Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Sau vỡ đập, người Lào thiếu lương thực, thuốc men và quan tài

Hồng Hạnh (VnExpress) Theo dõi Saostar trên google news

Hàng nghìn người vẫn mắc kẹt trên nóc nhà ngập lũ chờ giải cứu, trong cảnh thiếu thốn nhu yếu phẩm sau thảm họa vỡ đập thủy điện.

Các lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tiếp cận những người mất nhà và mắc kẹt tại vùng sâu vùng xa phía nam nước Lào hôm 26/7, ba ngày sau khi một đập thủy điện ở tỉnh Attapeu bị vỡ, tạo thành bức tường nước cuốn trôi mùa màng, làng xóm vùng hạ lưu, theo Reuters.

Hiện chưa có đánh giá về quy mô thảm họa, một phần do khu vực gặp nạn khó tiếp cận, một phần do nhiễu thông tin từ truyền thông nhà nước.

Một quan chức cấp cao của Lào tại thủ đô Vientian hôm qua cho hay hàng chục người chết vì sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian - Xe Nomnoy. Cùng ngày, tờ Vientian Times đưa tin có 19 người tử vong và hơn 3.000 người chờ giải cứu, đa số đang mắc kẹt trên mái nhà, phía dưới là nước lũ đục ngầu.

Tuy nhiên, tối qua Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho hay số người mất tích là 131, chỉ có một người chết và những người còn lại đã kịp trốn lên nóc nhà hoặc cây cối an toàn.

Thông tin thủ tướng đưa ra đã cải chính những tin tức sai lệch về số liệu thương vong mà nhiều phương tiện truyền thông đã đưa“, báo Vientiane Times thông báo trên trang web.

Một tình nguyện viên phát đồ tiếp tế cho những người dân mất nhà tại nơi sơ tán hôm 25/7 ở thị trấn Paksong, tỉnh Champasak, khu vực gần tỉnh Attapeu - nơi xảy ra sự cố vỡ đập. Ảnh: AFP.

Báo cáo tình hình của Văn phòng Điều phối nhân đạo Liên Hợp Quốc cho hay đường sá, cầu cống đều bị hư hỏng nặng, 8 ngôi làng ngập do lũ quét sau sự cố vỡ đập. Thuyền và máy bay là phương tiện vận tải duy nhất tiếp cận được khu vực bị ảnh hưởng.

Các trường học ở khu vực an toàn được sử dụng làm nơi sơ tán. Khoảng 1.300 hộ gia đình cần lều bạt trú ẩn. Trên đường tới Sannamxai, một thị trấn nhỏ nằm trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất, phóng viên Reuters nhìn thấy xe tải chở hàng cứu trợ gồm nước ngọt và chăn đệm của Quỹ Viện trợ Nhân dân Na Uy.

Phra Ajan Thanakorn, một nhà sư Phật giáo đang trở về từ Sannamxai cho hay vừa đưa 4 xe tải chở lương thực và thuốc men từ Vientiane đến, ông đang quay lại thủ đô để mang thêm hàng cứu trợ. Vientiane cách Sannamxai khoảng 800 km về phía bắc.

Tình hình rất xấu“, Thanakorn nói. “Mọi công tác cứu trợ đang tập trung vào Sannamxai. Tình nguyện viên ở đó đang phân phát thức ăn, thuốc uống cho những người sống sót. Họ vẫn đang thiếu lương thực, thuốc men và quan tài“.

Hãng thông tấn Lào hôm qua cho hay một đội cứu hộ Lào và Trung Quốc đang tới Attapeu, tỉnh nông nghiệp rộng lớn giáp biên giới Việt Nam ở phía đông và Campuchia ở phía nam. Truyền thông nhà nước Lào cũng cho biết đoàn xe cứu trợ Thái Lan chở theo thuyền bè đang nối đuôi nhau tiến sang Lào từ phía đông bắc Thái Lan. Nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc và Singapore cũng đề nghị giúp đỡ.

Vị trí con đập bị vỡ trong công trình thủy điện Lào. Bấm vào hình để xem chi tiết. Đồ họa: BBC.

Lào, một trong những nước nghèo nhất châu Á, nuôi tham vọng trở thành “ắc quy” của châu lục khi cho phép xây dựng hàng loạt đập thủy điện. Tuy nhiên, chính phủ Lào phụ thuộc gần như hoàn toàn và nhà thầu bên ngoài để xây đập, đổi lấy các nhượng bộ về thương mại liên quan tới xuất khẩu điện cho các nước láng giềng phát triển hơn, bao gồm cả Thái Lan - quốc gia luôn “khát” điện.

Lào đã hoàn thành 11 con đập, theo tổ chức phi chính phủ TERRA của Thái Lan, cùng với 11 đập nữa đang xây dựng và hàng chục đập đang quy hoạch. Các nhóm nhân quyền nhiều lần cảnh báo việc xây dựng đập sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về môi trường và con người, cũng như ảnh hưởng tới hệ sinh thái mong manh của hệ thống sông ngòi trong khu vực.

Con đập vỡ có tên “Saddle Dam D”, là một đập phụ thuộc dự án công trình thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy gồm ba đập chính và 5 đập phụ trị giá hơn một tỷ USD mà nhà thầu xây dựng là các công ty Lào, Thái Lan và Hàn Quốc.

Đối tác chính của dự án, công ty xây dựng SK Engineering & Construction của Hàn Quốc, cho biết một phần của con đập đã bị nước cuốn trôi. Công ty đang hợp tác với chính quyền để giải cứu dân làng. Công ty Hàn Quốc đổ lỗi cho mưa lớn kéo dài gây vỡ đập. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định vụ vỡ đập Xe Pian - Xe Namnoy đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về quá trình quy hoạch và quản lý đập thủy điện ở Lào và những đập thủy điện khác cần lập tức được giám sát để tránh tái diễn thảm họa.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Hồng Hạnh (VnExpress)

Được quan tâm

Tin mới nhất