọi thứ.

Fax có một khách hàng “rất yêu quý con cái”, và “anh ấy đang tích cực tìm kiếm các cách để lại tiền cho tổ chức từ thiện”, bà nói. Doanh nhân tự thân này đã cho con cái một nền tảng giáo dục tuyệt vời, những món quà tiền tệ và một phần công việc kinh doanh của mình. “Anh ấy cảm thấy may mắn và anh ấy cảm thấy con mình đã được ban phước. Và anh ta tin rằng tài sản anh tích lũy sẽ được dùng vào những công việc có ích”.

Như Bill Gates. Người đàn ông giàu nhất thế giới sẽ không tiết lộ số tiền chính xác mà 3 người con của ông được thừa hưởng, nhưng trong cuộc phỏng vấn với Daily Mail vào năm 2011, ông nói “đó sẽ là một phần rất nhỏ trong tài sản của tôi”. Chúng sẽ nhận được một chương trình giáo dục và chăm sóc sức khỏe 'không thể tin được', và khoản tiền 10 triệu USD dù không nhiều nhưng vẫn giúp chúng đứng vững.

“Vì thế, chúng sẽ phải thành lập đế chế toàn cầu của riêng mình“, ông nói: “Về mặt thu nhập, chúng sẽ phải chọn một công việc ưa thích và đi làm”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Washingtonpost

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giải mã sức hút của show 'Hành Trình Kỳ Thú' đang phát trên MyTV