Khi Zeng Yaqin nhận được tin vào tháng 5 thông báo rằng con gái cô đã chào đời, trong cô là một sự đan xen phức tạp của cảm xúc: vừa vui mừng, vừa lo sợ.
Đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới. Cô bị chôn chân trong ngôi nhà của mình ở Quảng Châu, Trung Quốc và cách đó hơn 4.000 km, con gái cô chào đời ở Almaty, Kazkhstan.
Zeng, 27 tuổi, và chồng đã phải trả 480.000 Nhân dân tệ (73.000 đô la) để thuê một phụ nữ Kazakhstan mang thai hộ vào cuối năm 2019 bởi cô gặp vấn đề bẩm sinh về tử cung không thể thụ thai. Thời điểm người phụ nữ Kazkhstan sinh con, biên giới các nước đều đóng cửa vì dịch Covid-19. Zeng không biết đến bao giờ mới gặp được con.
Công ty mang thai hộ đã chuyển con cô đến một biệt thự ở ngoại ô Almaty cùng 9 đứa trẻ sơ sinh Trung Quốc khác, thuê các vú em địa phương chăm sóc.
6 tháng sau khi cất tiếng khóc chào đời, con gái của Zeng vẫn bị mắc kẹt ở nước ngoài. Nỗi lo khiến Zeng bị rụng tóc và mất ngủ. “Tôi không thể tập trung vào bất cứ việc gì ngoại trừ việc đọc tin tức về tình hình đại dịch. Nhưng những gì tôi đọc chỉ khiến tôi càng cảm thấy khó chịu hơn”, Zeng nói.
Năm 2001, Chính phủ Trung Quốc cấm mang thai hộ do những lo ngại về đạo đức và luật pháp, nên dịch vụ này nở rộ, đặc biệt là Đông Âu và Mỹ, để đáp ứng nhu cầu của các cặp vợ chồng Trung Quốc. Chưa có thống kê chính xác bao nhiêu người Trung Quốc đã sử dụng dịch vụ, nhưng tiềm năng là rất lớn bởi 1/8 số cặp vợ chồng ở quốc gia đông dân nhất thế giới này bị vô sinh.
Dịch vụ mang thai hộ rơi vào hỗn loạn trong năm 2020, các đường biên bị đóng cửa đã chia rẽ các gia đình và biến các trại trẻ mồ côi ở Nga thành “trại trẻ mang thai hộ” chứa hàng chục trẻ sơ sinh Trung Quốc mắc kẹt. Mặc dù một số quốc gia đã tạm thời nới lỏng các hạn chế biên giới trong vài tháng gần đây, hàng trăm và có thể hàng nghìn trẻ sơ sinh Trung Quốc vẫn đang bị lưu lạc ở nước ngoài.
WeChat và QQ đã hình thành nhiều nhóm tập hợp phụ huynh trẻ mang thai hộ, tại đó họ cập nhật tin tức mới nhất về thị thực, thông tin chuyến bay, số người nhiễm Covid-19. Một số người đã đoàn tụ được với con, một số thì không.
Với Zeng, cuộc sống trong 6 tháng qua đầy nỗi lo âu. Ngay khi con gái chào đời, Zeng nghe tin Đại sứ quán Trung Quốc ở Kazakhstan thông báo rằng đang đàm phán nối lại chuyến bay. Nhưng từ đó đến nay không có chuyến bay nào. Mới đây lãnh sự Kazakhstan tại Thượng Hải cũng xác nhận không có kế hoạch khởi động lại các chuyến bay giữa hai nước trong năm nay.
Zeng và chồng chưa bao giờ nghĩ về tình huống này khi bắt đầu nghiên cứu các dịch vụ mang thai hộ vào năm 2017. Họ đã cân nhắc tìm người đẻ thuê ở Mỹ, Nga, Ukraine và Georgia, cuối cùng chọn Kazakhstan. Tháng 7 năm ngoái họ bay đến Almaty làm thụ tinh ống nghiệm. "Từ lúc thai nhi ổn định, tôi càng mong muốn được gặp con hơn. Đó được coi là năm hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi, nhưng hóa ra lại vô cùng đau buồn", Zeng tâm sự.
Giờ đây, mối liên hệ duy nhất của Zeng với con gái là qua video và ảnh của đứa trẻ mà cô nhận được hàng ngày. Công ty đã bố trí 5 bảo mẫu để chăm sóc 10 em bé. Chi phí chăm sóc là 6.000 tệ mỗi tháng (21 triệu đồng). Cô không quan tâm đến tiền, tất cả những gì cô nghĩ là "có thể bay đến Almaty càng sớm càng tốt, kể cả là bị mắc kẹt ở đó".
May mắn hơn Zeng là Wen Xiaoqi, người phụ nữ 32 tuổi đến từ miền nam Trung Quốc, hiện đang chuẩn bị bay đến Ukraine. Con gái của cô sinh ra ở Kiev vào cuối tháng 10.
Chính phủ Ukraine cho phép công dân Trung Quốc đến thăm trong tối đa 30 ngày, kể từ 1/8. Nhiều gia đình đã tận dụng những thay đổi chính sách này. Một công ty có trụ sở tại tỉnh Phúc Kiến (đã giúp khoảng 300 cặp vợ chồng tìm người đẻ thuê ở Ukraine mỗi năm) cho biết hàng chục khách hàng của họ đã bay đến quốc gia Đông Âu này, kể từ tháng 7.
Wen hy vọng cô có thể bay vào tháng 12. "Điều khiến gia đình tôi lo lắng là dịch vụ đăng ký hộ chiếu cho em bé tại đại sứ quán Trung Quốc ở Ukraine. Các đặt chỗ sớm nhất có sẵn vào cuối tháng 12", Wen nói.
Con của Wen đang được giữ tại bệnh viện ở Kiev, được bảo mẫu địa phương chăm sóc với chi phí 70 USD mỗi ngày. Các bậc cha mẹ khác có con bị mắc kẹt ở Ukraine đã nói với cô rằng nếu không sớm đến đón, em bé có thể sẽ bị chuyển đến một trung tâm chăm sóc sau sinh khác với số tiền cần trả lên đến 15.000 NDT/tháng.
“Đối với tôi, chi phí bây giờ không phải là mối quan tâm lớn. Tôi chỉ nóng lòng được gặp con mình”, người mẹ nói.
Tuy nhiên, Wen lo lắng về tình hình dịch bệnh ở Ukraine. Hàng nghìn ca nhiễm mới đang được ghi nhận ở nước này mỗi ngày.
“Tôi không thể ngủ khi nghĩ về đứa con của mình đang ở đó. Chỉ những người có con bị kẹt ở nước ngoài mới dám lên các chuyến bay quốc tế vào lúc này. Chúng tôi đang mạo hiểm sức khỏe vì con cái".
Liu Xian, đến từ tỉnh Sơn Tây phía bắc, cũng đang chờ thông quan để tới Nga. Con của cô được sinh ra ở Moscow vào tháng Sáu.
Nga dần bắt đầu mở lại biên giới cho công dân nước ngoài vào cuối tháng 7. Các chuyến bay thẳng giữa nước này và Trung Quốc khởi động lại cùng tháng.
"Trong nhóm trò chuyện của chúng tôi với gần 400 người, ít nhất 30 thành viên cho biết con của họ vẫn ở Nga. Một số đang đợi thị thực và những người khác đang chờ vé máy bay", Liu Xian cho hay.
Ông Leng, người sáng lập TDE Overseas, công ty về mang thai hộ ở Moscow cho biết, hàng chục khách hàng của ông đã đến Nga để đón con trong vài tháng qua. Bất chấp các biến động, Leng khẳng định công ty của ông vẫn đang tiếp nhận các khách hàng Trung Quốc mới.
Tuy nhiên, các công ty mang thai hộ nước ngoài đang sụt giảm nghiêm trọng về khách hàng, do các cặp vợ chồng Trung Quốc chuyển sang thị trường chợ đen nội địa trong bối cảnh đại dịch.
Một nhà tư vấn mang thai hộ người Ukraine cho biết chỉ làm việc với hơn 20 cặp vợ chồng Trung Quốc năm 2020, trong khi bình thường có 300 khách/năm. Giá mang thai hộ ở Georgia là 350.000 tệ (1,2 tỷ đồng), 480.000 tệ ở Kazakhstan (1,7 tỷ đồng), trong khi ở Trung Quốc là 550.000 tệ (gần 2 tỷ đồng).
Qiu, người làm dịch vụ chui ở Trung Quốc cho biết, mặc dù mang thai hộ là bất hợp pháp ở Trung Quốc, vẫn có nhiều người làm. Nếu bị lộ, các công ty và bệnh viện bị phạt nặng, bác sĩ bị thu hồi giấy phép hành nghề. Riêng người thuê mang thai hộ hiếm khi bị phạt. Hiện nhu cầu mang thai hộ vẫn rất mạnh mẽ. "Trung bình, mỗi năm công ty tôi có từ 150 đến 160 trẻ sinh ra đời nhờ mang thai hộ trong nước. Còn ở nước ngoài thật khó thống kê", ông Qiu nói.
Các chuyến bay thẳng từ Trung Quốc đến một số quốc gia vẫn chưa được phép, phương án duy nhất lúc này là bay nối chuyến. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc không muốn làm cách này này vì tin rằng rủi ro nhiễm virus quá cao. Họ đang cầu nguyện sớm có vaccine và những đứa trẻ sơ sinh vẫn đang khỏe mạnh.
"Chúng tôi đều nhất trí sẽ không mạo hiểm sức khỏe của con mình vì thiếu các chuyến bay thẳng. Tất cả những gì chúng ta có thể làm bây giờ là chờ đợi", Zeng nói.